Giáo dục - Đào tạo

Nguyễn Thị Thanh Toàn – Cô giáo trọn tình với học sinh và bà con dân tộc Chứt

Nguyễn Thị Thanh Toàn – Cô giáo trọn tình với học sinh và bà con dân tộc Chứt

“Đường vào chân núi Ca Đay nay thật là tuyệt rồi” cô Giáo Phan Thị Thanh Toàn trò chuyện sau khi trở lại bản Rào Tre thăm phụ huynh của mình, thăm những học trò dân tộc Chứt trước đây và hôm nay.

ht

Đã lên chức bà, vài ba năm nữa là nghỉ hưu (sinh năm 1963) mà tình nguyện đi xa gần 30 cây số lên vùng cao, ăn cơm bán trú để dạy học, mà dạy học con em dân tộc Chứt, những đứa trẻ khó khăn nhất về học và kinh tế.
Nói đến cô giáo Toàn thì đội ngũ cán bộ quản lý dạy học tiểu học Hương Khê vốn đã biết từ lâu, nay lại bất ngờ, mà có người đánh giá cô này “Bị răng đó”, nhưng cái “bị răng đó” có sự có thấu hiểu của người làm nghề dạy học, cái nghề mà luôn nặng lòng, trăn trở, day dứt về những đứa trẻ trong tuổi học mà cái sự học lại đang còn quá khó khăn với nó.
“Trước đây bọn chị vào Bản để vận động, đưa đón các em ra học vất vả lắm, so với giờ đường vào Rào Tre là thiên đương rồi đó” chị tâm sự. Thật đúng thế, trước đây con đường vào xã Hương Liên, bản Rào Tre qua 2 con đèo núi quanh co là Mục Bài giữ 2 xã Hương Xuân và Hương Lâm, “Ha Lin” giữa Hương Lâm và Hương Liên là con đường đất, đã lởm chởm, quanh co cây rừng ngả ra che phủ, khuất hết tầm quan sát, ngày mưa và mùa đông mây núi, khói đá vờn trước mặt đường khó nhìn mà đi. Từ trung tâm xã sang bản phải lội qua ngọn Rào Say ngày mưa hung dữ, trời đông lạnh ngắt thấu xương, bản làng xơ xác bên chân núi Ca Đay cây cối rậm rập. Còn ngày nay đúng là thiên đường, từ Thị Trấn đến bản làng lốp xe không dính đến đất (toàn đường nhựa, bê tông), ở hai bên con đèo, những cánh rừng rậm rạp phủ đường che khuất tầm nhìn trước kia được “cạo trọc” thay thế bằng những đồi keo lai mở tầm nhìn thật thoáng đãng.
Tốt nghiệp trường sư phạm Nghệ An chị đã tham gia giảng dạy nhiều trường tiểu học trong huyện, những vùng trước đây được cho là khó khăn đều đã có dấu chân chị đi qua. Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Hương Khê được thành lập cho con em dân tộc thiếu số và một số đối tượng ở các xã vùng khó khăn, vùng xa thuộc huyện Hương Khê về đây nội trú học tập. Trẻ em dân tộc Chứt tại bản Rào Tre được huy động vào học tập từ lớp 1 tại đây. Con em dân tộc vốn  nhỏ, sức khỏe yếu lại ở rừng núi về đây ở nội trú, tập trung, thì biết đến sự gian nan, vất vả của CBQL, GV và nhân viên trường PTDTNT Hương Khê đến chừng nào. Trẻ nhỏ nhớ bố mẹ, nhớ nhà, nhớ rừng, thiếu sự âu yếm và bàn tay nuôi nấng, chăm sóc của cha mẹ; thầy cô là người dạy, thay bố mẹ nó chăm sóc ăn, ngủ, vệ sinh; giám sát, quản lí mọi hoạt động. Thế mà, không kể ngày đêm, mưa gió cứ thiếu chú ý tí xíu là chúng nó vượt rào trốn về nhà, về với rừng xanh, ngọn khe, ngọn suối nơi là sân chơi, nơi kiếm ra cái ăn của nó. Cứ hai tuần một lần trường cho học sinh về bản và giáo viên cùng về theo để bàn giao, đưa đón các cháu ra trường học và cùng gần gũi bố mẹ các em; phối hợp quản lí các em tại nhà, đề phòng các em lại “xổng” vào rừng cùng kiếm măng, bẫy chim, bẫy chuột là bỏ học. Thế mà cô giáo Nguyễn Thị Thanh Toàn đã có 8 năm sống và làm việc như thế, với môi trường này và sự tận tâm cô không chỉ là người nắm rõ và biết được đặc điểm của từng hộ gia đình dân tộc Chứt, mà cô là một trong số ít người thuộc ngành giáo dục được các thế hệ học sinh, bà con dân tộc Chứt gần gũi, mến mộ. Không những thế cô còn đạt danh hiệu giáo viên tiểu học dạy giỏi cấp tỉnh trong những năm (2005-2006) lăn lộn cùng trường PTDTNT để duy trì, chăm sóc, dạy học sinh tiểu học tại đây. Nhận bằng khen về công tác GDDT do Bộ Tư lệnh Biên Phòng tặng. Đến năm 2008, thực hiện quy chế trường DTNT, trường bắt đầu không tuyển sinh học sinh tiểu học về trường nội trú, cô Toàn được nhận nhiệm vụ mới, giảng dạy tại trường tiểu học Hương Thủy 2 (xã Hương Thủy), một trường tiểu học thuộc vùng khó khăn và là nơi đường đến trường khó nhất (do đường đang thi công) lúc bấy giờ. Hai năm sau cô được chuyển về trường tiểu học Hương Xuân, đến năm 2015 được điều động về trường tiểu học Thị Trấn; cô được dạy gần nhà và có điều kiện để phát huy danh hiệu giáo viên giỏi tỉnh của mình.
Con em dân tộc Chứt tại bản Rào Tre từ khi trường PTDTNT không tuyển tiểu học, được tiếp nhận học tại trường nhà – trường TH Hương Liên (Hương Khê); từ đây trường TH Hương Liên bắt đầu có một số khó khăn về dạy học đối tượng này. Các em đi học không có kinh phí ăn, sinh hoạt phí như khi ở trường nội trú (ở trường nội trú ngày hè các em vẫn được cấp một số kinh phí), không được cấp tài liệu học tập… và giáo viên cũng không được chế độ như giáo viên dạy tại trường nội trú. Quảng đường từ nhà đến trường học chưa đến 3 cây số mà các em luôn đến muộn, bỏ học, bỏ tiết giữa chừng, đi chơi dọc đường,…đi học rất thiếu chuyên cần; nhà nghèo không có ăn sáng nên đến trường thiếu chú ý học… Nhà trường đã có nhiều biện pháp như phối hợp với tổ công tác của bộ đội biên phòng tại bản để hàng sáng gọi học sinh dậy đi học; cử giáo viên đưa đón, giám sát học sinh dọc đường từ bản đến trường; xây dựng kế hoạch, tổ chức, phân công CBQL theo dõi, giáo viên kèm cặp; tổ chức hội thảo về phối hợp các tổ chức đoàn thể nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh dân tộc. Tuy nhiên, chất lượng học tập của học sinh dân tộc vẫn chưa đạt như mong muốn.
Là một người trong cuộc, hiểu được những khó khăn của CBQL, GV trường TH Hương Liên trong dạy học sinh dân tộc Chứt; từng trải công tác giáo dục dân tộc, am hiểu cuộc sống, phong tục tập quán của bà con dân tộc Chứt bản Rào Tre cô giáo Nguyễn Thị Thanh đã đề đạt với Trưởng Phòng GD&ĐT huyện nguyện vọng được tăng cường vào trường tiểu học Hương Liên để cùng Hội đồng trường tiểu học Hương Liên dạy học cho các học sinh dân tộc Chứt.
“Trở lại bản, mình đi tất cả các nhà thăm hỏi công việc làm ăn, đi rừng của từng người một, bà con phấn khởi lắm. Việc học của các cháu cũng thế phải tỉ mỉ, gần gũi, thân thiện với nó thực sự nó mới chịu nghe theo. Ngoài ra phải nhờ những anh chị là học trò cũ thời nội trú đã học lên cao hơn giúp đỡ tập hợp các em hướng dẫn tại bản ngày không học ở trường. Hiện nay các em đã đỡ hơn nhiều, ngoài việc học cần được động viên để học sinh tham gia các hoạt động tập thể. Các em thường nhớ chậm, mau quên, học trước quên sau nên hình thức dạy học cũng phong phú và đa dạng hơn; vốn các em thích âm nhạc nên lồng ghép vào các hoạt động âm nhạc để gây hứng thú học tập. Các em thường tự ty nên phải rất gần gũi, thương yêu thật sự hướng dẫn và cùng các em tham gia hoạt động tập thể, trải nghiệm ngoài thiên nhiên. Vào bản, vào tận từng nóc nhà,; trò chuyện, gần gũi với bà con để bà con quý mình, các em quý mình mới giảm trốn học, cố gắng học tập hơn”- cô Toàn chia sẻ.
Thầy Lê Mạnh Hà, Hiệu trưởng chia sẻ: “Từ ngày cô Toàn tự nguyện vào dạy học tại đây các em đi học chuyên cần hơn, ít trốn tiết về trước. Cô Toàn rất gần gũi, được các em và bà con dân tộc quý mến, đây là nền tảng để dạy học tốt hơn. Học sinh đã có tiến bộ đáng kể và tham gia các hoạt động của trường tự nhiên hơn. Việc cô vừa được về Thị Trấn lại tình nguyện xin tăng cường dạy dân tộc ở đây thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó và tình thương thật sự đối với các em dân tộc Chứt. Nhà trường rất cảm kích trước nhiệt tình vì con em dân tộc của cô Toàn; với việc này thì cô thật sự là một tấm gương cho một số thầy cô giáo”. Thầy Hà còn chia sẻ khó khăn của nhà trường: Với 15 em học sinh dân tộc, mỗi em chỉ được nhà nước cấp 70000 đồng/tháng mà trang trải từ sách vở, đồ dùng học tập, tiền ăn (10000-12000 đồng/ngày, 5 ngày/tuần) đồ dùng bán trú, tiền cô nuôi, trực ca trưa của giáo viên… đều đang bớt từ ngân sách eo hẹp của trường cho nên rất khó khăn cho giáo viên và nhà trường.
Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện cảm kích trước việc cô Toàn tình nguyện rời Thị Trấn vượt đường xa, trèo đèo cao vào dạy học sinh dân tộc Chứt, đã bớt trong khoản sinh hoạt phí cá nhân trao cô phần quà động viên là một chiếc cặp da và khoản kinh phí nhỏ để cô có thể sắm thêm đôi ủng, bộ đồ mưa, thay bộ săm lốp, tu sửa bộ phanh xe để vượt đèo an toàn đến với học sinh, đến với bà con dân tộc Chứt.
Thật cảm kích trước việc cô giáo Nguyễn Thị Thanh Toàn tình nguyện đến với học sinh dân tộc Chứt; đây là sự cống hiến vì học sinh thân yêu, vì sự bảo tồn và phát triển của một dân tộc. Nhìn lại mỗi lần đến kì luôn chuyển, thuyên chuyển đi nghĩa vụ, có giáo viên trẻ nào đó “lại phát” bệnh hiểm nghèo- ốm đau lâu dài, con yếu, cha mẹ đôi bên thập tử nhất sinh không ai chăm sóc, gia cảnh đột nhiên ngặt nghèo … lại nguyện vọng được đi dạy trường vùng khó khăn 135, 116 … mới thấy trân trọng cô giáo già tình nguyện vượt đường xa đến với các em dân tộc Chứt. Xin cảm ơn, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 chúc cô luôn bình an; giữ mãi niềm tin và ngọn lửa yêu thương dành cho bà con dân tộc Chứt.

Tác giả bài viết: Lê Hữu Tân

(Hương Khê Online)

[dailymotion id=”x3emogv”]

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP