Lao Động - Việc Làm

Nguy cơ ‘đóng cửa’ thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc

Mất 700 triệu USD/năm là khoản thiệt hại đáng kể đầu tiên có thể dễ dàng nhìn ra khi Hàn Quốc “đóng cửa” chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) với Việt Nam. Lượng kiều hối trên nằm trong tổng số trên 2 tỷ USD mà lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (tất cả các thị trường) gửi về nước hằng năm.

Một thị trường lao động tốt, có thu nhập cao thuộc diện “hot” nhất trong các thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa khi chỉ còn 3 tháng nữa thời hạn của bản ghi nhớ được ký kết cuối năm 2013 hết hiệu lực, mà tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước vẫn cao.
Lao động được lựa chọn đã vượt gần gấp đôi hạn ngạch
Không phải đây là lần đầu tiên chúng ta đứng trước tình thế này. Từ tháng 8/2012, trước tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước quá cao, trên 50%, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã không ký tiếp Bản ghi nhớ  hợp tác lao động theo Chương trình EPS với Việt Nam như đã từng làm từ năm 2004, cứ 2 năm lại ký lại một lần. Điều này đã gây thiệt thòi lớn cho khoảng 14 nghìn lao động đã thi đỗ kỳ kiểm tra tiếng Hàn vào tháng 12/2011. Để giải quyết tình trạng này, Bộ LĐ-TB&XH đã phải đàm phán và cuối cùng được phía bạn chấp thuận ký một bản ghi nhớ tạm thời có thời hạn trong 1 năm từ 31/12/2013 đến hết năm 2014.
Tuy nhiên, theo số liệu tiếp nhận lao động từ đầu năm đến nay, đã có trên 5.292 lao động được các DN Hàn Quốc lựa chọn, trong đó lao động mới đi lần đầu (đã có chứng chỉ tiếng Hàn năm 2011) là trên 3.800 người; số còn lại là lao động về nước đúng hạn được tái tuyển dụng. Đến thời điểm này cũng đã có 4.672 lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc. Theo đánh giá của Trung tâm LĐNN, số lao động Việt Nam được DN Hàn Quốc lựa chọn thực tế đã vượt cao hơn nhiều hạn ngạch năm 2014 mà phía bạn cấp cho Việt Nam (2.900 người).
Đào tạo nghề cho người lao động trước khi ra nước ngoài làm việc - Ảnh minh họa
Đào tạo nghề cho người lao động trước khi ra nước ngoài làm việc – Ảnh minh họa
Và theo như ông Lương Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm LĐNN, Bộ LĐ-TB&XH, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình EPS chia sẻ với PV Báo CAND vào ngày 26-9 thì tỷ lệ lao động không về nước đúng hạn trung bình trong 8 tháng đầu năm, tuy đã giảm nhiều so với những năm trước, nhưng vẫn ở mức khá cao, 35,34%. Dù bản ghi nhớ đặc biệt được Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam ký có giá trị trong vòng 1 năm, nhưng số lao động Việt Nam được chủ sử dụng lựa chọn đã vượt quá mức hạn ngạch mà phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam, cùng với đó là trong tháng 9 chỉ còn ngành sản xuất chế tạo là được tuyển chọn lao động.
Còn 1 tháng có đủ sức giữ thị trường?
Như vậy, tháng 10 đang được cơ quan chức năng của Bộ LĐ-TB&XH hy vọng sẽ kéo giảm được tỷ lệ bỏ trốn xuống dưới 30%, để có thể có cơ hội ký lại bản ghi nhớ hợp tác lao động bình thường với Hàn Quốc. Cuối tháng 9 đầu tháng 10 là thời điểm các DN Hàn Quốc lựa chọn lao động qua mạng đợt cuối trong năm. Vấn đề đặt ra là tại sao khi chúng ta đã áp dụng đồng loạt các biện pháp mạnh như: Vận động, tuyên truyền tại các địa phương có nhiều lao động bỏ trốn; Ký Quỹ 100 triệu đồng trước khi xuất cảnh; Xử phạt 100 triệu đồng theo Nghị định 95 đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng không về nước… nhưng vẫn chỉ kéo giảm được tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống không nhiều và không bền vững. Trong khoảng thời gian gia hạn chưa xử phạt, có khoảng trên 3.000 lao động về nước.
Hàn Quốc vẫn là thị trường XKLĐ được nhiều lao động mong đợi nhất (Ảnh chụp người lao động tại kỳ thi tiếng Hàn cuối cùng tháng 12/2011 trước khi Hàn Quốc dừng ký Bản ghi nhớ hợp tác lao động)
Hàn Quốc vẫn là thị trường XKLĐ được nhiều lao động mong đợi nhất (Ảnh chụp người lao động tại kỳ thi tiếng Hàn cuối cùng tháng 12/2011 trước khi Hàn Quốc dừng ký Bản ghi nhớ hợp tác lao động)
Tuy nhiên, một trong những vướng mắc ở chỗ trong thời gian qua, rất nhiều quyết định xử phạt đã phải hủy, không xử phạt được. Trong số trên 300 trường hợp được Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH chuyển sang cơ quan xuất nhập cảnh, xác minh chỉ còn 140 trường hợp chuyển cho Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc xử phạt vì: một số lao động đã chuyển đổi tư cách visa sang visa E9 được quyền cư trú 5 năm; một số lao động đã lập gia đình tại Hàn Quốc; có trường hợp ĐSQ Việt Nam tại Hàn Quốc phải chuyển quyết định xử phạt về trong nước để ra quyết định cưỡng chế nhưng người lao động thì vẫn còn ở Hàn Quốc, thực thi quyết định cực kỳ khó khăn.
Việc xử phạt đến thời điểm này xem như chưa phát huy được hiệu quả, Trung tâm LĐNN chỉ còn trông chờ vào giải pháp tuyên truyền vận động ở cả hai đầu. Một mặt tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương có tỷ lệ bỏ trốn cao tuyên truyền, vận động gia đình, người thân của lao động vận động con em đang làm việc ngoài hợp đồng tại Hàn Quốc trở về; mặt khác Văn phòng quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc tuần nào cũng phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ lao động nước ngoài của Hàn Quốc xuống tuyên truyền tại các khu vực có đông lao động Việt Nam làm việc.
Tuy nhiên, do mức chêch lệch thu nhập quá lớn, trung bình mỗi lao động ở Hàn Quốc thu nhập từ 1.000 đến 1.500 USD/tháng. Một phần, do lao động trước khi sang Hàn Quốc làm việc đã phải bỏ ra chi phí “ngoài”, qua phản ánh của người lao động từ 5 đến 10.000 USD, trong khi Trung tâm LĐNN công bố công khai người lao động chỉ phải nộp 630 USD. Cùng với đó là hiện có trên 3 triệu DN vừa và nhỏ Hàn Quốc được phép thuê lao động nước ngoài theo tỷ lệ nhất định. Như vậy, có quá nhiều lựa chọn việc làm cho người lao động, hoặc không ít chủ sử dụng sẽ chấp nhận sử dụng lao động hết hạn hợp đồng để đỡ mất thời gian đào tạo…
Đây là một bài toán mà cơ quan chức năng của hai bên cần nhìn nhận thẳng thắn, cùng tăng tính minh bạch, tăng cường chất lượng nguồn lao động, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm để cùng chia sẻ cơ hội được sang Hàn Quốc làm việc, có thu nhập cao, cho nhiều lao động mới khác.
Một số địa phương có tỷ lệ bỏ trốn cao trên 30% như: Bắc Giang (33,7%), Bắc Ninh (31,25%), Hà Nam (38,54%), Hà Nội (34,57%), Hải Phòng (47,17%), Hưng Yên (36,99%), Nam Định (47%), Nghệ An: 46,41%, Quảng Bình (44,83%), TP Hồ Chí Minh (42,59%), Thái Bình (47,19%), Hà Tĩnh (47,08%), Thanh Hóa (37,42%).

Nguồn: cand.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP