Lao Động - Việc Làm

Nghề mới cho nông dân tái định cư

Sau hơn 6 tháng Hội ND Hà Tĩnh thực hiện đề án chuyển đổi nghề cho ND trên địa bàn Khu kinh tế Vũng Áng, hàng trăm hộ ND huyện Kỳ Anh đã chuyển từ trồng lúa sang chăn nuôi và có thu nhập ổn định.

Tháo gỡ 3 cái khó

Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh – Chủ tịch Hội ND Hà Tĩnh cho biết: “Mô hình chăn nuôi kết hợp biogas composite đã giải quyết 3 khó khăn cơ bản cho ND trong sản xuất nông nghiệp, đó là vốn, kỹ thuật và đầu ra. Cụ thể, hộ ND tham gia tổ hợp được Ngân hàng CSXH cho vay 30 triệu đồng, lãi suất 0,65%/tháng. Người vay phải cam kết sử dụng vốn vào 3 việc: Xây chuồng trại, làm bể biogas và mua thức ăn hoặc con giống. Các hộ còn được tập huấn kiến thức chăn nuôi, thú y, vệ sinh chuồng trại, sử dụng biogas, tư vấn miễn phí xây dựng chuồng trại; được hưởng các dịch vụ đến tận hộ với giá gốc của các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thức ăn, bioga composite, thuốc thú y… Về đầu ra, các hộ tham gia tổ hợp đáp ứng yêu cầu về số lượng lợn xuất chuồng, chất lượng thịt sẽ được các doanh nghiệp cam kết thu mua theo giá cả thị trường từng thời điểm.

Đến nay, gần 300 hộ dân tái định cư Khu kinh tế Vũng Áng đã được tư vấn xây chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi và xây dựng bể biogas composite. Mỗi hộ có diện tích từ 300-500m2 trong đó sử dụng từ 15-50m2 phục vụ cho chăn nuôi, với quy mô chăn nuôi từ 10-40 con lợn thịt và 2-4 con lợn nái. Đề án đã nhận được sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh, các chuyên gia, các doanh nghiệp như: Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Nhà máy thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc, Nhà máy Biogas Composite Hoàng Long, Công ty VIC…

Thu nhập 5 triệu đồng/tháng


Nuôi 3 tháng, gia đình tôi xuất lứa lợn đầu tiên 20 con, được 48 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 15 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Hồng

Chị Nguyễn Thị Hồng, xóm Lê Lợi, xã Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh cho biết: “Nhường đất cho Dự án FORMOSA, gia đình tôi ra sinh sống tại khu tái định cư, không có ruộng, tôi rất lo. Hội ND tỉnh triển khai đề án chuyển đổi nghề cho ND vùng tái định cư, gia đình tôi được Ngân hàng CSXH cho vay 30 triệu đồng để xây chuồng trại và một hầm biogas. Cùng với tiền tích góp, gia đình tôi mua 27 con lợn giống, trong đó có 2 con nái. Sau 3 tháng nuôi, gia đình tôi xuất lứa lợn đầu tiên 20 con, được 48 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 15 triệu đồng. Ngoài ra, tôi nấu rượu lấy bã nuôi lợn. Nuôi lợn nhàn hơn lúc làm ruộng nhiều. Vốn thì được ngân hàng cho vay lãi suất ưu đãi; giống, thức ăn, các công ty chăn nuôi cung ứng đảm bảo chất lượng; kỹ thuật chăn nuôi, cán bộ thú y hướng dẫn; đầu ra đã có doanh nghiệp”.

Cùng được hưởng các chính sách ưu tiên như chị Hồng, gia đình bà Nguyễn Thị Hà, xóm Ba Đồng, xã Kỳ Phương cho biết: “Gia đình tôi có thâm niên hơn 10 năm nuôi lợn, nhưng chăn nuôi nhỏ. Ra khu tái định cư, tôi được Hội ND bảo lãnh vay 30 triệu đồng Ngân hàng CSXH để mở rộng quy mô chăn nuôi; được hỗ trợ và tư vấn lắp bể biogas. Ngoài thu nhập ổn định từ nuôi lợn, gia đình tôi còn sử dụng thoải mái, khí đốt sinh học để nấu ăn, thắp sáng… mỗi tháng tiết kiệm khoảng 300 nghìn đồng tiền điện, tiền gas.

Bà Nguyễn Thị Nhuần – Phụ trách đề án chuyển đổi nghề cho ND vùng tái định cư Vũng Áng (Hội ND Hà Tĩnh) cho biết: Hộ nuôi 20-30 con lợn, sau 3 tháng lãi 15 triệu đồng, đó là chưa kể số tiền tiết kiệm vì không phải mua chất đốt. Các tổ hợp chăn nuôi tại xã Kỳ Liên, Kỳ Phương đã thu hút 2.563 hộ dân vùng tái định cư cho Dự án Formosa. Thành công của đề án mở ra hướng làm giàu ổn định cho ND vùng tái định cư, đồng thời bảo vệ môi trường.

Hữu Anh/DanViet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP