Nông Thôn Hà Tĩnh

Ngư dân Thạch Kim Khát vọng bám biển

Hà Tĩnh là vùng đất Duyên Hải Bắc Trung Bộ, nên từ lâu đời nay đã hình thành nên nhiều làng chài ven biển với những đội thuyền lớn. Có thể kể đến những nơi như huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên. Câu chuyện về ngư dân tại xã Thạch Kim mạnh dạn vươn ra biển khơi khai thác hải sản là một ví dụ cho khát vọng làm giàu từ biển của người dân Lộc Hà – Hà Tĩnh.

Cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 16km, là vùng biển cửa Lộc Hà, nơi có xã Thạch Kim chuyên vươn khơi bám biển. Vì là vùng biển nên cách mưu sinh chủ yếu của bà con nơi đây là đánh bắt thủy hải sản. Nhận thấy nguồn lợi tư biển khơi là rất lớn, cùng với đó là nhiều chính sách của nhà nước khuyến khích  người dân ra khơi bám biển, nên bà con đã vay vốn đóng mới những chiếc thuyền công suất lớn để thực hiện công cuộc ra khơi đánh bắt xa bờ.

Trước đây người dân trong xã chỉ dùng những chiếc thuyền nhỏ để đánh cá trên biển. Có thể nói từ năm 1991 một số hộ dân trong xã đã đóng những chiếc thuyền lớn đầu tiên khai mở công cuộc chinh phục biển cả của ngư dân Thạch Kim. Đến năm 2000 thì người dân nơi đây đã đóng những chiếc thuyền lớn như bây giờ. Những chiếc thuyền đóng mới hiện tại thường có công suất trên 105 mã lực, có chiếc lên tới 250 mã lực. Ngay tại thời điểm từ đầu năm 2014 đến nay đã đóng mới được 5 tàu, chủ yếu là dùng để câu khơi và dạ kéo.

Theo bà con ngư dân cho biết những đội thuyền thường chủ yếu ra khơi đánh bắt từ tháng giêng đến tháng 6, vì đây là khoảng thời gian thời tiết thuận lợi nhất, lại tập trung nhiều nguồn lợi thủy sản. Mỗi chuyến đi như vậy nếu đi đảo thì có thể lên tới 1 hoặc 2 tháng, đi khơi khoảng 1 tuần, còn đi lọng là 1 ngày.  Những đội thuyền thường có trên dưới khoảng 15 người, một nửa trong số đó là con em trong một gia đình số còn lại là bà con trong xã hoặc lao động  từ các xã lân cận. Vùng biển mà ngư dân thường đánh bắt là vùng khơi xa, được xác định là đảo Bạch Long Vĩ. Nhưng trước đây vùng biển thường đánh bắt là ngư trường Hà Tĩnh, vùng ngư trường truyền thống, do biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến môi trường biển và tôm cá trên biển ngày càng cạn kiệt nên ngư dân đã mở rộng ra ngư trường đảo Bạch Long Vĩ để đánh những tuyến vùng khơi. Hải sản sau khi đánh bắt thường được bán cho bà con tại cảng Thạch Kim.

Sau nhiều năm trời bám biển mưu sinh, thành quả đạt được của ngư dân Thạch Kim bây giờ thật đáng mừng. Những ngôi nhà đơn sơ trước đây nay được thay thế bằng những ngôi nhà  bê tông lợp ngói vững chải, đường làng cũng được rải nhựa bê tông, đời sống vật chất của nhân dân ngày càng được cải thiện, con em được học tập đến nơi đến chốn, không còn trường hợp trẻ em mù chữ như trước  nữa. Thành quả đạt được hôm nay là một bước tiến dài của vùng đất Thạch Kim mà cách đây khoảng chừng 15 năm ngay cả người dân nơi đây cũng không dám nghĩ tới.

Biển mang đến cho ngư dân nguồn lợi hải sản, nhưng biển cũng luôn ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm rình rập những người dân chài. Ông Nguyễn Văn Dũng chủ chiếc tàu mang BKS HT20221TS cho biết thì những chuyến ra khơi như vậy có thể gặp phải bão, biển động, tàu chết máy hoặc các sự cố kỹ thuật khác.  Những lúc như vậy họ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thậm chí tính mạng bị đe dọa, biển có thể lấy đi tính mạng của họ bất kỳ lúc nào. Vì nguồn kinh phí còn eo hẹp, cho nên ngư dân chưa thể mua sắm các thiết bị hiện đại để liên lạc mỗi khi gặp sự cố xảy đến. Tuy nhiên vì cuộc sống gia đình nhưng trên tất cả là lòng yêu nghề, yêu biển cả, cho nên những chiếc thuyền vẫn đều đều ra khơi đánh bắt chinh phục biển cả.

Với người dân Thạch Kim bây giờ ước nguyện lớn nhất của họ là được vay vốn  để đóng những chiếc thuyền có công suất lớn hơn hay để tu sửa nhiều chiếc thuyền đã hư hỏng nặng và sắm sửa các thiết bị cần thiết cho quá trình ra khơi.

“Rừng vàng biển bạc”, câu nói đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy rõ tầm quan trọng của biển đối với người dân Việt Nam. Nhờ biển chúng ta mới có thể làm giàu, nhờ biển chúng ta có thể có cuộc sống ấm no hơn. Không những vậy, đẩy mạnh khai thác hải sản đặc biệt là khai thác hải sản xa bờ cũng là thực hiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc. Ước nguyện của người dân Thạch Kim cũng là ước nguyện chung của những ngư dân luôn khát vọng vươn khơi bám biển.

                                                                                                                     Ngọc Quang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP