Thế giới

Người dân Lào nói chỉ được cảnh báo nguy cơ vỡ đập bằng một mảnh giấy

Pattumma Buamala không kịp chuẩn bị cho cơn đại hồng thủy bởi hôm trước, cô chỉ nhận được tờ giấy cảnh báo có bản đồ của đập thủy điện.

Một người dân Sanamxay trở về ngôi nhà đã hư hỏng sau khi lũ rút. Ảnh: Thành Nguyễn

Hôm 22/7, chính quyền địa phương phát cảnh báo đến làng Tha Hin Tai, gần đập Xe Pian - Xe Namnoy. Đó là thông báo trên mảnh giấy nói rằng 200 hộ gia đình cần cẩn trọng nhưng không yêu cầu họ sơ tán, Buamala nhớ lại.

Hôm sau, ngôi làng của cô và nhiều người khác bị nhấn chìm bởi hàng tỷ mét khối nước khi một trong các đập phụ bị vỡ. Khoảng 20h hôm đó, Pattumma nghe thấy một âm thanh khiến cô quyết định phải bỏ chạy ngay lập tức, nếu không cô sẽ chết.

"Tôi nghe thấy tiếng nước và bắt đầu bỏ chạy. Nó giống như tiếng biển. Nước dâng lên quá nhanh và ngập nhà tôi, dâng từ thắt lưng lên ngang đầu tôi, mỗi giờ thêm một mét", cô gái 22 tuổi kể với Channel News Asia tại trường cấp hai huyện Sanamxay, nơi đang biến thành trại tạm trú của hơn 1.300 người dân mất nhà cửa. "Nhiều người không chạy kịp. Họ đã chết".

Theo Pattumma, cảnh báo từ chính quyền "không rõ ràng". Hậu quả là người dân trong làng cô chỉ bắt đầu tháo chạy sau khi đập đã vỡ. Gia đình cô mắc kẹt trên nóc một ngôi nhà ngập cho đến 9h sáng hôm sau mới được giải cứu.

"Khi đó, nhiều người đã chết. Dòng nước bùn cuốn họ đi", cô nói.

Trước khi đến trại tạm trú, gia đình 4 người của cô đã vật lộn với tử thần giữa dòng nước xiết. Suốt 4 giờ trong bóng tối, họ chạy, bơi, bám vào các nhánh cây trong khi nước lũ tràn vào làng khiến nhiều hàng xóm bị chết đuối, trong đó có những trẻ em không biết bơi và nhiều người khác mắc kẹt trong các ngôi nhà lụp xụp hay không kịp tháo chạy.

Người dân huyện Sanamxay, tỉnh Attapue, đông nam Lào ở nơi tạm trú. Ảnh: Thành Nguyễn

Một tuần sau thảm họa vỡ đập, công tác cứu hộ và viện trợ cho các nạn nhân đang diễn ra khá chậm do thời tiết bất lợi và cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng. Lực lượng cứu hộ không dám chắc liệu số hàng hóa viện trợ có đủ đáp ứng nhu cầu của hàng nghìn người dự kiến sẽ sống tại các trại tạm trú thêm nhiều tháng tới.

Với những người như Pattumma, thực phẩm hay nước uống không phải mối lo duy nhất. Cuộc sống ở trại tạm trú nhắc họ về những gì đã mất chỉ sau một đêm: nhà cửa, cha mẹ, con cái, gia súc và hàng nghìn hecta đất trồng trọt vốn là nguồn sinh kế duy nhất.

"Tôi rất đau khổ. Tôi chẳng còn gì, nhà cửa, trâu bò. Tôi không có thời gian để mang theo tài sản gì. Cháu tôi đã chết. Hai anh chị em của tôi cũng mất tích. Họ mắc kẹt trong nhà", Saew, một phụ nữ 39 tuổi, nói.

Chỉ riêng tại Sanamxay, hơn 3.800 người dân chịu ảnh hưởng của vụ vỡ đập và hơn 2.000 hecta đất trồng trọt đã bị tàn phá, theo số liệu sơ bộ của Hội Chữ Thập đỏ Lào. Tuy nhiên, số thương vong chính xác vẫn chưa được xác định do thiếu thông tin từ chính phủ.

Phó bí thư tỉnh ủy Attapeu Minaphone Saisomphu hôm 29/7 xác nhận đã tìm thấy 9 thi thể và còn 1.126 người mất tích.

Hội Chữ Thập đỏ Lào cho hay vụ vỡ đập diễn ra quá nhanh và xảy ra vào buổi tối nên gây ra thiệt hại rất lớn và việc ổn định cuộc sống cho người dân sẽ mất một thời gian rất dài. ​Nhiều người vẫn mắc kẹt ở các vùng bị ngập lụt và nhiều thi thể còn bị chôn vùi dưới bùn đất hoặc mắc kẹt trên các ngọn cây.

Nhiều nhóm cứu trợ đã cung cấp cho các nạn nhân thực phẩm khô và nước uống để chống đói. Tuy nhiên, Saew, người đã ăn mỳ ăn liền nhiều ngày nay, bắt đầu cảm thấy đuối sức.

"Tôi thèm một miếng thịt từng ăn ở nhà nhưng giờ chẳng kiếm đâu ra. Tôi ước gì được ăn một chút, chỉ một miếng thôi cũng được", cô nói.

Tác giả: Anh Ngọc

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP