Danh Nhân

Nguyễn Văn Tháo – Danh nhân thời Lê nửa đầu thế kỷ XVIII

Kiệt Thạch xưa, Thanh Lộc nay là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, đạo học văn chương, khoa cử bén rễ vùng đất này từ rất sớm. Làng Kiệt Thạch nằm về phía đông núi Cài – Sạc Sơn (Nhạc Sạc) nổi tiếng ” Tứ diện giai công hầu” (bốn phía núi Sạc Sơn là giai công hầu). Đây là danh sơn hiếm có ở vùng đất xứ Nghệ vì ở thời kỳ nào cũng có nhiều người học cao, tài rộng làm rạng danh quê hương đất nước.

Lễ đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa Nhà thờ Nguyễn Văn Tháo

Lễ đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa Nhà thờ Nguyễn Văn Tháo

          Làng Kiệt Thạch còn có tên là ” làng Tiến Sỹ” vì trong những năm cuối thế kỷ XV, dưới thời vua Lê Thánh Tông – niên hiệu Hồng Đức thứ 9, Hồng Đức thứ 24 và thời vua Lê Tương Dực – niên hiệu Hồng Thuận thứ 3, làng có 3 vị đỗ Tiến sỹ trong 3 khoa thi liên tiếp là Hoàng Hiền (1478), Nguyễn Đình Quan, hiệu Long Cung (1493) và Thái Kính (1511) nên được vua ban thưởng biển vàng khắc mỹ tự: ” Kiệt Thạch tam khoa, tam tiến sỹ”. Đặc biệt, Kiệt Thạch xưa là một trong những làng đầu tiên của Hà Tĩnh được dựng bia tiến sỹ ” Khoa giáp bia”, bia khoa giáp vào năm Ất Hợi ( 1755), triều vua Cảnh Hưng thứ 16 để ghi nhớ 3 vị đại khoa đã làm rạng danh vùng đất này.
Theo các tài liệu còn lưu giữ, dòng họ Nguyễn có nguồn gốc từ xã Cương Gián – Nghi Xuân – Hà Tĩnh, đến vùng đất Thanh Lộc dưới chân Sạc Sơn sinh cơ lập nghiệp. Trải qua bao đời, dòng họ Nguyễn đã sinh ra những người con ưu tú có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Đặc biệt, vào nửa đầu thế kỷ XVIII, người con của dòng họ là Nguyễn Văn Tháo phục vụ dưới thời Lê Trung hưng, được vinh danh và ghi nhận công trạng. Ngay sau khi gia nhập quân đội, Nguyễn Văn Tháo đã thể hiện phẩm chất mẫn cán, nên sau một thời gian ông đã được triều đình cân nhắc, phong chức Đồng Tổng tri bổ về làm cai phủ Trường Khánh (nay thuộc huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn).
Sắc phong cho ông được dịch nghĩa:
Sắc ban cho Nguyễn Văn Tháo là Phi kỵ úy giữ chức kiêm Tổng tri ty Thủ ngự Tổng tri thuộc quân tùy ý trướng quân, trật trung chế vì theo bản quan Lĩnh Trung hầu áp tác (trông coi làm) kiệu rồng rất năng lực, đã có chỉ chuẩn cho đổi thăng lên chức Đồng Tri phủ Trường Khánh, trật hạ liên. Vậy ban sắc.
Một thời gian sau, tình hình đất nước rối ren, chế độ phong kiến Đàng Ngoài bước vào con đường suy vong, khắp nơi nổi lên chống lại triều đình và nạn cát cứ làm cho xã hội loạn ly, nhân dân điêu linh cực khổ. Lúc bấy giờ, cuộc nổi dậy do Nguyễn Danh Phương cầm đầu ở thị trấn Tây Sơn từ 1740 đến 1751 đã gây bao đau thương tang tóc cho nhân dân khắp vùng Phú Thọ, Tuyên Quang, Sơn Tây. Sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chép: “Nguyễn Danh Phương vốn là dư đảng, chiếm núi Tam Đảo lợi dụng thế hiểm trở để xây thành, đắp lũy chiêu mộ dân binh, quyên góp lương thực và rèn đúc khí giới, họp phe đảng ẩn náu trong núi rừng”. Từ trong rừng núi, Nguyễn Danh Phương liên tục tổ chức nhiều cuộc tấn công ra các vùng xung quanh, gây chấn động 2 thị trấn Tuyên Quang và Hưng Hóa. “Trấn Tây Sơn là phên dậu của nước nhà, thế mà bị Nguyễn Danh Phương chiếm cứ giặc mạnh lan tràn, lòng người lo sợ “. Nhà Lê đã nhiều lần cử tướng tài như Đinh Văn Ức, Đinh Văn Giai nhưng không đánh dẹp được. Đến năm 1748, Nguyễn Danh Phương cho xây lũy kiên cố đồng thời bước vào xây dựng chính quyền riêng, theo mô tả của sử cũ: ” Nguyễn Danh Phương xưng là Thuận Thiên Khải vận đại nhân, lập cung điện đặt quan chức, quy định cờ quạt, xe cộ và đồ dùng, tiếng là ngang với Thiên tử”. Quân đóng ở đâu là làm ruộng chứa thóc để làm kế lâu dài, lại còn tự tiện giữ mối lợi sản xuất và buôn bán chè sơn, tre gỗ ở miền thượng du, chưa kể khai thác mỏ ở Tuyên Quang, do đó của cải và thóc gạo của Nguyễn Danh Phương cao như núi. Nguyễn Danh Phương chia quân đóng giữ ở nơi hiểm yếu để chống lại quan quân triều đình. Hơn 10 năm trời, Nguyễn Danh Phương nghiễm nhiên vua của một nước đối địch với triều đình. Vì vậy, sau một thời gian đánh dẹp và phủ dụ không thành, chính quyền Lê – Trịnh quyết định dùng đại binh tấn công đại bản doanh của Nguyễn Danh Phương, đích thân Chúa Trịnh Doanh đã tự mình làm tướng, chỉ huy đại binh đi đánh dẹp và thành lập một bộ chỉ huy hành quân gồm 4 đạo: Hoàng Ngũ Phúc làm Giám quân, Nguyễn Nghiễm làm tán lý, Đoàn Chú là Hiệp đồng. Nguyễn Văn Tháo được điều động về tham gia quân đội nhà Lê để bình ổn tình hình đất nước, ông được cử làm tướng tiên phong tổng ưu binh, do diệp quân công Hoàng Ngũ Phúc lãnh đạo. Với khả năng thông hiểu binh pháp, tài trí mưu lược, ông đã chỉ huy một cánh quân tả xung hữu đột, xông pha nơi trận tuyến, lập nhiều chiến công. Với những đóng góp và tinh thần trung dũng phục vụ triều đình, vua Lê đã ban tặng ông một số đạo sắc tôn vinh và ban thưởng để vinh danh công trạng. Qua tài liệu sắc phong được ban tặng, mặc dù có một số tài liệu bị tàn khuyết nhưng tất cả cho biết quá trình tham gia quân đội và những chức vụ mà Nguyễn Văn Tháo đã trải qua.
Sắc phong được dịch:
Phụng lệnh chỉ của Đại nguyên soái Tổng quốc chính Thượng sư Thượng phụ Anh đoán văn trị vũ công Minh Vượng (Chúa Trịnh Doanh) lệnh cho Nguyễn Văn Tháo, người xã Kiệt Thạch, huyện Thiên Lộc, Hà Tĩnh là ưu binh trong đội của quân Thị hầu nội nhuệ, theo quan Kiêm thống lĩnh Hoàng Ngũ Phúc, đánh dẹp đạo Sơn Tây, có công nên thăng chức Đội trưởng, bản thân vẫn lưu làm việc trong bản đội. Nay ban lệnh, ngày 10 tháng 11 năm Cảnh Hưng thứ 18 (1757).
Sau khi tham gia đánh dẹp xong cuộc nổi dậy của Nguyễn Danh Phương, ông lại được cử chỉ huy quân đội phối hợp với quân triều đình do tướng Hoàng Đình Thể chỉ huy để đánh dẹp cuộc nổi dậy Tây Bắc vào năm 1762. Sau chiến thắng này, ông được thăng chức Tổng tri và được triều đình ban thưởng. Tờ sắc phong còn lưu lại tại nhà thờ mặc dù bị tàn khuyết nhưng nội dung ghi trên sắc phong cho thấy ông đã có công lao trong việc ổn định tình hình chính trị – xã hội lúc bấy giờ.
Qua các tài liệu lịch sử cho phép khẳng định Nguyễn Văn Tháo là một trung thần có tư tưởng trung quân ái quốc, những đóng góp của ông trong việc giúp triều chính đương thời dẹp tan phản loạn, giữ ổn định tình hình đất nước trong bối cảnh lúc bấy giờ rất đáng được tôn vinh, ghi nhận.
Sau khi nghỉ hưu về tại quê nhà, Nguyễn Văn Tháo có công vận động nhân dân đắp đập Đồng Trong để lấy nước trồng lúa. Ông không chỉ giỏi về binh pháp mà ông còn là người giỏi về thiên văn địa lý, ông đã lấy mạch đất, vận động nhân dân đào các giếng làng, làm cho cảnh quan của quê hương thêm tươi đẹp. Sau khi ông qua đời, các vùng đất nơi ấy rất linh thiêng, đặc biệt là vùng giếng Đàng. Đến năm 1820, vua Gia Long đã ban sắc cho làng Yên Hợp là sắc “Cầu an” để thờ cúng tưởng nhớ ông. Dân làng no ấm, hạnh phúc và con cháu đều thi cử đậu đạt.
Xét công lao đóng góp to lớn của danh nhân Nguyễn Văn Tháo, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã xếp hạng công nhận di tích lịch sử Nhà thờ Nguyễn Văn Tháo tại Quyết định số 413/QĐ-UBND, ngày /27/1/2014. Việc di tích Nhà thờ Nguyễn Văn Tháo được  xếp hạng di tích lịch sử – văn hoá đã đáp ứng đư­ợc mong mỏi của Đảng bộ, nhân dân và con cháu dòng họ Nguyễn, xã Thanh Lộc, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các cấp, các ngành, của Đảng và Nhà nước đối với danh nhân đã có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc./.

Thu Hà – Phòng Văn hóa&TT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP