Xã hội

Người cha của 3 đứa con nhiễm chất độc da cam: Không đầu hàng số phận

Một thời kinh tế khó khăn, con cái bệnh tật thường xuyên phải đi viện khiến vợ chồng ông Cảnh kiệt quệ cả tinh thần lẫn vật chất. “Nhiều lần ôm con đi viện mà trong tay không còn cắc tiền lẻ nào, vợ chồng tôi lại phải chạy đi vay mượn khắp xóm. Hết chạy chữa cho đứa này rồi lại đến đứa khác nên rất cơ cực”, ông Cảnh ngậm ngùi.

Ông Phạm Bá Cảnh

Rơi vào cảnh cùng cực khi 3 trong 4 đứa con nhiễm chất độc da cam, cựu chiến binh Phạm Bá Cảnh đã không đầu hàng số phận. Từ đôi tay chai sần của mình, ông chăm bẵm đàn con bạo bệnh và gây dựng cơ nghiệp khiến nhiều người cảm phục.

Nỗi đau hậu chiến

Chiều muộn, căn nhà hai tầng nằm sát đường làng vẫn đều đặn tiếng cưa, đục đẽo. Cựu chiến binh Phạm Bá Cảnh (64 tuổi, ngụ xóm 2A, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) đang cùng 4 nhân công gấp rút hoàn thiện sản phẩm cho khách hàng. Giữa cái nóng hừng hực, nhưng ông Cảnh làm việc không ngừng để chạy đua với đơn hàng đang cần gấp.

Bỗng văng vẳng tiếng chửi đổng của người phụ nữ. Lát sau, một người trạc 40 tuổi khập khễnh bước ra từ gian nhà khách, chăm chăm nhìn mọi người, cười vô hồn. “Đó là người con thứ hai của vợ chồng tôi. 39 tuổi rồi nhưng nó vẫn như đứa trẻ. Ăn uống, vệ sinh vợ chồng tôi đều phải lo liệu cả. Mệt nhất là những lúc lên cơn điên, cháu cứ ngồi chửi đổng từ người thân đến hàng xóm…”, ông Cảnh trầm ngâm.

Ba trong 4 người con của vợ chồng ông Cảnh đều bị dị tật vì nhiễm chất độc da cam. Ông nhận ra điều đó cách đây chừng 16 năm. Còn trước đó, vợ chồng ông không hề biết những năm tháng xông pha ở chiến trận miền nam đã khiến bản thân nhiễm chất độc dioxin.

Thời trẻ, ông Cảnh chiến đấu tại Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270, Sư đoàn 341, khắp các chiến trường miền Đông, Tây Ninh rồi tiến về giải phóng Sài Gòn. Năm 1976, ông ra quân, về quê lấy vợ. Khi bà Nguyễn Thị Vân (60 tuổi, vợ ông) đang mang thai đứa con thứ 2 thì ông tái ngũ tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, chiến đấu ở Lạng Sơn. Bốn năm sau, ông xuất ngũ về quê, đoàn tụ cùng vợ con.

Ông kể, thời gian đầu không hề biết mình đã nhiễm chất độc dioxin. Nhưng khi thấy các con lần lượt có những dấu hiệu bất thường trên cơ thể, vợ chồng ông mới kiểm tra và đau lòng biết các con nhiễm chất độc da cam từ ông.

Duy nhất người con trai thứ hai là anh Phạm Văn Xuân (SN 1977) bình thường, khỏe mạnh. Ba người còn lại gồm chị Phạm Thị Thúy (SN 1979), anh Phạm Bá Long (SN 1982) và anh Phạm Bá Phương (SN 1985) đều bị dị tật. Trong đó, hai chị em Thúy, Phương bị bệnh nặng nhất, chỉ biết ngồi một chỗ. Mọi sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh cá nhân đều do bố mẹ phục vụ.

Vợ ông Cảnh buồn rầu: “Hôm nào trở trời, hai chị em nó chửi không ngừng nghỉ. Chửi đến khi khan tiếng, khản giọng, kiệt sức mới thôi. Nhìn các con, tôi vừa thương, vừa tủi cho bản thân mình”.

Thời trước kinh tế khó khăn, con cái bệnh tật thường xuyên phải đi viện khiến vợ chồng ông Cảnh kiệt quệ cả tinh thần lẫn vật chất. “Nhiều lần ôm con đi viện mà trong tay không còn cắc tiền lẻ nào, vợ chồng tôi lại phải chạy đi vay mượn khắp xóm. Hết chạy chữa cho đứa này rồi lại đến đứa khác nên rất cơ cực”, ông Cảnh ngậm ngùi.

Đầu năm nay, người con thứ ba đã “bỏ” vợ chồng ông ra đi. “Thúy thì dở điên dở dại thế này... Giờ bố mẹ còn có sức mà chăm lo, lỡ mai mốt chết đi rồi, anh chị có chịu được tính khí của nó không?”, bà Vân nhìn đứa con gái đang cười một mình mà lòng đầy lo lắng.

Giấy khen của UBND huyện Hưng Nguyên cho ông Phạm Bá Cảnh

Vượt khó thoát nghèo

Hai vợ chồng, 4 đứa con nheo nhóc bệnh tật khiến nghèo đói cứ bám riết lấy gia đình ông Cảnh. Nhiều đêm, ông không tài nào chợp mắt khi nghĩ đến sự vất vả, túng thiếu của cả nhà. Ông tự hỏi sao mình cứ mãi nghèo, mãi khổ như vậy? “Phải tự mình đứng lên!”, ông quyết tâm.

Sẵn những kiến thức cơ bản về nghề mộc, ông bắt đầu từ sửa cái cày, cái bừa hay các vật dụng sinh hoạt đơn giản cho bà con trong xóm. Vừa làm, ông vừa học thêm, cải tiến dần những sản phẩm mộc dân dụng. Chất lượng sản phẩm cũng như sự khéo léo, niềm nở của ông Cảnh khiến bà con trong vùng vừa lòng. Tiếng lành đồn xa, tên tuổi của ông được nhiều người làng bên biết đến, tìm tới đặt hàng.

Từ một cơ sở nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất những dụng cụ cầm tay đơn giản, đến nay, cơ sở mộc của ông Cảnh đã cung cấp đồ gỗ cho hầu hết các công trình xây dựng ở các xã lân cận và vươn sang các huyện bạn như Nghi Lộc, Diễn Châu, TP Vinh... Ông tâm sự, thị trường ngày càng rộng lớn, khách hàng tìm đến càng nhiều, đi kèm với đó là sự đòi hỏi về chất lượng, mẫu mã, giá cả. Nếu đáp ứng được những vấn đề đó thì luôn luôn luôn có chỗ đứng, không sợ thiếu việc.

Hơn 30 năm hoạt động, xưởng mộc của cựu chiến binh Phạm Bá Cảnh không chỉ giải quyết việc làm cho các thành viên trong gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Đó hầu hết là những người đồng cảnh ngộ, hay con em các thương binh, liệt sỹ. Ông Cảnh quyết tâm đào tạo họ từ sự đồng cảm, sẻ chia của một người lính.

Với khoản thu từ nghề mộc, chăn nuôi, trừ các chi phí, mỗi năm gia đình cựu chiến binh Phạm Bá Cảnh lãi khoảng 100 triệu đồng. Ông Phạm Xuân Sâm, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Hưng Nguyên chia sẻ: Trong số 15 mô hình kinh tế của các cựu chiến binh toàn huyện thì cơ sở của ông Phạm Bá Cảnh có hiệu quả nhất. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn sẵn sàng giúp đỡ nhiều người cùng cảnh ngộ.

“Có trải qua gian khổ mới hiểu được những khó khăn, vất vả, thiệt thòi mà ai đó không may dính phải chất độc da cam. Tôi và các con đã và đang gánh chịu nỗi đau ấy. Do vậy, tôi quan niệm luôn nhiệt tình giúp đỡ anh em cùng cảnh ngộ. Hiện nay, hầu hết anh em làm việc trong xưởng đều có người thân tham gia chiến trường”, ông Cảnh chia sẻ.

Mấy năm gần đây, không những phát triển nghề mộc, vợ chồng ông Cảnh còn mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt. Hiện, vợ chồng ông có 5 con trâu bò, hơn 100 con gà thịt, 50 gốc chanh cho thu nhập và hơn 1 ha đất trồng lúa. Ông nói, phải chịu khó xoay vòng, lấy ngắn nuôi dài để làm ăn, phát triển kinh tế.

“Điều may mắn của tôi là có người vợ đồng cảm, chia sẻ những vất vả với chồng. Trong những lúc khó khăn nhất, bà ấy đã ở bên chia sẻ, cùng tôi gánh vác gia đình”, ông Cảnh nói về người bạn đời của mình.

Với sự nỗ lực và những thành tích đạt được, cựu chiến binh Phạm Bá Cảnh đã nhận được nhiều bằng khen cấp tỉnh, huyện. Mới đây, ông đã nhận được giấy khen của UBND huyện Hưng Nguyên vì đã có công tiêu biểu, gương mẫu, vượt khó.

Tác giả: Long Trần

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP