Giáo dục

Nghề giáo thanh cao nên buộc phải thanh đạm?

Câu chuyện nghề giáo đang mất dần người tài, người giỏi chắc hẳn vẫn đang làm nhiều người trăn trở khi điểm đầu vào các trường Sư phạm quá thấp.

Bên cạnh các lý giải về tình trạng thất nghiệp, áp lực công việc và những tiêu cực trong xin việc, “chạy biên chế”, có lẽ một lý do không nhỏ là làm giáo viên phải sống chung với cảnh “thiếu trước hụt sau”.

Nghề giáo được khoác chiếc áo quá đẹp về câu từ, bóng bẩy về ngôn ngữ, đó là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Nghề giáo cao quý thật vì đó là ngành nghề làm thầy của thiên hạ. Bao nhiêu bác sĩ, kỹ sư, chiến sĩ, doanh nhân nổi tiếng, thành đạt ngoài kia đều là thành quả “trồng người” của nhà giáo. Bao nhiêu anh lái xe, chị bán hàng hay những công nhân lao động chân tay kia cũng từng được sự dạy dỗ, dìu dắt của người thầy.

Sự nghiệp “trồng người” cao quý nên người đi “trồng người” cũng trở nên cực kỳ thanh cao trong lòng mọi người. Đã từng có thời nghề giáo được trọng vọng, phụ huynh và con trẻ một “kính thưa”, hai “dạ bẩm”. Nhưng dù thời gian có thay đổi thế nào thì câu chuyện đãi ngộ nhà giáo vẫn chưa hề có bước chuyển biến tích cực. Câu hỏi “Bao giờ nhà giáo sống được bằng lương?” vẫn là một câu hỏi ngỏ.

Gần đây, dư luận xôn xao với câu chuyện cô giáo Hoàng Kim Anh ở Cao Bằng viết đơn xin nghỉ biên chế. Bên cạnh áp lực của công việc chăm trẻ mầm non cùng cái khó trong công tác vùng xa thì lý giải của cô giáo là mức lương 4,3 triệu đồng mỗi tháng không đủ trang trải kinh tế gia đình. Cô ấy chưa thành gia lập thất, chưa gánh lấy trách nhiệm làm mẹ, bổn phận làm dâu nhưng đã chẳng thể xoay sở nổi với đồng lương ít ỏi ấy.

Đừng nhìn vào mức lương 4,3 triệu đồng mà đánh giá cô giáo Kim Anh bỏ việc uổng phí. Chừng ấy tiền chi tiêu cá nhân trong một tháng, trừ các khoản chẳng dư dả được bao nhiêu đâu. Chưa kể còn phải gánh trách nhiệm với cha mẹ, anh em ăn học… Bởi vậy, không ít giáo viên đã từng than thở trong ngậm ngùi, xót xa: Lương nhà giáo còn thua cả … người giúp việc nhà!

Cô giáo Kim Anh không phải là trường hợp cá biệt bỏ việc vì áp lực và đãi ngộ thấp. Thống kê trong thời gian qua cho thấy, chỉ riêng TPHCM, mỗi năm đã có khoảng 1000 giảo viên bỏ việc hoặc chuyển nghề. Thiết nghĩ một công việc dù áp lực đến đâu nhưng một mức lương đáng mơ ước cùng chế độ đãi ngộ hấp dẫn cũng sẽ đủ sức níu chân người tài. Nhưng khi áp lực công việc cao lại cộng hưởng với đãi ngộ thấp thì tất yếu là người giỏi “né” sư phạm!

Nghề giáo cao quý nhưng xã hội đã công bằng khi buộc người thầy phải sống trong cảnh thanh đạm? Chúng ta luôn đòi hỏi con em mình được học những người thầy ưu tú, toàn tâm toàn tài. Nhưng ai có thể chuyên tâm lo bài dạy, thăng hoa với kiến thức, kiên trì tuyệt đối với giáo dục đạo đức học sinh khi nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn đeo đẵng? Ai có thể chuyên tâm đầu tư cho chuyên môn và hăng say trồng người khi phải “cắt xén” thời gian cho việc làm thêm bên ngoài?

Mưu cầu cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy là ước mơ chính đáng của con người. Vậy thì nhà giáo mơ ước cuộc sống thoải mái bằng lương cũng là điều cần trân trọng! Xin đừng ép buộc nhà giáo thanh cao nên phải thanh đạm!

Tác giả: Thùy Mai

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: ngành sư phạm , nghề giáo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP