Danh Nhân

Nguyễn Công Trứ và sự nghiệp chinh phục "biển tiền", "núi vàng"

Nguyễn Công Trứ (1778-1858), quê làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông là một nhà quân sự, nhà kinh tế, nhà thơ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.

Nhưng có thể nói, trong cuộc đời ông, sự nghiệp lừng lẫy nhất chính là việc lãnh đạo tổ chức khai hoang, lập ra hai huyện Tiền Hải (nghĩa là “biển tiền”, thuộc Thái Bình ngày nay) và Kim Sơn (nghĩa là “núi vàng”, thuộc Ninh Bình ngày nay).




Sau khi dẹp tan nhiều cuộc nổi loạn, Nguyễn Công Trứ nhận thấy nhu cầu bức thiết của dân nghèo là cần có ruộng đất để sinh nhai. Đồng thời quan sát thấy bãi biển Tiền Châu của huyện Chân Định, Nam Định ruộng đất mênh mông lại hoang hóa, Nguyễn Công Trứ đã dâng bản điều trần có tên “Khẩn ruộng hoang để yên nghiệp dân nghèo” lên vua Minh Mạng. Đại Nam thực lục còn ghi: “Ruộng bỏ hoang ở các huyện Giao Thủy, Chân Định mênh mông, bát ngát, hỏi ra thì dân địa phương muốn khai khẩn nhưng phí tổn nhiều không đủ sức làm. Nếu cấp cho tiền công, thì có thể nhóm họp dân nghèo mà khai khẩn… Như thế thì đất không bỏ hoang, dân đều làm ruộng, phong tục kiêu bạc lại thành thuần hậu”.


Ông cũng chỉ ra cách thức triển khai việc khai hoang: “Mộ được 50 người thì lập làm một lý, cho làm lý trưởng, mộ được 30 người thì lập làm một ấp, cho làm ấp trưởng đều tính chia đất cho. Cấp cho tiền công để làm nhà cửa, mua trâu, bò, nông cụ, lại cấp cho tiền gạo, lương tháng, hạn trong 6 tháng. Ngoài hạn ấy thì làm lấy mà ăn, 3 năm thành ruộng đều chiếu lệ tư điền mà đánh thuế”. Cuối cùng, vua Minh Mạng chuẩn y sáng kiến của ông.


Tháng 3 năm Mậu Tý (1828), vua Minh Mạng lệnh cho Nguyễn Công Trứ làm Dinh điền sứ có nhiệm vụ chủ yếu tổ chức di dân, mộ dân khai hoang tới vùng biển Tiền Châu tổ chức khai hoang. Triều đình cũng xuất ngân khố 7.000 quan tiền, 500 phương gạo, hỗ trợ luồng, tre để làm nhà. Chi phí hỗ trợ khẩn hoang được quy định cụ thể như sau: 1 lý (50 người) được cấp 300 quan tiền mua trâu bò, 40 quan mua nông cụ, 100 quan tiền làm nhà; 1 ấp (30 người) được cấp 180 quan tiền mua trâu bò, 24 quan mua nông cụ, 60 quan tiền làm nhà; 1 trại (15 người) được cấp 90 quan mua trâu bò, 12 quan mua nông cụ, 30 quan tiền làm nhà; 1 giáp (10 người) được cấp 60 quan mua trâu bò, 8 quan mua nông cụ và một số tiền làm nhà. Tuy vậy, số kinh phí này không cấp trực tiếp bằng tiền mà phát bằng hiện vật. Những trợ cấp này không đủ chi phí cho công việc khẩn hoang nên Nguyễn Công Trứ đã nhờ đến lực lượng những người chiêu mộ. Họ là những người có vật lực sẵn sàng bỏ thêm công của ra để chiêu mộ thêm nông dân tới đây khai hoang lập ấp.


Tới Tiền Châu, Nguyễn Công Trứ nhanh chóng bắt tay tổ chức việc khai hoang. Sau 7 tháng, ông đã thành lập một huyện mới có tên là Tiền Hải, thuộc phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định. Khi ấy, huyện Tiền Hải có 7 tổng, gồm 14 lý, 27 ấp, 10 giáp, số dân đinh được hơn 2.350 người, số ruộng được hơn 18.970 mẫu. Nguyễn Công Trứ còn lập được 4 ấp, một trại ở Ninh Cường, Hải Cát, lập thành một tổng thuộc huyện Nam Chân và 5 ấp, 2 trại, 3 giáp thuộc tổng Hoành Nha, huyện Giao Thủy, Nam Định.


Sau đó, Nguyễn Công Trứ lại tâu lên vua Minh Mạng xin khai khẩn vùng đất bồi ven biển Ninh Bình. Được vua Minh Mạng chuẩn y, Nguyễn Công Trứ đưa dân đến khai khẩn. Dân khai hoang thành phần phức tạp, ở nhiều nơi đến, phong tục khác nhau, trong đó có tới ¼ là người Trà Lũ (căn cứ địa của khởi nghĩa Phan Bá Vành).


Công việc có tính quyết định trong cuộc khẩn hoang lần này là việc đào sông, đắp đê, xây dựng hệ thống thủy nông vừa cải tạo đất, vừa phục vụ sản xuất và giao thông; đồng thời là ranh giới giữa các lý, ấp, trại, giáp để họ không thể tranh chấp, lấn chiếm ruộng đất của nhau. Tổng cộng, Nguyễn Công Trứ đã cho đào đắp hơn 30 con sông lớn, nhỏ và mương máng với chiều dài trên 100km, thể tích đào được trên 1 triệu m3 đất. Đây được đánh giá là hệ thống thủy nông đạt đến trình độ khoa học và mang tính hiệu quả cao ở vùng đồng bằng Bắc Bộ trong thời đại phong kiến.


Tháng 3 năm Kỷ Sửu (1829), tức là sau 5 tháng khẩn hoang, Nguyễn Công Trứ lập huyện Kim Sơn với 5 tổng, 3 lý, 22 ấp, 24 trại và 4 giáp với 1.260 dân đinh khẩn hoang được 14.620 mẫu.


Công việc khẩn hoang đạt được thành quả lớn lao ấy là nhờ tâm trí của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ cùng với sự lao động sáng tạo, miệt mài của những người nông dân nghèo khổ. Đó không chỉ là việc khẩn hoang, mở đất, mà còn là xây dựng và củng cố dải phòng thủ ven biển Bắc Bộ của Tổ quốc ta.



Trần Mai

Báo Biên Phòng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP