TP Hà Tĩnh

“Người không mang họ”: Ước nguyện không thành nơi pháp trường

Buổi sáng diễn ra việc thi hành án xử bắn Toọng và đồng bọn ở núi Quyết, người dân thành phố Vinh hầu như chẳng ai ở nhà. Người xin nghỉ việc, kẻ thì đóng cửa hàng. Hàng nghìn người đã tập trung về chân núi Quyết…

Đền tội

Sau phiên xét xử sơ thẩm tháng 8/1981, 4 án tử hình, 4 án chung thân đã được tuyên cho 8 tên đầu sỏ trong băng cướp. Như thường lệ, hầu hết các bị cáo đều có đơn xin kháng án, rồi đơn xin ân xá, mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật để có cơ hội chuộc lại phần nào lỗi lầm.

Phần cuối bộ hồ sơ về Trương Hiền tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia 3, lá đơn xin chống án của Trương Hiền vẫn còn nguyên nét chữ, khá rõ, được viết bằng bút máy. Cũng không biết ai đã viết hộ đơn cho tướng cướp này. Bởi Toọng chỉ học hết lớp 3 – chữ nghĩa mà y học được chỉ đủ để ký và viết tên mình trong các bản lấy cung.

Toọng và đồng bọn

Nhưng rồi khi phiên phúc thẩm diễn ra, TAND tối cao đã tuyên y án sơ thẩm đã tuyên đối với Toọng và đồng bọn. Rồi lá đơn xin ân xá của Toọng và đồng bọn cũng không được chấp nhận. Tất cả đã phải đền tội với những tội lỗi kinh hoàng đã gây ra.

Ông Nguyễn Trí Tuệ (nguyên Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh) vẫn còn nhớ như in ngày xử bắn Toọng và đồng bọn. Ông không nhớ chính xác là ngày bao nhiêu vì cũng đã 30 năm trôi qua. Vị một thời là quan tòa chỉ còn nhớ, đó là một buổi sáng mùa hè năm 1982.

Ngày hôm đó đối với người dân thành phố Vinh thật đáng nhớ, ngày băng cướp từng một thời tác oai tác quái phải đền tội – Toọng và Trần Đức Lợi (Lợi “râu”), Đậu Kim Sơn (Sơn “hảo”), Đoàn Thanh (Cu Thân) phải lĩnh án tử hình.

Sáng ngày Toọng ra pháp trường, các ngả đường dẫn về núi Quyết, nơi diễn ra việc thi hành án đều đông nghịt người. Chợ Vinh sáng ngày đó, phần lớn tiểu thương đóng hàng. Thông tin được lan truyền một cách chóng mặt, đoàn người rầm rập đổ về chân núi Quyết.

Dường như tướng cướp Toọng đã trở thành nỗi ám ảnh quá lâu trong mỗi người dân nơi đây nên những thông tin về Toọng rất được họ quan tâm. Ngày còn thống lĩnh giang hồ thành Vinh gây án, mỗi câu chuyện về tướng cướp này đều được người dân nơi đây truyền miệng với nhau. Rất nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền thoại cũng đã được thêu dệt.

Vùi xác nơi đất khách khi chưa được gặp mẹ

Có lẽ, trong quãng đời ngắn ngủi khi phiêu dạt giang hồ nơi đất khách cho đến ngày bị bắt, chỉ có giây phút nhắc đến người mẹ già trong những thời khắc cuối cùng của Trương Hiền là lúc người ta thấy được, lương tâm trong con người này vẫn đang còn. Dù le lói.

Câu chuyện với vị thư ký phiên tòa xử Toọng và đồng bọn ngày đó thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi những giây phút trầm mặc của ông. Ông tâm sự rằng, cho đến bây giờ, ông vẫn cảm thấy có lỗi đối với tướng cướp này.

Khi các bị cáo đến ký tên và viết ước nguyện cuối cùng, Toọng lại vẫn viết ra nguyện ước được gặp mẹ. Cái nguyện ước rất đỗi bình thường nhưng đáng trân trọng.

Ngày lực lượng chức năng thực hiện việc thi hành án, ông lại nhìn thấy Toọng. Ánh mắt ấy ám ảnh ông. Ông cũng không hiểu sao, lần gặp này, Toọng lại hỏi xin thuốc ông: “Ông ơi, cho con xin điếu thuốc”. Ông Tuệ chẳng giúp được. Cũng như lần ông vào phúc cung Toọng ở trại tạm giam, ông cũng không thể giúp ước mong nhỏ nhoi này của Trương Hiền.

Rồi khi các bị cáo đến ký tên và viết ước nguyện cuối cùng, Toọng lại vẫn viết ra nguyện ước được gặp mẹ. Cái nguyện ước rất đỗi bình thường nhưng đáng trân trọng. Ông Tuệ mủi lòng.

Ngày đó, trước khi thi hành án, ông Tuệ cùng với nguyên Phó chánh án TAND tỉnh Nghệ Tĩnh Nguyễn Cự vào phúc cung Trương Hiền lần cuối. Lần đó, Hiền cũng mong ông giúp được gặp lại người mẹ già trước khi nhắm mắt.

Ông hỏi Trương Hiền: “Có khi nào anh nghĩ tới mẹ anh không?”, “Tôi thường nghĩ tới mẹ tôi. Mẹ đã già rồi. Không biết khi nào thì được gặp lại mẹ. Trước khi chết, tôi mong được gặp lại mẹ”, Trương Hiền đáp.

Ông Tuệ không đủ thẩm quyền để quyết định, nhưng ông cũng đã hứa là sẽ giúp. Nhưng rồi, thời gian trôi đi với bộn bề công việc, ông không thể nhớ được lời hứa đó.

Ngày xử bắn, ông lại thấy Toọng ước nguyện được gặp mẹ, lúc này ông mới biết là Trương Hiền vĩnh viễn không thể đạt được mong ước nữa.

Những phát súng vang lên, ông Tuệ quay mặt về phía những người đến xem. Toọng và 3 tên trong băng cướp đã phải đền tội.

Từ đó về sau, nỗi ám ảnh về Toọng đã không còn. Nhưng, sao ông Tuệ vẫn thấy lòng mình day dứt.

Những gì còn lại

Câu chuyện về cuộc đời ngắn ngủi của tướng cướp Trương Hiền dần dần nhuốm màu huyền thoại kể từ khi y bị xử bắn. Nhiều người truyền tai nhau về những tội ác, những vụ án mà Toọng đã gây ra. Nhưng cũng có nhiều câu chuyện kể về những giây phút mà tướng cướp Toọng trở về với cái lương tri ít ỏi trong góc sâu con tim hắn.

Ngày còn thống lĩnh giang hồ thành Vinh gây án, mỗi câu chuyện về tướng cướp này đều được người dân nơi đây truyền miệng với nhau. Rất nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền thoại cũng đã được thêu dệt.

Anh Võ Văn Đông, người bạn thủa thiếu thời của Trương Hiền vẫn nhớ những thông tin có phần tốt đẹp mà anh được tiểu thương Đông Hà kể khi gặp Toọng ở thành phố Vinh. Ngày đó, Toọng thường giúp đỡ những người đồng hương khi ra Vinh buôn bán. Bất kể ai bị mất tài sản mà Toọng biết được thì y lập tức bỏ công tìm lại cho bằng được để trả lại. Và Toọng cũng thường dặn đàn em không được cướp của những người từ Đông Hà ra.

Ở thành phố Vinh, đến bây giờ nhiều người vẫn còn kể cho nhau nghe về lần Toọng đã không bắn một cán bộ công an khi thấy người này đang bồng con nhỏ.

Chuyện kể, lúc đó, khi bị công an thị xã Vinh vây bắt, Toọng cũng đánh hơi được mùi nguy hiểm và nung nấu ý định ra tay đối với lực lượng công an. Những chiến sĩ trong chuyên án này đều là các thành viên ưu tú nhất của đội hình sự Ty Công an Nghệ Tĩnh.

Người đội trưởng của nhóm vào một buổi chiều trong ngày nghỉ cuối tuần tại gia đình, khi đang bế đứa con nhỏ trên tay thì có một người đàn ông nai nịt gọn gàng đứng ngoài cánh cổng sắt hỏi nhỏ “Có phải nhà anh T.?”, anh này bình thản gật đầu. Người đàn ông ngoài cánh cổng lặng lẽ nhìn anh một lúc rồi bỏ đi.

Câu chuyện được truyền miệng, người ta bảo rằng đó chính là Toọng. Hắn đã không rút súng ra bắn khi nhìn thấy người đội trưởng đang chơi đùa cùng con nhỏ.

Câu chuyện trên không có trong hồ sơ vụ án, chúng tôi cũng không biết rõ là hư hay thực. Chỉ đồ rằng, có lẽ đó là những phần rất con người trong tướng cướp máu lạnh này, dù chỉ chợt lóe lên như ngọn đèn dầu sắp cạn. Cũng có thể, có người thương xót cho kiếp người ngắn ngủi của tên tướng cướp đã phải nằm lại đất khách khi vĩnh viễn không thể gặp lại người mẹ già mà thêu dệt nên?

Bẵng đi một thời gian sau khi Toọng bị xử bắn, người dân sống xung quanh chân núi Quyết khi đi ngang qua mộ Toọng lại thấy thỉnh thoảng trên mộ có hoa tươi. Có người nói với tôi rằng, chắc có ai đó thương xót cho kẻ một thời lầm lỡ mà đến thăm chăng?

  • Duy Tuấn – Hoàng Sang

Xem lại toàn bộ nội dung bài viết tại đây.

  >> “Người không mang họ”: Tướng cướp đột nhập nhà tù, cứu đàn em

>> Sự thật về tướng cướp “không mang họ”

  >>  “Hùm xám” ở ngã ba Đông Hà

  >> “Người không mang họ” Chạm trán đại ca đất Vinh

  >> Người không mang họ: Kẻ “thâu tóm” quyền lực ở thành Vinh

  >> “Người không mang họ”: Tướng cướp đại náo giang hồ

  >> “Người không mang họ”: Kẻ ẩn sau “rèm chính sự” của tướng cướp

 >> “Người không mang họ”: Những trận đấu súng nghẹt thở của tướng cướp

  >> “Người không mang họ”: Kết cục buồn của tướng cướp khét tiếng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP