Cuộc sống số

Nhà mạng Vinaphone bị tố trắng trợn ‘móc túi’ khách hàng

Thời gian gần đây báo Người Đưa Tin liên tiếp nhận được phản ánh của độc giả về việc hoá đơn thanh toán tiền cước phí trả sau của nhà mạng Vinaphone bị tăng một cách “bất bình thường”.

Anh Phạm Khải chủ thuê bao 09124600XX bức xúc phản ánh với PV: “Tôi dùng dịch vụ trả sau của mạng Vinaphone từ tháng 7-2016, với gói cước 115.000 đồng/tháng. Theo đó, nhà mạng có miễn phí cho 200 tin nhắn và 1.500 phút gọi nội mạng. Hai tháng đầu tiên, tôi thấy tiền cước của tôi chỉ dao động trong khoảng 150.000 đồng/tháng. Tuy nhiên sang tháng 9, số tiền đó đột ngột tăng lên 250.000 đồng trong khi nhu cầu sử dụng của tôi vẫn vậy. Vì bận rộn nên tôi cũng không kiểm tra. Sang tháng 10 cước phí của tôi vẫn tiếp tục bị đội lên 250.000 đồng. Thấy lạ, bởi lẽ tôi không gọi ngoại mạng và rất ít nhắn tin. Tôi mới vào tài khoản của mình để kiểm tra. Lúc đó mới vỡ lẽ rằng tôi bị trừ tiền cước bởi một dịch vụ “trời ơi đất hỡi” có tên gọi “Thế giới đàn ông” với mức cước 3.000 đồng/ngày (chưa bao gồm VAT)”.

Bảng giá cước dịch vụ khách hàng phản ánh.

“Ngay lập tức, tôi điện cho Tổng đài chăm sóc khách hàng của Vinaphone để hỏi cho “ra ngô ra khoai” về việc này, cô nhân viên đầu tiên giải thích do tôi đã nhắn tin hoặc đăng ký dịch vụ trong quá trình sử dụng dịch vụ 3G. Khi tôi yêu cầu cô này giải thích kỹ hơn thì cô ta đã không giải thích được, và đề nghị chuyển cho người khác trả lời”, anh Khải cho biết.
“Khi tôi yêu cầu được hủy dịch vụ thì vẫn cô nhân viên Tổng đài đó hướng dẫn nhắn tin tới đầu số 9303 với cú pháp “HUY DK”. Tuy nhiên sau 3 lần nhắn tin liên tiếp nhưng không thấy nhận tin nhắn xác nhận đã hủy như hướng dẫn. Uất ức tôi liên tục điện tới tổng đài và yêu cầu họ hủy ngay lập tức. Và chỉ đến lúc này, họ mới trả lời một cách rất “cơ học” thông báo bằng mồm rằng tôi đã hủy thành công???”.
“Mấy ngày sau đó, tôi lại được 2 nhân viên xưng là người nhà mạng Vinaphone liên lạc lại đề nghị được giải thích về “sự cố” của tôi. Họ lý giải, dịch vụ tôi mà tôi “tự” đăng ký là do trong quá trình sử dụng dịch vụ 3G, khi tôi vào web đã vô tình kích vào các baner chứa nội dung dịch vụ “Thế giới đàn ông” do Vinaphone cung cấp. Khi tôi yêu cầu họ giải thích đây là lỗi của ai? Và yêu cầu nhà mạng phải bù khoản tiền tôi bị trừ vô lý thì họ lại loanh quanh chống chế và khất lần sẽ liên lạc lại để trả lời. Nhưng tới thời điểm hiện tại, cá nhân tôi vẫn chưa nhận được thêm bất cứ liên lạc nào từ phía họ cũng như lời giải thích “thấu tình đạt lý” nào từ phía nhà mạng luôn tự hào là vì khách hàng này. Phải chăng họ đã trắng trợn móc túi của tôi?”, anh Khải bức xúc nói.
Trường hợp của anh Khải không phải là duy nhất, khi cách đây chưa lâu trên trang fangage của ca sĩ Phan Đình Tùng cũng đã “ồn ào” đoạn clip của ca sĩ này “tố cáo” việc nhà mạng Vinaphone đã “móc túi” anh và một số người bạn khi điện thoại của họ cũng vô cớ bị cài các dịch vụ “ất ơ” và đội tiền cước vô lý hàng tháng.
Nếu chịu khó xâu chuỗi sự kiện, chúng ta cũng dễ nhận thấy tình trạng này cũng tương tự như đã xảy ra với một loạt các thuê bao điện thoại bị Sam Media “móc túi” lên đến 230 tỷ đồng “ầm ĩ” vừa qua. Do khách hàng tin tưởng những thương hiệu nhà mạng uy tín ở Việt Nam như Viettel, VinaPhone hay MobiFone… Khi nhìn thấy logo của các nhà mạng này “mập mờ’ trên những mẫu quảng cáo trò chơi trúng thưởng của Sam Media. Không ít khách hàng “đinh ninh” đây là chương trình hợp tác giữa nhà mạng và Sam Media?
Chẳng hạn, trên website quảng cáo trò chơi trúng thưởng smartphone, thẻ cào điện thoại… vn-mozzi.biz/vn (do Sam Media quản lý) không hề có tên các công ty cung cấp dịch vụ nhắn tin, chỉ có sự xuất hiện tên tuổi của bốn nhà mạng là VinaPhone, MobiFone, Viettel và Vietnamobile. Vì thế, nếu cần phải khiếu nại khi bị lừa trả tiền cho những mẫu nhắn tin liên tục từ vn-mozzi.biz/vn, khách hàng chỉ biết gõ cửa nhà mạng.
Vào tháng 6/2016 khách hàng Trung Sơn (Hà Nội) của Vinaphone cũng từng bị nhà mạng tự động cài những dịch vụ như bóng đá, kết quả xổ số, tải nhạc… Dù chưa một lần đăng ký những dịch vụ trên nhưng cứ nạp tiện vào nhà mạng lại trừ tiền, khi tiền trong tài khoản không đủ để trừ thì anh Sơn mới biết là thuê bao của mình lại có những dịch vụ trên trời như vậy. Vì tính chất công việc là nhân viên văn phòng anh dành thời gian trên mạng internet đến 12 tiếng trên ngày nên việc đăng ký những dịch vụ trên là hoàn toàn vô lý và do nhà mạng tự động cài vào máy anh.
Trường hợp tương tự xảy ra cũng là khách hàng của với thuê bao trả sau VinaPhone là anh Cửu Long có phản ánh. Từ đầu khoảng tháng 3/2016 đến 9/2016 tháng nào anh cũng phải trả trên 500.000 đồng tiền điện thoại mà anh không sử dụng bất cứ dịch vụ gì, chủ yếu thi thoảng gọi cho bạn bè người thân nhưng cũng không thường xuyên mà số cước phát sinh là lớn như vậy. Thấy vô lý, anh Long gọi điện đến Tổng đài thì được nhân viên của nhà mạng này giải đáp là thuê bao của mình đang sử dụng gần 10 dịch vụ khác nhau như bóng đá, tư vấn nhà đất, bất động sản, chứng khoán…Nhân viên cho biết, muốn kết thúc những dịch vụ này thì phải gửi tin nhắn hủy. Sau khi biết cú pháp để hủy thành công thì số tiền mà anh Long phải trả trong tháng 10/2016 vừa qua chỉ là 180.000 đồng.
Đánh giá dưới góc độ chuyên gia pháp lý, Luật gia Tuấn Anh nêu ý kiến: “Trách nhiệm xử lý vi phạm nhà mạng thuộc về Thanh tra chuyên ngành Thông tin truyền thông. Nạn nhân nên gửi đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng. Trên cơ sở đó, cơ quan hữu quan sẽ tiến hành thanh kiểm tra, xử lý nhà mạng làm ăn chộp giật, “móc túi” khách hàng theo đúng quy định pháp luật.
Nếu xác định số tiền bị nhà mạng móc túi một cách bất hợp pháp từ trên 2 triệu đồng trở lên, người bị hại có thể đề nghị cơ quan công an xem xét khởi tố vụ án hình sự về tội trộm cắp tài sản theo điều 138 Bộ luật Hình sự”.
Trước phản ứng của khách hàng nhà mạng Vinaphone đã nói gì, mời bạn đọc theo dõi bài đăng tiếp theo ngày 18/11.
Công Luân – Phan Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP