Giáo dục

Nghệ An: Những ông giáo về hưu làm khuyến học

Cống hiến trong ngành giáo dục suốt cả cuộc đời, đến lúc về hưu, nhiều ông giáo vẫn chưa chịu nghỉ, mà lại tiếp tục trăn trở, tìm mọi cách để để khuyến học, khuyến tài cho quê hương

Ông Quang và ông Lộc trao đổi với nhau về công tác khuyến học, khuyến tài

Tiến sĩ Toán về quê làm khuyến học

Ít ai ngờ được, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tăng Thành – Yên Thành, Nghệ An là tiến sĩ Toán học Lê Xuân Quang - người đã có hơn 30 năm cống hiến cho công tác nghiên cứu và giảng dạy ở Phân viện Toán – Viện Công nghệ thông tin – Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam và là một trong những người đặt nềm móng đầu tiên của Trường Đại học Khoa Công nghệ thông tin – Đại học Thái Nguyên.

Thế nhưng, đến lúc về hưu, ông lại giản dị, thầm lặng, lui về quê nhà và thử sức trong công tác mới: đó là làm khuyến học. “Tôi đã xã quê hương hơn 40 năm nhưng trong tâm khảm mình, quê hương, dòng họ, gia đình, anh em vẫn là nơi gắn bó sâu nặng nhất. Thế nên, sau khi về hưu, con cái trưởng thành tôi và vợ đã trở lại quê nhà, trước là để lo hương khói, sau nữa là muốn được cống hiện sức lực của mình…”, TS. Lê Xuân Quang tâm sự.

Tiến sỹ Toán – Lê Xuân Quang – về quê làm khuyến học

Bắt tay vào làm khuyến học, mới hay thật không dễ dàng gì, dù cho đó là một tiến sĩ đi nữa. Ông cũng chia sẻ, để làm được khuyến học không dễ bởi muốn thành công trước hết phải được mọi người tin tưởng. Bên cạnh đó, phải xây dựng được phong trào, phải tạo được “khí thế” để khuyến khích được sự học trong xã.

Tăng Thành vốn là địa phương có truyền thống về học hành, từng có nhiều người đỗ đạt. Trở về quê, ông tìm hiểu tình hình thực tế, phát hiện ra những vướng mắc, bất cập để làm khuyến học và đề đạt nguyện vọng tới cấp trên để được tháo gỡ. Bên cạnh đó, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các hội viên khác trong hội khuyến học để lấy ý kiến đóng góp từ thực tế. Ông chủ động đứng ra đi kêu gọi ủng hộ quỹ khuyến học cho xã và tìm đến các mạnh thường quân ở các thành phố lớn để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.

Bốn năm gắn bó với công việc khuyến học, ông khiêm tốn nói những gì mình làm được chưa nhiều, nhưng đó là cái tâm muốn cống hiến, giúp đỡ thế hệ con cháu có điều kiện vươn lên trong học tập, khích lệ sự học trong xã. Nói về thành tích, thì Tăng Thành cũng là một trong những xã đứng đầu của huyện bởi chỉ tính riêng Kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm nay đã có 23 học sinh đậu vào đại học, tron đó có 10 học sinh đạt từ 27 điểm trở lên. Toàn xã có hơn 100 học sinh đạt học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và gần 250 học sinh đạt học sinh giỏi toàn diện.

Khuyến học từ gia đình ra xã hội

Đó là ý tưởng của ông giáo Võ Văn Lộc (xóm Tây Lai, xã Phú Thành, Yên Thành - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phú Thành. Năm nay ông đã 85 tuổi nhưng vẫn miệt mài với công tác khuyến học, khuyến tài của địa phương. Vốn là cán bộ quản lý giáo dục của một huyện miền núi của Nghệ An: “Đi ra từ ngành giáo dục, nên rất hiểu được giá trị của công tác khuyến học, khuyến tài đến các cháu học sinh. Bản thân tôi nghĩ, muốn làm tốt công tác khuyến học của địa phương, trước hết phải làm tốt công tác khuyến học từ trong gia đình, nhằm xây dựng thành những hạt nhân từ đó lan rộng ra xã hội”, ông Lộc nói

Ông Võ Văn Lộc (bên phải) là người gắn bó tâm huyết với sự học nhiều năm qua

Nói là làm, từ rất lâu rồi, trong gia đình ông Lộc đều có những cách khen thưởng cn cháu có thành tích học tập tốt. Đặc biệt, cụ ông 85 tuổi ra chỉ tiêu “bất kỳ ai đỗ đại học, không kể cháu nội hay cháu ngoại đều được thưởng 1 chỉ vàng”.

Nhưng để đạt được chỉ tiêu đó, với 8 người con, gần 20 người cháu, chương trình “chỉ vàng khuyến học” khiến vợ chồng cựu giáo chức “thâm hụt ngân sách trầm trọng”, nhưng gia đình tôi lại phấn khởi, ông Lộc chia sẻ ”. Các “chỉ vàng khuyến học” được trao tặng các cháu ngay trước thời điểm nhập trường với điều kiện… không được bán. Đó là nguyên tắc và yêu cầu của ông để các cháu phải luôn giữ bên mình, để thấy được gia đình, dòng họ đã kỳ vọng vào các cháu như thế nào mà rèn luyện, học tập.

Giờ đây, các con, các cháu của ông đều học hành đỗ đạt, hiện gia đình ông có 2 tiến sỹ, nhiều người công tác và giữ vị trí chủ chốt trong cơ quan, doanh nghiệp… và quay trở về chung tay cùng với ông để đi đầu trong công tác khuyến học địa phương.

Ông Lộc cũng là tác giả của mô hình “Tiếng kẻng học bài của 3 cụm dân cư Tiên Bồng, Tường Lai, Thanh Đạt (xã Phú Thành). 19h tối hàng ngày, tiếng kẻng học bài vang lên, các cháu học sinh đã thành thói quen, tự giác ngồi vào bàn học. Còn ông Lộc cần mẫn đến từng nhà để trực tiếp kiểm tra. “Phải kiểm tra xem các cơ sở có hoạt động thực chất không, các cháu có nghiêm túc học bài hay không? Tiếng kẻng không phải là tiếng động phát ra từ một vật vô tri mà đây là tiếng lòng thúc giục, là tiếng nói trách nhiệm của gia đình, của xã hội đối với việc học tập của con em mình”, ông Lộc tâm sự…

Bên cạnh đó, vào dịp hè, các xóm của xã Phú Thành đều thành lập Ban chỉ đạo hè, huy động lực lượng cán bộ xóm, phụ huynh, sinh viên về giúp các em học sinh củng cố kiến thức. Nhờ vậy, sau thời gian nghỉ hè, các cháu bước vào năm học mới mà không bị quên kiến thức cũ. Năm nay, toàn xã có 4 em đạt 27 điểm xét tuyển đại học trở lên, 3 em đạt từ 25-27 điểm

Ông Hoàng Danh Vực – Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Yên Thành, Nghệ An cho biết: Ông Võ Văn Lộc là một người cực kỳ tâm huyết, say sưa và có nhiều cách làm sáng tạo trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở địa phương. Trước đó, với kinh nghiệm nhiều năm làm giáo viên, ông Nguyễn Văn Lộc có gần 10 năm mở lớp dạy học miễn phí các môn Toán, Lý, Hóa dạy cho con em trong xã. Những người như cụ quả thật đã tạo động lực lớn cho sự học của quê hương.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP