Tin láng giềng

Nghệ An: Ước mơ dang dở của đội viên Dự án 600 tri thức trẻ

Trên đường đi công tác, Lê Anh Sơn tranh thủ mang thuốc về cho mẹ. Khi bà Lạng chưa kịp nhận thuốc đã nhận hung tin: Sơn tử nạn trên đường đi. Cái chết đột ngột của Phó chủ tịch xã trẻ tuổi để lại bao ước mơ dang dở.

Nỗi đau của mẹ Sơn trước sự ra đi đột ngột của con.

Tai nạn thương tâm

Chúng tôi về thăm nhà Lê Anh Sơn ở xóm 2, xã Bắc Sơn (Đô Lương, Nghệ An). Di ảnh của Sơn cùng với các bằng khen, giấy khen, chiếc ba lô, mũ bảo hiểm theo Sơn rong ruổi các bản làng xã Yên Hòa (Tương Dương, Nghệ An) – nơi Sơn công tác theo đề án 600 tri thức trẻ được xếp ngay ngắn nơi gian thờ. Bà Lê Thị Lạng (SN 1963) vẫn nằm vật ra giường với ống chuyền dịch trên tay, liên tục gào gọi tên con.

Di ảnh Lê Anh Sơn - nguyên đội viên Dự án 600 tri thức trẻ công tác tại 62 huyện nghèo.
Di ảnh Lê Anh Sơn – nguyên đội viên Dự án 600 tri thức trẻ công tác tại 62 huyện nghèo.

Chiều ngày 13/11, bà Lạng nhận được điện thoại của Lê Anh Sơn thông báo, trên đường đi công tác, Sơn sẽ tranh thủ ghé qua nhà đưa thuốc cho mẹ. Bà Lạng bị lipit túi mật, u xơ tử cung nhưng chưa có điều kiện đi phẫu thuật nên Sơn dò hỏi được một bài thuốc của đồng bào dân tộc nơi mình công tác nên mang về cho mẹ.

“Thẻ bảo hiểm của chị bị lệch năm, phải gửi đi điều chỉnh. Thằng Sơn bảo hay mẹ đi mổ dịch vụ nhưng chi phí 50-60 triệu đồng biết lấy đâu ra, chị cũng không muốn thêm gánh nặng cho anh em nó nên cố gắng chịu đau. Chiều 13/11, Sơn bảo cơ quan cử về lấy xác nhận để xếp loại Đảng viên cuối năm, con ghé qua nhà đưa thuốc cho mẹ uống thử. Đến tối thì nghe hung tin…”, bà Lạng bật khóc nức nở.

Những gì còn lại của Phó Chủ tịch xã trẻ tuổi năng động, nhiều cống hiến cho sự phát triển của xã nghèo vùng cao.
Những gì còn lại của Phó Chủ tịch xã trẻ tuổi năng động, nhiều cống hiến cho sự phát triển của xã nghèo vùng cao.

Trước khi vụ tai nạn xảy ra, Lê Anh Sơn là Phó chủ tịch xã Yên Hòa (Tương Dương, Nghệ An) theo Dự án 600 tri thức trẻ làm Phó chủ tịch xã tại 62 huyện nghèo trong cả nước. Sơn lên đây công tác từ cuối năm 2012, chỉ 1 năm nữa là đề án kết thúc.

Ông Lô Thái Sinh – Bí thư Đảng ủy xã Yên Hòa cho biết: “Do yêu cầu cấp rút phải hoàn tất hồ sơ đánh giá, xếp loại Đảng viên để báo cáo lên Huyện ủy nên chiều thứ 6 (ngày 13/11), cơ quan cử đồng chí Sơn về lấy xác nhận của cơ sở để xếp loại đảng viên cuối năm. Chiều thứ 6 cơ quan cho Sơn nghỉ sớm để về cho kịp nhưng không ngờ xảy ra tai nạn giao thông dẫn đến tử vong”.

Cuộc đời bất hạnh

Bà Lê Thị Lạng đau đón trước sự ra đi đột ngột của con trai.
Bà Lê Thị Lạng đau đón trước sự ra đi đột ngột của con trai.

8 tháng tuổi Sơn bị bố đẻ bỏ rơi. Mẹ làm lụng cật lực để nuôi Sơn và ông bà ngoại già yếu, mù lòa. 7 năm sau, người em cùng mẹ khác cha của Sơn ra đời. Vất vả, cực nhọc lại đè lên đôi vai người mẹ. Thương mẹ một mình vất vả nuôi ông bà già yếu và hai đứa con thơ dại nên anh em Sơn bảo ban nhau học tập. Những tấm giấy khen của Sơn vẫn được bà Lạng gói lại trong mấy lần giấy nilong, cất cẩn thận.

Tốt nghiệp Trường ĐH Nông nghiệp loại giỏi, Sơn tình nguyện tham gia Dự án 600 tri thức trẻ. Năm 2012, Lê Anh Sơn trở thành Phó chủ tịch xã vùng cao Yên Hòa. Ngày Sơn lên nhận công tác tại xã miền núi này, gia tài mang theo chỉ là một ba lô sách vở, tài liệu liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách cùng… 1 chiếc xe đạp. Xe đạp ở vùng rừng núi này thì làm sao mà đi lại? Ông Lô Thái Sinh, lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND xã đã động viên gia đình giúp Sơn mua một chiếc xe máy để tiện đi lại, còn thiếu phần nào ông sẽ cho mượn.

Thuốc Sơn mang về chữa bệnh cho mẹ...
Thuốc Sơn mang về chữa bệnh cho mẹ…

Sau 1 tháng công tác, với 10 triệu đồng tiền thu hút và 5 triệu lương tháng đầu tiên cùng với 5 triệu đồng ông Chủ tịch xã cho mượn, Sơn mới mua được chiếc xe máy để tiện đi lại. Chiếc xe máy này đã theo Sơn rong ruổi qua các bản làng, đến với người dân ở những bản xa xôi, nghèo khó nhất. Cũng chiếc xe máy này, những lúc sắp xếp được thời gian, Sơn chạy hơn 100km về thăm mẹ.

Theo đánh giá của lãnh đạo xã Yên Hòa, Lê Anh Sơn phụ trách mảng nông – lâm – ngư của xã. Trong thời gian công tác, Sơn đã tham mưu cho Đảng ủy chính quyền, đề ra các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt là công tác phát triển nông nghiệp, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm lo xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình phát triển, góp phần trong công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Lê Anh Sơn (ngoài cùng bên trái) cùng mẹ, người dì tật nguyền và người em trai cùng mẹ khác cha.
Lê Anh Sơn (ngoài cùng bên trái) cùng mẹ, người dì tật nguyền và người em trai cùng mẹ khác cha.

Trong 3 năm công tác tại đây, Sơn được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhân dân tin yêu, đồng chí đồng đội quý mến. Bởi vậy sự ra đi đột ngột của Lê Anh Sơn khiến cán bộ, nhân dân xã Yên Hòa không khỏi thương tiếc. Ngày tiễn Sơn về đất mẹ, dù xa xôi cách trở nhưng tất cả cán bộ, đảng viên trong Đảng ủy, UBND xã Yên Hòa đã đến với Sơn.

Ước mơ dang dở

Cách đây một tháng Sơn nói vay mượn làm nhà để ra năm lấy vợ. Tuy nhiên không có tiền nên trước mắt Sơn nhờ anh em đằng ngoại đào đất đổ móng. Căn nhà rộng vẻn vẻn 36m2, mới chỉ hoàn thành việc đào đất, đổ một ít đá hộc lên thì phải dừng lại vì sự ra đi đột ngột của Lê Anh Sơn.

“Nó là đứa kín tiếng, 29 tuổi đầu, giục chuyện vợ con nó cứ lần lữa bảo lúc nào làm được căn nhà để vợ chồng có chỗ trú ngụ, để em trai có chỗ ra vào khi về thăm nhà, còn căn nhà ông bà ngoại để lại nó tính để cho mẹ ở và làm chỗ thờ tự. Hôm nó bảo làm nhà, ai cũng mừng, giục nó đưa bạn gái về giới thiệu, nó bảo hôm nào xong nhà sẽ đưa về cho mọi người bất ngờ. Nhưng giờ thì không có đám cưới nào nữa…”, ông Hoàng Văn Xuyên – bác rể của Sơn cho biết.

Căn nhà mới chỉ kịp đào hố đổ móng...
Căn nhà mới chỉ kịp đào hố đổ móng…

29 năm mẹ nhọc nhằn nuôi dưỡng, Sơn chưa một lần nhắc đến bố nhưng ai cũng hiểu trong thâm tâm của chàng trai ấy mong muốn được gặp lại người sinh thành ra mình đến nhường nào. Cay đắng thay, chỉ khi Sơn mãi mãi nằm xuống người cha ấy mới trở về, thắp cho con một nén hương… Có lẽ, đó là niềm an ủi lớn nhất của Sơn lúc bấy giờ?

Gói thuốc Sơn mang về cho mẹ vẫn ở đấy, không ai biết sử dụng nó như thế nào vì Sơn cũng chưa kịp nói. Mỗi lần nhìn gói thuốc, bà Lạng lại khóc ngất lên, gào tên con trong vô vọng. Cú sốc quá lớn khiến người mẹ này khó gượng dậy được nên vợ chồng người chị gái phải túc trực bên cạnh thường xuyên.

Bà con chòm xóm đến chia sẻ nỗi đau mất con của người mẹ.
Bà con chòm xóm đến chia sẻ nỗi đau mất con của người mẹ.

“Sơn bảo hết thời gian thực hiện dự án làm Phó chủ tịch xã sẽ cố gắng xin chuyển về gần nhà để chăm sóc mẹ. Răng con hứa với mẹ rứa mà giờ lại bỏ mẹ mà đi?”, bà Lạng nức nở.

Sơn ra đi, để lại người mẹ già rũ rượi ôm tấm di ảnh của con cùng bao nhiêu mơ ước, kế hoạch vẫn đang còn dang dở. “Sơn tử nạn trong lúc thi hành công vụ nên lãnh đạo chính quyền địa phương sẽ làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Tương Dương xem xét, đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết chế độ cho Sơn”, ông Lô Thái Sinh cho biết thêm.

Hoàng Lam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP