Tin Hà Tĩnh

Ngư dân Hà Tĩnh “tiến thoái lưỡng nan” vì “tàu 67”

Với khát vọng vươn khơi bám biển, nhiều ngư dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã vay vốn theo Nghị định 67/CP của Chính phủ để đóng tàu vỏ thép mong “ăn nên làm ra” và góp phần giữ gìn chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. Thế nhưng, sau một thời gian thực hiện, kết quả lại không được như mong đợi.

Ngư dân Trần Xuân Sinh bên chiếc tàu đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ. Ảnh: Thùy Trang

Ngư dân Trần Xuân Sinh bên chiếc tàu đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ. Ảnh: Thùy Trang

Hy vọng “ăn nên làm ra”

Chủ một “tàu 67” đậu tại Cảng biển Cửa Sót, huyện Lộc Hà rít một hơi thuốc rồi nhả từng hơi chậm dãi, với ánh mắt chán nản, nói: “Tàu tôi lênh đênh gần chục ngày ngoài khơi mà thu về chỉ được vài tạ cá. Người ta vừa mang đi, chỉ còn chừng này thôi”. Đó là mấy chục con cá thu ngố nhỏ, lèo tèo, được bày bán trên chiếc bạt để người mua lựa chọn, mặc cả. Chủ tàu là anh Trần Xuân Sinh, sinh năm 1974, ở xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà. Cuối năm 2016, anh Sinh vay 14,9 tỉ đồng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển chi nhánh Hà Tĩnh và bỏ thêm 1,2 tỉ đầu tư vào để thiết kế, gia công đóng mới con “tàu 67” này. Đầu năm 2017, con tàu trị giá hơn 16 tỉ đồng của anh Sinh chính thức hạ thủy, trong sự kỳ vọng của gia đình và các thuyền viên. “Chuyến đi đầu tiên, chúng tôi đều háo hức, mong chờ. Nhờ tàu công suất lớn mà bữa ni đánh bắt được xa bờ và trước sóng gió cũng vững chãi hơn” - Anh Sinh chia sẻ.

Cũng như anh Sinh, ông Nguyễn Văn Lòng, sinh năm 1960, ở thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà cũng gửi gắm nhiều hy vọng vào con tàu công suất 829CV. Bám biển từ năm 13 tuổi, lão ngư Nguyễn Văn Lòng đã có gần 60 năm “cưỡi sóng” vươn khơi và trở thành “bậc thầy” trong nghề biển ở địa phương. Trước kia, ông Nguyễn Văn Lòng theo nghề câu với chiếc tàu nhỏ công suất 12CV, rồi nâng lên 250CV. Nhờ chăm chỉ làm ăn, mỗi tháng bình quân lợi nhuận ông thu về khoảng 70 triệu đồng.

Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67, khuyến khích ngư dân đầu tư đóng tàu vỏ thép, vươn khơi bám biển, sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nhận thấy đây là chủ trương đúng đắn của Nhà nước và tận dụng nguồn nhân lực của gia đình, ông Lòng quyết tâm đăng ký vay vốn tham gia. Đầu năm 2016, ông Lòng vay Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển chi nhánh Hà Tĩnh hơn 12,7 tỉ đồng và vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gần 700 triệu đồng. Sau một năm, con tàu công suất 829CV của ông được hoàn thành và đưa vào sử dụng. “Nếu làm ăn suôn sẻ, chúng tôi sẽ có công việc ổn định và sớm thu hồi vốn” - Ông Lòng nói.

“Đi chuyến nào, lỗ chuyến đó…”

Chuyến biển đầu tiên, ông Nguyễn Văn Lòng bỏ 70 triệu đồng thuê nhân công và mua sắm nhiên liệu, các vật tư cần thiết cho 7 ngày ra khơi đánh cá. Chuyến này tiền bán hải sản chỉ được 50 triệu đồng, ông Long lỗ 20 triệu đồng. Ông chia sẻ: “Do mới chuyển đổi cách thức đánh bắt hải sản từ gần bờ sang xa bờ và chưa có kinh nghiệm trong vận hành tàu lớn, nên tôi chịu lỗ”. 10 chuyến ra khơi tiếp theo, dù gần bờ hay đi xa bờ, ông Lòng chỉ hòa vốn hoặc lỗ nặng hơn. Dù chịu lỗ nhưng ông Lòng vẫn duy trì hoạt động của tàu bằng cách đánh bắt gần bờ, đi trong vòng 1-2 ngày và không thuê lao động ngoài.

Đầu năm 2018, ông Lòng đầu tư 70 triệu đồng cho chuyến khai thác hải sản ở vùng biển Bạch Long Vĩ trong vòng 1 tuần, nhưng chỉ thu về 30 triệu đồng tiền bán hải sản, chịu lỗ 40 triệu đồng. Tình cảnh cũng không khấm khá hơn, khi 3-4 chuyến tiếp theo ông Lòng tiếp tục chịu lỗ trong khi giá dầu tăng cao, bảo hiểm tàu hết hạn. Ngư dân với kinh nghiệm 30 năm lênh đênh trên biển này giờ đành để “tàu 67” rỉ sét, “mắc cạn” tại cảng Cửa Sót. Từ chỗ là “cần câu cơm” thì giờ đây, “tàu 67” của gia đình ông Lòng rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, ông Lòng ở nhà, con trai và con rể đành đi làm trên tàu người khác.

Cũng chịu cảnh lỗ trong những chuyến ra khơi, anh Trần Xuân Sinh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tôi đi chuyến nào lỗ chuyến đó. 8 lần ra khơi gần đây, số tiền bán hải sản nhiều nhất chỉ 36 triệu đồng/chuyến. Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã lỗ 800 triệu đồng và thất thoát 300-400 triệu đồng tiền lưới”. Mỗi chuyến đi biển của tàu anh Sinh kéo dài từ 10-15 ngày, chi phí từ 80-100 triệu đồng cộng với lương 7 thủy thủ từ 10-15 triệu/người/tháng. “Đến nay, tôi mới trả nợ được hơn 500 triệu đồng. Nếu tình trạng khó khăn vẫn không được cải thiện thêm thì không chỉ tôi mà nhiều ngư dân khác khó mà cầm cự” - Anh Sinh bộc bạch.

Anh Bùi Đình Hải, chuyên viên Cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Hà Tĩnh có 11 tàu đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ và đang gặp phải một số khó khăn như: Trình độ khai thác của chủ tàu và lao động trên tàu còn hạn chế; ngư dân chưa có nhiều kinh nghiệm về khai thác ở vùng biển xa, chưa có khả năng sử dụng các thiết bị hiện đại trên tàu vỏ thép... Đặc biệt, trong những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả hoạt động của những con tàu này”.

Tác giả: Thùy Trang

Nguồn tin: Báo Biên Phòng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP