Pháp luật

Ngôi nhà không chung tình

Đồng tiền khiến con người cạn tình, cạn nghĩa ngay cả với đấng sinh thành

Trời mưa lớn. Dù vậy, mọi người nghe rõ mồn một tiếng la hét phát ra từ một phòng xử dân sự.

Người đàn ông gầy tong teo, da đen nhẻm, dáng thấp bé, tay ôm chồng hồ sơ dày cộp, bước ra khỏi phòng xử án. Ra khỏi cửa, ông này chưa thôi mắng nhiếc tòa án và những người ở bên trong, rất nhiều trong số đó là người thân của ông.

Chẳng đặng đừng

Người đàn ông này tên N.T.T (ngụ quận 8, TP HCM), là bị đơn trong vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu một căn nhà có diện tích chưa đầy 70 m2. Hiện là nơi trú ngụ của khoảng 10 người. Đáng buồn thay, nguyên đơn trong vụ kiện chính là cha mẹ ông.

Cay cú khi thua kiện, ông T. không tiếc lời chửi mắng cơ quan pháp luật và cả những người xung quanh.

Ngay trước đó, phiên tòa phúc thẩm vụ án tranh chấp tài sản giữa ông T. và cha mẹ ruột diễn ra không kém phần gay gắt. Ông N.T.V (anh ông T.), đại diện nguyên đơn, trình bày do cha mẹ ông đã gần 70 tuổi nên không thể dự tòa. Ông V. nhận ủy quyền đến đối chất, tranh luận với em mình.

Ông V. cho hay ông là anh cả trong gia đình có 3 anh chị em. Tha hương lên TP kiếm sống mười mấy năm, cha mẹ ông tần tảo nuôi con và dành dụm tiền mua căn nhà nhỏ. Ngôi nhà không chỉ là nơi che mưa nắng mà còn chứa biết bao kỷ niệm của gia đình. Thế nên, sau khi thành gia lập thất, gia đình 3 anh em ông vẫn chung sống ở đây. "Dù nghèo nhưng chúng tôi chưa hề xích mích hay có ý định chia tài sản. Đây là kỷ niệm, là nơi chúng tôi phụng dưỡng cha mẹ. Bỗng nhiên, thằng T. thông báo bán nhà. Chúng tôi không rõ nó lừa cha mẹ ký tên trong thủ tục sang tên cho nó từ khi nào. Chẳng đặng đừng, cha mẹ tôi mới đi kiện. Dù biết, như vậy là mất mặt gia đình" - ông V. nghẹn lời kể.

Anh trai chưa nói hết câu, ông T. đứng lên cướp lời: "Nhà đó là của tôi!".

Vì tiền không ngại dứt tình thân

Trong thời gian xét xử, không ít lần ông T. cướp lời anh. Chủ tọa phải liên tục nhắc nhở bị đơn tuân thủ nội quy khi ứng xử.

Tranh cãi gia tăng khi phiên tòa bắt đầu phần tranh luận. Bị đơn khăng khăng rằng mình có toàn quyền đối với căn nhà trên. Ông đưa ra sổ hồng có tên mình là chủ sở hữu tài sản.

Ông T. ra vẻ đắc ý. Tuy nhiên, thái độ tự mãn ấy đã mất đi khi chính quyền sở tại lên tiếng xác minh về hiện trạng căn nhà. Từ khi cư trú tại địa phương, ngoài ông T. thì cha, mẹ, anh, chị của ông đều sống tại căn nhà. Cha mẹ mua nhà từ khi anh em ông T. còn rất nhỏ.

Anh và em đối chọi nhau trên tòa. Bên dưới, người chị gái lấy khăn lau nước mắt khi nhìn em trai đưa ra sổ hồng mới tinh, phẳng phiu.

Về lý do bỗng nhiên sang tên chủ sở hữu, đại diện nguyên đơn khẳng định gia đình không hề hay biết cho đến khi bị đơn báo tin sẽ chuyển nhượng và chia đều số tiền bán nhà. Ông V. trình bày: "Lợi dụng cha mẹ lơ mơ chuyện nhà đất nên T. nói dối là sang tên nhà để trông coi, quản lý giúp. Không một ai trong gia đình có ý nghĩ bán nhà, chia tiền". Đến dự tòa, những thành viên khác trong gia đình đồng tình với ý kiến trên. Bị đơn đuối lý.

HĐXX phúc thẩm quyết định ông T. không được phép bán nhà nếu cha mẹ và những thành viên khác trong gia đình không đồng ý.

Không phục bản án, ông T. liên tục gây sự và đe dọa khởi kiện đến cùng.

Người chị cho biết là con út, T. được cha mẹ tin yêu, chiều chuộng nhất trong gia đình. Có ai ngờ, khi giá bất động sản tăng cao, đứa con trai cưng nhẫn tâm dùng thủ đoạn bán nhà, đẩy người thân ra đường. Từ ngày xảy ra vụ kiện, nhà không còn là mái ấm như xưa. Con trai vô lễ với cha mẹ, chị tức giận mắng lại em...

Mặc phòng xử cửa đóng then cài, người bên ngoài vẫn chưa dừng cãi vã.

Đại diện VKS thở dài: "Đây không phải trường hợp đầu tiên ra tòa với tranh chấp như vậy. Trước kia, tôi từng tham gia nhiều vụ kiện tương tự. Hầu hết các vụ việc, cơ quan pháp luật không thể hòa giải dù nỗ lực đến đâu. Tất cả cũng bởi vì tiền. Lòng tham khiến con người không ngại vứt bỏ tình máu mủ". Tòa kết thúc. Cả hai bên về cùng một lối nhưng lòng đã phân định làm đôi.

Kiện cho bằng được

Trong phần nhận định, HĐXX cho rằng thực tế căn nhà là nơi cư ngụ của đại gia đình. Do đó, dù đứng tên căn nhà nhưng ông T. không phải là chủ sở hữu duy nhất. Chưa kể, bị đơn không thể chứng minh mình là người mua, xây cất, thực hiện nghĩa vụ pháp luật quy định đối với tài sản. Chưa kể, phía nguyên đơn khẳng định bị ông T. lừa dối mới đặt bút ký tên…

Trước đó, tòa án cấp sơ thẩm ra phán quyết tương tự. Ông T. cảm thấy bất công nên kháng cáo. Sau phiên phúc thẩm, ông bảo quyết kháng cáo đến cùng.

Tác giả: Di Lâm

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: kiện tụng , ra tòa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP