Khoa học

“Nhà ngoại cảm” siêu đẳng vẽ sơ đồ mộ liệt sĩ trong 15 phút

Chỉ trong khoảng 15 phút, “nhà ngoại cảm” Nguyễn Đức Phụng đã vẽ cặn kẽ sơ đồ ngôi mộ, đặc điểm mộ. Thế nhưng, hễ chúng tôi thắc mắc là ông bực dọc, thậm chí nạt nộ.

Tìm mộ liệt sỹ trong 15 phút

Ngày 30/10/2013, cầm bản trích lục thông tin liệt sỹ Nguyễn Văn Đuỳnh, hy sinh tại xã Phú Thọ (Quế Sơn, Quảng Nam), chúng tôi tìm gặp nhà ngoại cảm Nguyễn Đức Phụng ở ngõ 286 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) để nhờ tìm mộ.

14h30 có mặt đúng địa chỉ, hai cửa vào của ngôi nhà được treo biển “Ban Ngoại cảm từ xa” đều cài then im ỉm. Người phụ nữ ở tại phòng nhỏ liền kề thấy tôi gọi thì sang nói vọng vào: “Thầy” có khách”, đoạn lôi hai cánh cửa được làm bằng mảnh tôn màu đỏ ra. Lát sau, “nhà ngoại cảm” Nguyễn Đức Phụng xuất hiện. Đưa bản trích lục thông tin liệt sỹ cho người này xem, tôi nói: “Bác xem giúp nhà cháu mộ này có hy vọng tìm được không?”. Thầy Phụng đáp ngay: “Cái đó đơn giản chứ có gì. Giờ có tìm không? Nếu tìm luôn cháu đặt công đức 500.000 đồng để trả tiền nhà. 15 phút sau ta sẽ vẽ xong sơ đồ mộ”. Khi thấy tôi chần chừ, ông Phụng  khuyên nên tìm ngay bây giờ sẽ nhanh, lúc khác đông người.

Tôi chưa rút tiền ra mà hỏi về khu vực ngôi mộ, tên nghĩa trang thì “thầy” Phụng có phần bực bội: “Ta trả lời rồi, đơn giản, 15 phút ta sẽ vẽ sơ đồ liệt sỹ nằm ở đâu. Được chưa. Mộ ở nghĩa trang nào ta phải trắc nghiệm vẽ sơ đồ. Ta biết mộ này đã được quy tập rồi và sẽ tìm thấy”. Tôi tỏ vẻ lo lắng rồi trình bày trước đó, gia đình có nhờ người xem thì họ nói là mộ đã mất, “thầy” Phụng chỉ đáp một chữ “điêu” rồi lẩm bẩm gì đó tôi nghe không rõ.

Tôi vừa rút đủ số tiền, ông Phụng ra hiệu cho tôi đặt lên ban thờ cạnh đó thắp hương. Xong xuôi, ông đi vào phòng chừng vài phút, mang ra một chiếc băng cát sét mới, bảo là để ghi âm rồi cho người nhà giữ.

Theo chân ông đi qua lối ban thờ đến chiếc phòng rộng chừng hơn 10m2. Phòng tối và cũ kỹ. Một chiếc bàn nhỏ kèm hai hàng ghế đã sờn màu. Trên bàn có đặt một chiếc đài băng kiểu cổ xưa, một chiếc đèn bàn, một xấp giấy A3 và một đống bút màu đủ loại. Đoạn ông cầm bản trích lục tôi mang theo để ghi thông tin liệt sỹ vào cuốn sổ. Tôi cứ luyên thuyên đủ câu hỏi mà tuyệt nhiên nhà ngoại cảm này không đáp lời. Chừng 4 phút sau, ông cho băng vào đài, bật nút ghi và đọc với giọng kéo dài về thông tin của tôi và liệt sỹ.

Ông vừa đọc đúng tên liệt sỹ là Nguyễn Văn Đuỳnh thì tôi vờ xen vào:” Đuýnh bác ạ”. Không cần xem lại bản trích lục cũng không nhớ mình vừa ghi ra sao, ông cũng liến thoắng gọi Đuýnh. “Nhà ngoại cảm” cúi mặt, day trán một hồi rồi bắt đầu tả chân dung, tính nết và thông tin liệt sỹ khi còn sống và lúc hy sinh. Đặc biệt, tất cả đều được ông làm thành thơ, khoảng gần 50 câu. “Nhà ngoại cảm” Nguyễn Đức Phụng vừa lắc lư vừa đọc với giọng khá diễn cảm, tưởng như trong một hội thơ của phường, xã nào đó: “Tên Đuýnh họ Nguyễn là tôi/ Người thì cao đậm mặt vuông chữ điền/ Tính tình sởi lởi vui vui/ Mỗi khi nói cười là thấy vui vui…”.

"Nhà ngoại cảm" siêu đẳng vẽ sơ đồ mộ liệt sĩ trong 15 phút

Ông Nguyễn Đức Phụng. (Ảnh: Petrotimes)

Theo thông tin trong bài thơ của ông Phụng thì liệt sỹ hy sinh khi đánh phục kích trên đường lộ 1A trong chiến địch Hương An – Bà Rén. Đọc thơ khoảng 3 – 4 phút, ông ngừng lắc lư rồi nói như nhả từng câu chữ: “Đưa về nghĩa trang của xã…Phú Thọ, Quế Sơn, Quảng Nam

Lại ngừng một lúc, nét mặt ông căng ra như sắp quyết định việc gì hệ trọng lắm. Ông nhắc đi nhắc lại thông tin liệt sỹ. Đến lần thứ ba vẫn chưa nói được vị trí mộ thì ông ra vẻ gắt gỏng. Tôi cũng chẳng biết ông đang gắt với ai. Sau những câu nói đứt đoạn kết thúc thì ông chốt lại là mộ nằm ở ngôi 2, hàng thứ 3 của nghĩa trang xã Phú Thọ, Quế Sơn, Quảng Nam. Như vậy, tên nghĩa trang được ông nói theo đúng nơi hy sinh ghi trong bản trích lục mà chúng tôi đã cung cấp ban đầu.

Đột nhiên, ông Phụng phá tan không khí yên ắng nãy giờ bằng câu hỏi gấp gáp: “Ở bên phải nghĩa trang, ngay ở cổng bên phải, phải không?”. Chưa hết, “nhà ngoại cảm” Nguyễn Đức Phụng tiếp tục miêu tả cặn kẽ cạnh trên của mộ có vết mẻ, góc bên phải mộ cũng bị mẻ. Cốt và xương sọ còn nhưng vỡ làm nhiều mảnh, còn một ít xương trán, xương mặt từng đoạn ngắn, xương chân tay. Đến đây, không biết do quá “nhập” hay thế nào mà ông nhầm tứ tung, địa danh Bà Rén thì đọc thành “Bà Rẻn”.

Xong xuôi, ông Phụng bỏ cuốn băng ra, chấm một chấm mực lên đó rồi đưa cho tôi mang về. Ông đưa tay ấn nút của đài, một âm thanh ù, réo vang lên làm không khí trong căn phòng vốn tối càng nhuốm màu huyền bí. Tiếp đó, ông lấy giấy khổ A3 vẽ sơ đồ nghĩa trang. Ông dùng bút màu chấm đến cả trăm chấm nhỏ, mỗi chấm tượng trưng cho một ngôi mộ. Vẽ chừng 5 phút thì nhà ngoại cảm đưa sơ đồ cho tôi dặn dò: “Nhà đi vào trong rồi gọi ra, ở ngoài bác chỉ đạo từ A đến Z. Nhớ là phải xin giấy giới thiệu của huyện, xã trong đó rồi giới thiệu thẳng về đây (Ban ngoại cảm từ xa – PV)”.

  Bản trích lục thông tin liệt sỹ và cuốn băng ghi lại thời gian tìm mộ.

Bản trích lục thông tin liệt sỹ và cuốn băng ghi lại thời gian tìm mộ.

Và thế là, chỉ trong thời gian gắn với vài thao tác đơn giản đến hài hước, chúng tôi đã có thông tin chi tiết về ngôi mộ cần tìm. Ông còn nói đầu tháng 10 âm lịch có cơn bão, chờ tan rồi mới nên đi.

Thấy tôi chưa về ngay mà hỏi han, nhà ngoại cảm bắt đầu bực bội và chuyển sang xưng “tao – mày” suốt cuộc nói chuyện.

“Nhà ngoại cảm” nạt nộ “thân nhân liệt sỹ”

Ông Phụng nói như thể “quảng cáo” khả năng của mình: “Tao ngồi đây tao chỉ đạo hết. Không chỉ trong nước, tao tìm được hết mộ cả ở Thái Lan, Campuchia, Lào, Trung Quốc và các nước khác”. Nhà ngoại cảm này còn khẳng định: “Đây là viện khoa học chứ không phải thầy bói”.

Nói xong, ông mất hút, hết đi vào nhà trong lại đi ra ngoài cửa, không để tôi có dịp hỏi thêm. Đằng đẵng bám theo, tôi hỏi ở trong nghĩa trang đó có nhiều mộ không, nhà ngoại cảm nhấm nhẳng: “Cứ đủ cho nhà mày tìm mộ là được rồi. Bao nhiêu trăm, nghìn ngôi không quan trọng”.

"Nhà ngoại cảm" siêu đẳng vẽ sơ đồ mộ liệt sĩ trong 15 phút

Sơ đồ ngôi mộ mà ông Phụng vẽ cho chúng tôi.

Càng thấy tôi hỏi, nhà ngoại cảm này giận dữ ra mặt. Ông xua tay như đuổi tà: “Vào đó có thay đổi gọi ra tao chỉ đạo. Việc điều chỉnh mộ từ ngôi nọ sang ngôi kia, hàng nọ sang hàng kia thuộc chuyên môn của khoa học nên không sợ sai”.

Theo chân ông Phụng ra ngoài cổng, hỏi thêm một vài thông tin về liệt sỹ lúc còn sống. Ông quát: “Thôi mày không phải hỏi nhiều đâu, tao đã dặn thế cứ theo sơ đồ. Có sơ đồ mộ chí rồi thì sẩm (vừa mới tối – PV) cũng đi tìm được mộ. Không phải nói gì thêm nữa”. Tôi vẫn thắc mắc vì sợ sai thì người này trừng mắt, cau mày nạt nộ: “Mày đừng có ăn nói láo” và đi thẳng vào bên trong.

Trên thực tế, bản trích lục thông tin liệt sỹ được chúng tôi mang đến nhờ tìm mộ là của gia đình anh Nguyễn Văn Giao (em trai liệt sỹ, xã Yên Quang, Ý Yên, Nam Định).

Một người thân trong gia đình anh Giao khẳng định: “Tất cả dữ liệu ông Phụng cho đều không đúng. Nếu ở các bản trích lục khác có tên trận đánh thì trận mà liệt sỹ Đuỳnh tham gia hoàn toàn không có. Thông tin chiến dịch Hương An – Bà Rén mà ông Phụng đưa ra chỉ là nói xằng. Gia đình đã đi tìm mộ theo văn bản Nhà nước 3 năm nay và rà soát tất cả các nghĩa trang trong đó. Nghĩa trang của xã Phú Thọ (Quế Sơn, Quảng Nam) mà ông Phụng nói cũng đã được gia đình đến tìm kiếm nhưng không hề có thông tin về mộ. Khi gia đình liên hệ với phòng Chính sách bộ Tư lệnh Quân khu 5 thì biết, trận đánh này không còn chút gì trong lịch sử. Chỉ biết mộ được chôn ở nghĩa trang đơn vị nhưng về khu vực Phú Thọ, Quế Sơn, Quảng Nam thì không còn dấu tích gì của nghĩa trang này. Do đó, không có một cơ sở gì xác định về ngôi mộ. Cho nên mộ này không còn là mộ vô danh mà có thể đã thành bình địa, cũng có thể là nhà dân”.

Theo Trí thức trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP