Tin Hà Tĩnh

Nghĩa tình hai mái Trường Sơn

Việt Nam và Lào núi sông liền một dải. Trong suốt chiều dài lịch sử, nghĩa tình của 2 dân tộc sống 2 bên mái Trường Sơn luôn gắn bó keo sơn. Truyền thống đoàn kết là tài sản vô giá của hai dân tộc Việt - Lào anh em, trở thành cội nguồn sức mạnh để tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh khu vực biên giới nước bạn Lào tiếp tục mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

BĐBP Hà Tĩnh thăm hỏi, động viên người dân các bộ tộc Lào ở khu vực biên giới. Ảnh:Nguyễn Văn Thắng

Những mốc son lịch sử

Từ cuối thế kỷ 19 đến những năm đầu thế kỷ 20, nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp xâm lược của người Việt Nam đã có ảnh hưởng sâu rộng tại Lào, tạo cơ sở cách mạng vững chắc cho hai nước. Ngày 4-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Souphanouvong đã kết nối, đặt những “viên gạch” đầu tiên xây dựng mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào. Kể từ đó, hai dân tộc láng giềng tiếp tục sát cánh bên nhau, hoàn thành sứ mệnh cách mạng vẻ vang trên mặt trận Đông Dương.

Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, người Việt Nam trở thành chuyên gia, bộ đội tình nguyện cho Lào và ngược lại, các bộ tộc Lào luôn chở che, đùm bọc, nhường cơm sẻ áo, sẵn sàng hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do của hai nước. Ngày 5-9-1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. 15 năm sau, ngày 18-7-1977, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào được ký kết. Đây là những mốc son đánh dấu tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt - Lào.

Tiếp nối truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa hai dân tộc Việt - Lào, những năm qua, đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Hà Tĩnh và đoàn đại biểu cấp cao các tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Sa Vẳn Na Khệt... đã tổ chức các cuộc hội nghị, hội đàm song phương, ký kết nhiều biên bản hợp tác quan trọng. Thông qua những diễn đàn ý nghĩa này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước.

Hai Đảng, hai Chính phủ Việt Nam và Lào nói chung và Hà Tĩnh với các tỉnh của nước bạn Lào nói riêng luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để kiều bào sinh sống và nhân dân qua lại buôn bán kinh doanh, tham quan du lịch. Tỉnh Hà Tĩnh luôn mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa, đảm nhận đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục cho sự phát triển đi lên của nước bạn Lào.

Tiếp xúc với phóng viên, chị Võ Thị Lý, quê gốc ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, hiện sinh sống tại bản Phôn Xeng, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Lào vui mừng cho biết: "Sau nhiều năm sang Lào mở cửa hàng kinh doanh ăn uống, tôi đón nhận rất nhiều tình cảm của chính quyền và nhân dân các bộ tộc Lào. Cửa hàng của tôi phục vụ các món ăn cả của người Lào và người Việt, trở thành điểm dừng chân, giao lưu văn hóa ẩm thực, gắn kết tình cảm ấm nồng cho nhân dân hai nước ở khu vực biên giới".

Biên giới thắm tình hữu nghị

Hà Tĩnh hiện có 145km đường biên giới tiếp giáp với 2 tỉnh Bô Ly Khăm Xay và Khăm Muộn của nước bạn Lào. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng và toàn thể nhân dân 2 nước Việt - Lào đã chung tay, góp sức thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng, bảo vệ biên giới hòa bình, hữu nghị.

Thiếu tá Phan Văn Yên, Phó Đồn trưởng Đồn BP cửa khẩu quốc tế Cầu Treo chia sẻ: "Đơn vị chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của nước bạn Lào trong đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh biên giới; thực hiện tốt việc kiểm soát xuất nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân 2 nước qua lại lao động, học tập và mở rộng giao lưu văn hóa. Từ đó, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị Việt - Lào ngày càng bền vững".

Tình hữu nghị Việt - Lào trở nên gắn bó mật thiết hơn, bởi giờ đây đã có nhiều đồn Biên phòng của tỉnh Hà Tĩnh kết nghĩa với các đồn Công an, đại đội Bảo vệ biên giới của nước bạn Lào. Ngoài ra, những xã biên giới như Sơn Hồng, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn cũng đã kết nghĩa với các bản Xốp Tơng, Thoọng Pẹ, Na Pê của nước bạn Lào... Qua hoạt động ý nghĩa này, người dân có thêm điều kiện giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh vùng biên giới.

Không giấu được niềm vui, niềm tự hào, ông Ka Chang, Trưởng bản Thoọng Pẹ, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay cho biết: "Dân bản chúng tôi luôn biết ơn sự quan tâm, giúp đỡ của nước Việt Nam, của BĐBP Hà Tĩnh nhiều lắm. Đổi lại tình cảm đó, bản Thoọng Pẹ sẽ luôn sát cánh cùng các xã khu vực biên giới của nước Việt Nam và lực lượng BĐBP Hà Tĩnh đấu tranh phòng chống tội phạm, mở rộng giao lưu văn hóa, góp phần xây dựng, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị Việt - Lào”.

Dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2017) và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2017), từ trung tâm phố thị đến khu vực biên giới của tỉnh Hà Tĩnh nhiều nơi rợp bóng cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ tuyên truyền. Mùa Thu cách mạng, cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay bên những lá cờ màu xanh đỏ của nước bạn Lào như càng nhân lên niềm kiêu hãnh, tự hào của hai dân tộc láng giềng với nhiều nét tương đồng về văn hóa, lịch sử.

“Việt - Lào, hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Những câu thơ bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời tuyên ngôn của Chủ tịch Cay Sỏn Phôm Vi Hản "Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam mãi mãi bền vững hơn núi, hơn sông" luôn là nền tảng tinh thần, là động lực to lớn để 2 đất nước Việt - Lào tiếp tục mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển hôm nay.

Tác giả: Nguyễn Văn Chương

Nguồn tin: Báo Biên Phòng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP