Giải trí

Nhà hát Tuổi trẻ mới sắp được xây dựng với mức đầu tư 400 tỷ đồng

NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đầu tư và khởi công trụ sở thứ 2 của nhà hát với kinh phí 400 tỷ đồng.

Ngày 27/2, Nhà hát Tuổi trẻ, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức gặp gỡ, giao lưu đầu xuân để thông tin về chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà hát.

Nhân dịp này, Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung - giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ hào hứng cho biết Nhà hát sắp có cơ sở mới ngoài số 11, Ngô Thì Nhậm. Cơ sở thứ hai của Nhà hát Tuổi trẻ sắp được xây dựng tại Mỹ Đình, Hà Nội, nằm sau siêu thị Big C, có 4 mặt phố trong đó 2 mặt là đại lộ chính.

Nghệ sĩ Chí Trung hiện là Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: Việt Hùng.

Nhà hát được xây dựng trên diện tích đất 6.724 m2, với 5 tầng nổi, 3 tầng chìm. Nhà hát có 2 sân khấu với quy mô khác nhau, sân khấu lớn 920 chỗ ngồi và sân khấu nhỏ 327 chỗ.

"Tổng đầu tư cho nhà hát mới là 400 tỷ đồng, nhưng tiền bây giờ chưa về tới nhà hát", Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nói về dự án dự kiến được khởi công trong năm 2018.

Theo Chí Trung, khu đất này đã được thành phố Hà Nội giao xây dựng nhà hát cách đây khoảng 12 năm nhưng vì nhiều lý do, đến năm 2018, dự án mới được khởi công. Nhà hát do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư.

Chí Trung cho biết các nghệ sĩ của nhà hát đều mong muốn đây sẽ là nhà hát hiện đại, có sân khấu nổi, sân khấu quay, khán phòng và sân khấu sẽ trộn vào với nhau.

Tuy nhiên, mong muốn này có trở thành hiện thực hay không thì phải phụ thuộc vào chủ đầu tư vì Nhà hát Tuổi trẻ chỉ là đơn vị thụ hưởng.

Nhà hát Tuổi Trẻ hiện tại ở 11 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) có sức chứa gần 500 khán giả, hầu như chỉ sáng đèn vào 3 tối cuối tuần và đang trong giai đoạn tinh giảm, sắp xếp lại nhân sự để giảm bớt gánh nặng hoạt động.

Chí Trung cho biết theo đúng chủ trương của Bộ là phải tinh giản biên chế. Từ khoảng 200 nghệ sĩ đang hoạt động, theo Chí Trung, dự kiến sẽ giảm còn khoảng hơn 100 người, nửa còn lại cộng tác với Nhà hát theo hình thức "part-time".

Để thực hiện được điều này, Chí Trung khẳng định Nhà hát đang tiến hành sát hạch 6 tháng một lần. Thông qua đó, những diễn viên dở sẽ bị đào thải và những nhân tố "ngầm", tài năng sẽ được "ra ánh sáng".

Những đợt sát hạch cũng giúp gương mặt trẻ sáng giá chưa được ký hợp đồng sẽ được Nhà hát ký nếu thể hiện xuất sắc. Ngược lại, diễn viên sẽ bị đào thải nếu không thuyết phục được hội đồng Nhà hát, đào thải với cả những diễn viên đã có biên chế.

Chí Trung cho biết sân khấu từng sống đời sống thực vật, do vậy muốn tồn tại phải vật lộn. Ảnh: Quỳnh Trang.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn của Zing.vn, Chí Trung cũng tiết lộ việc sẽ dành hết tâm sức cho Nhà hát Tuổi trẻ khi không còn tham gia Táo Quân.

"Tôi ở nhà hát của tôi, nhà hát Tuổi trẻ và dành toàn bộ tâm sức cho nơi này. Phát triển thì khó nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để tồn tại, tồn tại đến khi đất nước phát triển hơn nữa, khi nhu cầu vật chất đã đủ đầy, lúc đó giá trị tinh thần sẽ được quan tâm. Khán giả sẽ đến với sân khấu. Nhưng muốn làm như vậy, chúng tôi phải nuôi khán giả, và nuôi từ bây giờ", nam nghệ sĩ khẳng định.

Nói về thực trạng của sân khấu kịch hiện nay, Chí Trung bảo sân khấu từng sống một đời sống thực vật, và bây giờ muốn tồn tại thì chắc chắn phải vật lộn.

"Đằng sau tôi là gần 200 cán bộ, nghệ sĩ. Ai muốn làm giàu với nghề này tôi đề nghị họ đi làm công việc khác. Ở nhà hát, chỉ có khát vọng và tình yêu. Tất cả đều làm như con thiêu thân, hướng về ánh sáng", giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho hay.

Tác giả: Khuê Tú

Nguồn tin: Báo Zing

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP