Địa Chí Hà Tĩnh

Người Mã Liềng Bản Rào Tre “lột xác”

Thật bất ngờ trước cử chỉ xã giao gần gũi của Hồ Kính, điều mà tám năm trước không ai dám mơ tới bởi bản Rào Tre nhỏ chỉ vỏn vẹn 25 hộ gia đình với 85 người Mã Liềng (một nhánh của tộc người Chứt) còn rất đỗi lạc hậu. Bản nằm dưới chân núi Ka Đay thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, cách biên giới Việt – Lào khoảng 3km đường chim bay.

Trưởng bản Hồ Kính cắm cây rựa xuống đồi keo dưới chân núi Ka Đay rồi ôm vai tôi lắc mạnh: “Tám năm rồi mới về thăm bản Rào Tre là hơi lâu đấy. Bản ta giờ khác trước nhiều rồi”.

Bản “Bác Hồ”

Để chứng minh bản Rào Tre “lột xác” như thế nào, Hồ Kính dẫn tôi đi hết đồi keo đến đồi cây gió. Dưới những hàng cây là luống ngô, lạc đang khoe màu. Hồ Kính bảo sau năm 2005 bản trồng lúa nước đã thạo lắm rồi. Thấy trâu bò vô ăn là trẻ con cũng biết khua mõ đuổi đi chứ không phải như trước cứ đứng hỏi “sao trâu bò lại ăn lúa của ta?” và chờ ý kiến bộ đội biên phòng có đuổi trâu bò đi không.

Giờ dân bản còn biết kinh doanh trâu bò để kiếm thêm đồng tiền, khác ngày xưa bản cho con nào là dân liền đổi rượu uống ngay. Hồ Kính chỉ vào dãy nhà nằm dọc cánh đồng Tò Vò nói: “Bản giờ đông lên rồi, do không còn cảnh sinh nhiều chết nhiều nữa. 35 hộ với 135 nhân khẩu nên với 1,8ha ruộng lúa, năng suất mới đạt khoảng 2,5 tấn/ha thì cái bụng vẫn chưa no. Chính phủ đang trợ cấp ba tháng giáp hạt mỗi năm nhưng người có sức vẫn lên núi hái lá nón, mây hèo, tìm mật ong bán cho người Kinh đấy”.

Đang diễn đạt không khác gì một cán bộ người Kinh thì Hồ Kính nhìn xuống con đường nhựa chạy qua cầu Rào Tre, khoe: “Thấy xe máy chạy vù vù vào bản chưa. Bà con biết làm thêm nghề phụ để tích lũy đồng tiền mới làm ra được xe máy đấy, bản có bốn chiếc rồi”. Hình ảnh những chiếc xe máy chạy vù vù quả thật tương phản với cảnh trước đây sáng dậy dân bản chỉ biết ngồi trên bục cửa thơ thẩn nhìn ra, cứ quanh quẩn bên ngôi nhà vắng lặng như thế cho đến chiều tối.

Đi ven chân núi Ka Đay nơi có những dây phơi quần áo đủ màu chợt nghe tiếng hát, tiếng nhạc réo rắt từ ngôi nhà mái ngói thấp thoáng sau những hàng cây. Hồ Kính bước vào ngôi nhà thưng ván kiểu nhà sàn người Thái nhưng gỗ kèo, cột đơn sơ hơn nhiều, nói: “Ca nhạc từ tivi màu đấy. 80% dân bản Rào Tre có tivi màu nhé”. Chủ nhà và mấy đứa trẻ nhìn khách cười vui chứ không còn ánh mắt lấm lét, sợ sệt nhìn người lạ như trước. Đứng trên bìa rừng nhìn xuống cánh đồng Tò Vò vừa qua mùa gặt thấy trâu bò chậm rãi gặm cỏ dưới lấp lóa nắng rừng, gương mặt Hồ Kính như trầm hẳn xuống khi nhớ năm 1958, bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đi tiễu phỉ trong rừng sâu phát hiện nhóm người mặc vỏ cây sống chui rúc trong hang hốc ẩm ướt hai bên thượng nguồn Rào Tre. Từ đó bộ đội biên phòng tìm cách đưa dần từng người ra khỏi hang về hạ nguồn Rào Tre dựng nhà cửa nên bà con Mã Liềng mới có nơi cư trú bây giờ.

Tôi hỏi sao Hồ Kính lại nhớ chi tiết lai lịch của bản mình đến vậy, Hồ Kính giải thích: “Từ năm 1986 mình làm trưởng bản, hằng ngày đi họp nghe kể chuyện nên nhớ chứ có sách vở ghi chép gì đâu vì đã học chữ đâu mà biết viết. Điều đặc biệt nhất là khi dân có muối, có cơm gạo, có quần áo thì cán bộ và bộ đội biên phòng giải thích là do công ơn của Bác Hồ. Vì thế toàn bộ dân bản ở đây đều đồng ý lấy họ Bác Hồ đặt họ cho mình”.

Hồ Kính nhắc chuyện lần đầu tiên dân Rào Tre được làm chứng minh nhân dân. Khi có tên có họ rồi, công an vào kết hợp với biên phòng chụp ảnh, lăn tay từng người một. Đó là lần đầu tiên người dân Mã Liềng được nhìn thấy hình ảnh ngồ ngộ, nước da ngăm đen của mình trên ảnh. Giờ được làm công dân có nhà ở, có ruộng lúa, có đồi keo và nhiều thứ khác nữa là nhờ công ơn của Bác Hồ nên dân bản gọi Rào Tre là bản “Bác Hồ”.

Thế hệ mới

Trạm biên phòng “cắm bản” (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh) nằm bên cánh đồng Tò Vò dưới chân núi Ka Đay vừa khánh thành trạm “Quân dân y Rào Tre”. Thiếu tá – trạm trưởng Dương Thanh Tịnh cho hay đây là trạm y tế đa khoa, mới có một bác sĩ và một y sĩ. Riêng chuyện cử một bác sĩ về trạm này phục vụ cho 135 dân bản Rào Tre là đặc cách của biên phòng Hà Tĩnh bởi đồn biên phòng Bản Giàng chưa có bác sĩ. Thượng úy – bác sĩ Nguyễn Nam Giang nói: “Nói trạm y tế đa khoa là ngoài chữa bệnh lao, sốt rét, còn bó xương, châm cứu… và kết hợp với y tế xã làm nhiệm vụ khoa sản – một công việc không dễ bởi những hủ tục nặng nề nơi đây”.

Thiếu tá Tịnh kể trước đây phụ nữ Rào Tre đến kỳ sinh nở thì chồng phải vào rừng sâu làm một cái lán để đưa vợ vào đó sinh, sau một tháng người mẹ mới được bế con về nhà bởi người Mã Liềng quan niệm phụ nữ sinh đẻ gần nhà sẽ xảy ra nhiều điềm quái gở. Năm 2001, chị Hồ Lĩnh phải vào rừng sinh con thứ ba. Trước khi sinh, chồng mời thêm một ông thầy mo bói toán đường sinh nở. Nhưng sinh mãi không được, nghe tin bác sĩ Giang đến lán nhỏ bên bờ suối phát hiện lý do khó sinh là do thai ngược. Ngay trong đêm, trạm biên phòng thuyết phục thầy mo và gia đình cử người cáng ra Bệnh viện huyện Hương Khê. Đứa con gái may mắn thoát chết do hủ tục lạc hậu ấy là Hồ Lài, hiện đang học lớp 5 Trường tiểu học xã Hương Liên.

Hôm thấy Hồ Lài đang giặt đồ bên bể nước, tôi hỏi “cháu có biết mình được sinh ra ở đâu không?”, Hồ Lài bẽn lẽn: “Ở Bệnh viện Hương Khê”. “Thế năm nay cháu bao nhiêu tuổi?”. “Sinh năm 2001 thì nay đã 12 tuổi rồi” – Hồ Lài trả lời rồi giũ đồ ra phơi trước hiên nhà. Phép tính mau lẹ của Hồ Lài khiến tôi nhớ năm 2005 lần gặp cụ Hồ Mẹt đứng trước nhà ngậm điếu thuốc rê to gần bằng quả chuối cau quấn bằng lá tài măng thả mùi khét lẹt. Hỏi cụ năm nay bao nhiêu tuổi, cụ nói tiếng Kinh rất sõi nhưng lắc đầu “chịu thôi, ta quên rồi”. Năm đó, hầu hết dân bản Rào Tre đều “chịu thôi” như cụ Hồ Mẹt vì không ai nhớ tuổi của mình. Bây giờ thế hệ cháu chắt của cụ đã khác xưa nhiều lắm.

Tôi đưa tấm ảnh cháu bé nằm ngủ trong võng đan bằng những thanh nứa chụp năm 2005 cho Hồ Kính xem và hỏi anh có biết ai không. Hồ Kính vỗ hai bàn tay thô ráp: “Hồ Trinh con Hồ Tài, đang học lớp 2. Hằng ngày cùng đi học với Hồ Lài đấy. Giờ võng nứa thay bằng võng bạt rồi”. Thấy khách cảm kích về một thế hệ mới đang xuất hiện ở Rào Tre, Hồ Kính bảo mấy đứa trẻ ngày trước chưa biết cục xà bông, kem đánh răng là gì, phải nhờ biên phòng tắm gội hằng ngày giờ đã biết làm kinh tế cả rồi. Nói đoạn Hồ Kính đi về nhà chị Hồ Nam, giới thiệu: “Chị Hồ Nam là đảng viên, làm ủy viên ban chấp hành Đảng ủy xã Hương Liên, bí thư chi bộ kiêm chủ tịch Chi hội phụ nữ Rào Tre. Con gái là ca sĩ đấy”. Tôi hỏi có phải Hồ Thị Đình Xuân cùng với Hồ Kham – hai thiếu niên của bản được nhạc sĩ An Thuyên chọn ra học ở Trường cao đẳng Nghệ thuật quân đội năm 2005 không, chị Hồ Nam gật đầu: “Sau khi tốt nghiệp, do cả hai đứa chưa học cấp III nên bộ đội biên phòng cấp kinh phí cho ra học tiếp ở Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện. Hồ Kham học nghề họa sĩ còn Hồ Thị Đình Xuân học làm ca sĩ. Hồ Thị Đình Xuân còn làm bí thư chi đoàn của bản”.

Thấy khách ngước nhìn những tấm bằng khen của hai mẹ con do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử và chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng, chị nói: “Đội văn nghệ của bản do Hồ Thị Đình Xuân, Hồ Kham dàn dựng đi dự hội thi toàn quốc về tìm hiểu pháp luật dành cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số năm 2012 ở làng văn hóa Đồng Mô, Ba Vì (Hà Nội) đoạt giải nhất”. Hồ Kính góp vui: “Tiết mục đó tôi và hai dân bản Hồ Hoàn, Hồ Tương cũng làm diễn viên đấy”.

VŨ TOÀN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP