Nghi Xuân

Nghi Xuân: Vướng lao lý vì cố ý làm trái quy định của Nhà nước

Dự án xây dựng cầu Bến Thủy 2 được Bộ GTVT và UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ tái định cư từ năm 2008 và giao cho UBND H. Nghi Xuân (Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư. Năm 2011, UBND H. Nghi xuân ra quyết định thu hồi đất của 35 hộ dân với tổng diện tích trên 6.000m2 để thực hiện dự án; lập hồ sơ phê duyệt bồi thường, hỗ trợ với số tiền hơn 11,3 tỷ đồng; xét cấp đất tái định cư 36 lô cho 32 hộ dân với diện tích trên 8.800m2. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, một số thành viên trong Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng (HĐBTGPMB) H. Nghi Xuân đã thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

CQĐT thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Phan Duy Khương.

Tài liệu điều tra của cơ quan CA đã chứng minh, từ khi có chủ trương xây dựng cầu Bến Thủy 2, Nguyễn Văn Đức (1960)- Phó trưởng Phòng TN&MT, kiêm Phó chủ tịch HĐBTGPMB H. Nghi Xuân không tổ chức xác minh tính pháp lý của đất bị thu hồi; không hướng dẫn các hộ dân kê khai tài sản, đất đai theo quy định; không niêm yết công khai danh sách các hộ dân được BTGPMB theo quy định; không tổ chức kiểm tra, đối chiếu, kiểm đếm khối lượng…

Theo đó, ông Đức đã lập hồ sơ cho hai hộ dân là ông Trần Văn Hóa và Trương Hữu Hiền không đúng đối tượng được bồi thường, gây thất thoát cho Nhà nước trên 900 triệu đồng. Ngoài ra, Đức và cấp dưới của mình là Lê Quang Sáng, chuyên viên Phòng TN&MT biết hồ sơ của bà Nguyễn Thị Hồng Nhung (trú khối 1, TT Xuân An, H. Nghi Xuân) không đủ thủ tục pháp lý nhưng vẫn lập hồ sơ bồi thường gần 150 triệu đồng. Đậu Hữu Tuất, Trưởng phòng Phòng NN&PTNT, nguyên Trưởng Phòng TN&MT, kiêm Phó Chủ tịch HĐBTGPMB huyện, trong quá trình thực thi nhiệm vụ đã không đôn đốc, chỉ đạo và xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ bồi thường mà chủ yếu căn cứ vào hồ sơ do HĐ lập để làm báo cáo thẩm định dẫn đến sai phạm, hồ sơ do HĐBTGPMB lập để tổ chức thẩm định không có mẫu tờ khai do Ban GPMB huyện cấp cho các hộ dân để phản ánh nội dung về đất và tài sản bị thu hồi đất… nên dẫn đến việc phê duyệt sai các hồ sơ, gây hậu quả nghiêm trọng.

Lê Quang Sáng (1981), chuyên viên Phòng TN&MT, nay là Phó phòng TN&MT huyện không tổ chức hướng dẫn cho các hộ dân kê khai tài sản, đất đai thu hồi theo quy định về phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án xây dựng cầu Bến Thủy 2; không tổ chức kiểm đếm khối lượng, không mời các hộ dân đến chứng kiến việc đo đếm tài sản của các chủ sử dụng đất; lập biên bản kiểm đếm không xác nhận… trong quá trình kiểm tra không phát hiện được hồ sơ của Trần Văn Hóa, Trương Hữu Hiền là giả, không đủ điều kiện để bồi thường, gây thất thoát của Nhà nước trên 900 triệu đồng; và hồ sơ của hộ Nguyễn Thị Hồng Nhung không đủ điều kiện lập hồ sơ bồi thường.

Còn đối với ông Phan Duy Khương (1971), Chủ tịch UBND TT Xuân An, trong quá trình triển khai đền bù cho các hộ dân trên địa bàn đã không tham gia thực hiện nhiệm vụ mà chỉ ký xác nhận hồ sơ, tài liệu đã lập sẵn, không kiểm tra, đối chiếu hồ sơ do hội đồng lập với số liệu lưu trữ tại địa phương mà vẫn ký xác nhận cho các hộ không thuộc diện được đền bù mà vẫn được nhận tiền đền bù dẫn đến thất thoát tiền của Nhà nước.

Các cán bộ “nhúng chàm”: (từ trái qua) Nguyễn Văn Đức, Đậu Hữu Tuất, Lê Quang Sáng.

Đầu tháng 6- 2014, Phòng CSĐTTPVQLKT&CV- CA tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 cán bộ gồm: Nguyễn Văn Đức, Lê Quang Sáng, Đậu Hữu Tuất về 2 tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng Phan Duy Khương bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cũng liên quan đến các sai phạm trong dự án xây dựng cầu Bến Thủy 2, trước đó, CAH Nghi Xuân đã khởi tố vụ án, bị can và bắt tạm giam ông Đậu Hữu Thân (1965), nguyên Chủ tịch UBND TT Xuân An về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tiếp đó, CQĐT bắt giữ Nguyễn Văn Hóa (1975), nguyên cán bộ địa chính TT Xuân An cũng với hành vi trên.

Bài, ảnh: X.S

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP