Tin Liên Quan

Người dân đổ xô đi mót củi chống đói sau bão

Sau bão số 9, các bãi biển miền Trung như Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Lăng Cô (Huế), Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê (Đà Nẵng)… ngổn ngang củi lớn, củi bé, trở thành nơi kiếm ăn mạo hiểm của nhiều người dân gần đó.



Sáng nay, trên tuyến Sơn Trà – Điện Ngọc (bãi biển Phạm Văn Đồng, Đà Nẵng), hàng trăm người dân đổ về “mót” củi bán lấy tiền chống đói.


Mỗi khúc gỗ dài 2 – 3 m có giá 150.000 – 200.000 đồng


Anh Trương Văn Long (40 tuổi, trú trên đường Sơn Trà, Điện Ngọc) chia sẻ: “Bão số 9 làm nhà tôi bị tốc mái hoàn toàn, thức ăn duy nhất của cả nhà mấy ngày nay là mì tôm cứu trợ. Từ khi bão xong, nguồn nhiên liệu đốt chủ yếu là củi rơi vãi trên bờ biển này”. Đồng cảnh, chị Nguyễn Thúy Hạnh (nhà bên bãi biển Phạm Văn Đồng), có con trai học lớp 11, bị thương trong bão đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng ngậm ngùi tâm sự: “Nếu không có củi dạt về bãi biển này, chắc đến giờ này mấy đứa con của tôi chết đói rồi”.


Không chỉ anh Long, chị Hạnh mà hàng trăm gia đình sống cạnh vùng ven biển đều ồ ạt đổ ra bờ biển mót củi bán kiếm tiền. Anh Vũ Văn Tần hớn hở khoe: “Từ khi bão tan, trung bình mỗi ngày tôi kiếm được trên dưới một triệu đồng. Sáng ra, tôi bơi ra những vùng nước sâu lấy những thân gỗ, củi lớn mang vào bờ bán lại cho các con buôn của công ty thu mua gỗ”. Theo lời anh Tần, mỗi khúc gỗ dài 2 – 3 m bán lại với giá 150.000 – 200.000 đồng, nếu thân gỗ to thì lên đến 300.000 – 400.000 đồng. Không riêng gì những gia đình vùng ven biển, nhiều người dân Đà Nẵng cũng kéo nhau ra các bãi biển mót củi mưu sinh. Các công ty kinh doanh gỗ ra sức đưa xe tải hạng nặng thu mua lại của người dân với giá rẻ, mang về tích lũy. Anh Cao Chí Cường, chủ một cửa hàng thu mua gỗ đóng trên đường Ông Ích Khiêm cho hay: “Thường thì những thân gỗ dài chừng 5-6 m này rất hiếm và khó tìm, nhưng trong mấy ngày qua, xưởng tui cũng mua được lại của bà con ven biển khoảng gần 1.000 tấn gỗ các loại, tổng số tiền phải trả chỉ 45 triệu đồng”.Trao đổi với Đất Việt, ông Phạm Minh Thắng, Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị thành phố Đà Nẵng cho rằng. Việc người dân đổ xô đi mót củi ngoài biển khơi là rất nguy hiểm, có thể mất cả tính mạng. Hơn 5.000 tấn rác còn “nằm’ trên biểnÔng Thắng cho hay, tính đến chiều qua, trên các bãi biển thuộc Đà Nẵng có khoảng 5.000 tấn rác các loại (củi, gỗ, gạch, cát) tồn đọng. Nếu việc thu gom rác trậm trễ sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.


Đến sáng nay (3/10), rác vẫn ngổn ngang trên các bãi biển


Ngay sau khi bão số 9 đi qua, Công ty Môi trường Đô thị đã huy động 50 xe chở rác, gần 1.000 công nhân ra quân dọn vệ sinh môi trường trên bãi biển, thuê thêm hơn 400 lao động để tập trung thu gom dứt điểm lượng củi tồn đọng. Tuy nhiên, việc thu gom còn chậm do lượng rác thải quá lớn, nhân sự ít và phương tiện hỗ trợ thiếu và thô sơ. Việc thu gom hiện nay vẫn chỉ là tự phát, người tham gia thu gom không được trang bị bảo hộ, không có xe chuyên dụng. Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, ngay sau khi bão đi qua, UBND quận đã tổ chức, tuyên truyền vận động hộ dân trong vùng tham gia thu dọn rác, nhưng tuyệt đối không nên tự ý đổ xô mót củi. Chính quyền địa phương có trách chủ động phân công công việc, kiểm tra,đôn đốc các đơn vị từng đơn vị để việc thu gom rác xong sớm.


Lê Xuân

Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP