Người đương thời

Nghi Xuân: Người thanh niên xung phong Điện Biên năm xưa

Vào một buổi sáng mùa xuân đẹp trời, tôi đã về xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) để tìm gặp người TNXP Điện Biên năm xưa – bác sỹ Nguyễn Văn Thảo. Tiếp tôi là chị Hồ Thị Dương hội trưởng hội cựu TNXP xã Cương Gián. Sau một vài phút giới thiệu, đôi mắt sáng của chị đã ánh lên một niềm vui và niềm tự hào về đồng đội của mình. Lẫn trong tiếng sóng rì rào của vùng quê miền biển, tôi vẫn nghe rành rọt lời kể của chị: Bác Thảo sinh năm 1934, Quý Tỵ vừa rồi đã ăn mừng tuổi 80 – cái tuổi “xưa nay hiếm” rồi đấy. Từ đầu năm 1953, rời lớp bình dân học vụ, bác gia nhập TNXP và hành quân lên Điện Biên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Tháng 11 năm đó, được biên chế vào C301, rồi C302 đơn vị làm đường và phá bom mìn do đồng chí Vũ Kỳ (nguyên là thư ký của Bác Hồ) làm đoàn trưởng. May mắn hơn nhiều đồng chí khác, bác được vào học một lớp cứu thương để phục vụ sơ cứu cho đồng đội của mình. Cuối năm 1954, sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, bác được đi học một lớp y tá rồi chuyển sang học y sỹ và tình nguyện ở lại phục vụ Tây Bắc 18 năm trời mà lâu nhất là ở huyện Sình Hồ (tỉnh Lai Châu). Vinh dự nhất cho bác Thảo là năm 1972 được về học ở đai học y Thái Bình. Đến năm 1977 ra trường, chuyển về làm bác sỹ ở bệnh viện Việt Nam – Ba Lan ( Nghệ An). Năm 1991 được nghi hưu, bác về quê tiếp tục làm trạm trưởng y tế xã 5 năm liền. Mấy năm nay gia nhập và sinh hoạt trong hội cựu TNXP của xã nhà, bác vẫn phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người TNXP năm xưa.

Theo chân chị Dương, chúng tôi cùng nhau đến nhà bác Thảo. Như  gặp được khách quý, bác vui mừng tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, cuộc sống còn đạm bạc, thế mà khi hội cựu TNXP phát đông xây dựng quỹ giúp hội viên nghèo vay vốn sản xuất để thoát nghèo, bác đã sẵn sàng đóng góp 2 lần với số tiền 15 triệu đồng bằng sự tiết kiệm từ đồng lương hưu hàng tháng mà không  lấy lãi .
Điều tôi tâm đắc nhất ở bác là, vẫn tiếp tục sử dụng kiến thức nghề nghiêp của mình để chữa bệnh giúp dân. Bác đã dùng cả số thuốc mà đứa con thân yêu gửi từ nước ngoài về để bồi dưỡng sức khỏe cho bố mẹ, bác đều dành dụm  chữa giúp cho những bệnh nhân nghèo mà không lấy tiền.
Dân tin bác lắm, người nào có bệnh hiểm nhèo cần đi bệnh viện tuyến trên, thường vẫn nhờ bác đưa đi, những việc như vậy bác đều từ thện cả mà không tính thiệt hơn.
Ngay như mảnh vườn hơn 500m2  kia, ngoài giờ săn sóc cháu, ông bà còn tranh thủ chăm đủ các loại rau xanh, lại trồng nhều loại cây thuốc quý, dân làng ai thiếu tìm đến nhà bác đều sẵn lòng giúp đỡ. Trong câu chuyện đón khách bác cười đôi mắt nhíu lại như khoe với chúng tôi niềm hạnh phúc của mình: “Vừa rồi tôi được bộ y tế cho gọi ra Hà Nội gặp mặt những cán bộ y tế đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên, thật xúc động và tự hào chú ạ!”.
Bác vui vẻ tâm sự: Hàng ngày muốn gặp tôi vẫn khó đấy chú ạ, vì một mình tôi thường đạp xe đi chữa bệnh cho dân, thăm bạn bè, uống chè xanh với bà con chòm xóm, trao đổi tâm tình với những người yêu thơ. Nói xong bác sỹ Thảo lấy ngay tập thơ “TÌNH QUÊ” để tặng chúng tôi. Mặc dù tuổi đã cao nhưng hồn thơ vẫn lai láng tình đời tình người, trẻ trung và dung dị lắm. Nếu nói “Thơ là sự thể hiện con người…” (Sóng Hồng) Thì thơ bác Thảo thể hiện con người của bác  cần mẫn, chăm chỉ  góp nhặt như con ong đi hút mật dâng cho đời:
Nhiều hạt nhỏ nên thành bãi cát
Cho quê hương tươi mát muôn đời…
(trích bài “Tình quê” – Nguyễn văn Thảo)
Bắt tay tạm biệt bác sỹ  Thảo, người TNXP Điện Biên năm xưa trong sự cảm phục lẫn với niềm tự hào về bác – một tấm gương sáng “Cựu TNXP làm theo lời Bác”.

Phan Đình Chí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP