Cẩm Xuyên

Nguy cơ lặp lại vụ “phá rừng Kẻ Gỗ” thứ 2

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu UBND tỉnh Hà Tĩnh vẫn phớt lờ cảnh báo của dư luận, cố tình chuyển hàng ngàn ha rừng tự nhiên sang trồng keo.

Cách đây chưa lâu, dư luận Hà Tĩnh rất bất bình về việc tỉnh này lấy hơn 2.000 ha rừng phòng hộ đầu nguồn Kẻ Gỗ giao cho 2 đơn vị thuê, chuyển thành rừng SX. Sau khi báo chí lên tiếng, UBND Hà Tĩnh đã ra quyết định rút lại toàn bộ diện tích rừng nói trên. Hậu quả là một số cán bộ của Hà Tĩnh bị lãnh án tù. Không những không rút kinh nghiệm từ vụ phá rừng Kẻ Gỗ mà mới đây, một số cơ quan tham mưu ở tỉnh này lại có thông báo đồng ý về chủ trương thu hồi 3.462,8 ha rừng tự nhiên đầu nguồn sông Ngàn Sâu giao cho một số tổ chức thuê để trồng rừng keo làm nguyên liệu băm dăm. Hà Tĩnh lại một lần nữa đứng trước nguy cơ rừng đầu nguồn bị xẻ thịt.

Mấy ngày qua, NNVN tại Hà Tĩnh liên tục tiếp và nhận đơn thư của hàng chục CBCNV BQL Rừng phòng hộ Ngàn Sâu. Họ lặn lội từ rừng Ngàn Sâu ra gặp PV để “kêu cứu” trước khi quá muộn. Lời thỉnh cầu của họ là không cắt rừng tự nhiên đầu nguồn Ngàn Sâu giao cho tổ chức khác làm rừng SX (hiện nay Bộ NN- PTNT cũng chưa có văn bản nào cho phép chuyển rừng tự nhiên sang trồng keo). Được biết, BQL Rừng phòng hộ Ngàn Sâu tiền thân là Lâm trường Hà Đông quản lý bảo vệ 24.571 ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Ngoài số diện tích nói trên, BQL còn quản lý thêm 5.000 ha đất lâm nghiệp, nâng tổng diện tích rừng được giao lên 29.571 ha.


Sau một thời gian hoạt động, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thu hồì gần 13.000 ha rừng giao cho một số tổ chức, cá nhân. Đến nay, chỉ còn lại 16.785,8 ha đã được UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ bao gồm 20 tiểu khu trên địa bàn hành chính 7 xã thuộc huyện Hương Khê. Nhưng theo Thông báo số 223/TB-UBND ngày 15/9/2009 thì UBND tỉnh Hà Tĩnh lại thu hồi 1.739,8 ha nữa tại Tiểu khu 187 thuộc BQL Rừng phòng hộ Ngàn Sâu quản lý sang cho một đơn vị khác để làm rừng SX. Ngoài ra tỉnh còn thu hồi trên 2.000ha ở 2 tiểu khu 216, 231 giao cho Cty Lâm nghiệp Hà Tĩnh làm để trồng keo nguyên liệu. Thông báo của UBND tỉnh Hà Tĩnh đã gây nên lo lắng trong dư luận.


Dư luận Hà Tĩnh không đồng tình với cách làm này và đang nghĩ đến một kịch bản xấu là biết đâu sẽ xuất hiện một vụ phá rừng Kẻ Gỗ lần thứ 2.

Theo ý kiến của các chuyên gia lâm nghiệp trong tỉnh thì đặc thù của lưu vực rừng phòng hộ Ngàn Sâu xuất phát từ Cửa Rào lên thượng nguồn, đây là nguồn sinh thuỷ lớn nhất của tỉnh, dài gần 100km từ thượng nguồn Hương Lâm, Hương Liên nằm trên 3 huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ. Vai trò của các tiểu khu này là vô cùng quan trọng về mặt phòng hộ, bảo vệ vùng hạ du. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà khi thực hiện quy hoạch 3 loại rừng Hà Tĩnh lại cố tình biến đổi số diện tích trên từ rừng phòng hộ đầu nguồn sang rừng SX. Trong khi đó, thực tế diện tích này phần lớn là rừng tự nhiên trữ lượng gỗ bình quân đạt từ 50-100m3/ha. Với việc làm trên chắc chắc sẽ dẫn đến rừng đầu nguồn sẽ tiếp tục bị chặt phá.


Thiết nghĩ, với cách làm bất cập như trên- lấy rừng đầu nguồn làm rừng SX, còn rừng cuối nguồn làm rừng phòng hộ nhất là trong lúc một số diện tích đất lâm nghiệp đang được các đơn vị khai thác hiệu quả thì cớ sao lại đi thu hồi chuyển giao cho tổ chức khác dẫn đến nguy cơ tranh chấp rừng và đất rừng. Tai hại hơn, khi hàng nghìn ha rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn Ngàn Sâu bị cạo trọc để làm rừng SX rồi cứ 5-6 năm cạo lại 1 lần (1chu kỳ khai thác gõ nguyên liệu băm dăm), sẽ ảnh hưởng ghê gớm đến sinh thuỷ cả lưu vực sông Ngàn Sâu là nơi cung cấp nước SX và nước sinh hoạt thiết yếu cho hàng vạn người dân hạ lưu 3 huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ.

Nong Nghiep

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP