Teen

Nghệ An: Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ 20 tuổi

20 tuổi, Vi Thị Mận trở thành Chủ tịch Hội LHPN xã trẻ nhất huyện miền núi Tương Dương, có lẽ là trẻ nhất tỉnh Nghệ An. 7 năm trong vai trò “thủ lĩnh” của chị em phụ nữ, Mận luôn đau đáu làm sao để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hội viên.

hatinh24h
27 tuổi, Vi Thị Mận đã có 7 năm làm Chủ tịch Hội LHPN xã miền núi Hữu Khuông (Tương Dương, Nghệ An).

Vi Thị Mận (SN 1988), có thâm niên 7 năm làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hữu Khuông (Tương Dương, Nghệ An). “Hữu Khuông là xã đặc thù, nằm sâu trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, đời sống người dân hết sức khó khăn, dân trí cũng thấp. Hồi đó cả xã chỉ có mỗi mình em là học hết chương trình THPT nên cấp ủy, chính quyền địa phương và Huyện hội “đặc cách” bổ nhiệm luôn”, Mận lí giải.

Vừa rời ghế nhà trường, chưa biết gì về hôn nhân, gia đình, Mận đi làm Chủ tịch Hội phụ nữ. “Phải đi đến lần thứ 5 em mới không còn đỏ mặt với những thắc mắc của hội viên về các vấn đề như sức khỏe sinh sản, quan hệ vợ chồng hay cách tránh thai an toàn. Bởi vậy “hạ quyết tâm” nhanh lấy chồng để có kiến thức thực tiễn”, Mận cười.

Cũng phải hơn một năm sau cái “kế hoạch” của Mận mới trở thành hiện thực. Cùng với đó là những kiến thức được trang bị tốt hơn nhờ tự học hỏi, tìm tòi và tham dự các buổi tập huấn của Hội cấp trên, Vi Thị Mận trở thành người nhà của rất nhiều phụ nữ trong xã. Từ việc nuôi con như thế nào, cách phòng tránh thai, cách phòng, chữa các bệnh phụ nữ cho đến những khúc mắc trong đời sống hôn nhân, các hội viên đều mạnh dạn tìm đến cán bộ Mận. Nếu hội viên không đến được thì Mận sẽ tìm đến họ.

Làm thế nào để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên ở nơi 4 không như Hữu Khuông là trăn trở của cô Chủ tịch Hội trẻ tuổi.
Làm thế nào để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên ở nơi “4 không” như Hữu Khuông là trăn trở của cô Chủ tịch Hội trẻ tuổi.

Hữu Khuông là địa bàn “4 không”: không điện, không đường, không sóng điện thoại, không chợ, bởi vậy đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn. Xã có 7 bản thì chỉ có 2 bản đã có sóng điện thoại, đường sá có thể chạy được xe máy. 5 bản còn lại, cán bộ muốn xuống địa bàn phải lội bộ, có khi cả ngày đường mới đến nơi. 2 năm trước, nhờ làm tốt công tác vận động, ký cam kết nên tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Hữu Khuông rất thấp. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, tình trạng sinh con thứ 3, thứ 4 có xu hướng tăng nhanh trở lại. Đây là thách thức không nhỏ đối với cán bộ Hội phụ nữ từ bản đến xã.

Hội viên Hội LHPN xã Hữu Khuông đa phần là đồng bào Khơ-mú, Thái, trình độ hạn chế, nhiều phong tục tập quán vẫn hằn sâu trong nếp sinh hoạt, suy nghĩ. Bởi vậy, phổ biến kiến thức về sinh đẻ có kế hoạch và nuôi con khỏe, dạy con ngoan… là cả một kỳ công của cán bộ Hội và các tổ chức chính trị, xã hội.

Vất vả là vậy nhưng Mận không muốn nói về mình mà chỉ nói về những khó khăn của các cán bộ chi hội, của cán bộ cấp dưới. “Địa bàn đặc thù nên chị em cán bộ hội vất vả lắm trong khi đó thì chế độ không được bao nhiêu. Như Phó chủ tịch Hội LHPN xã mỗi tháng cũng chỉ được hỗ trợ hơn 1 triệu đồng, các chi hội trưởng chỉ được hơn 300 nghìn đồng mỗi tháng, chỉ kinh phí đến ủy ban họp thôi cũng đã “âm” cả số tiền hỗ trợ rồi. Chị em làm việc chủ yếu bằng lòng nhiệt tình, bằng sự chịu khó và chia sẻ với nhau thôi. Sắp tới nghe bảo chế độ ưu đãi đặc thù theo Nghị định 116/NĐ-CP dành cho cán bộ miền núi cũng bị cắt, nghĩa là các chế độ ưu đãi của cán bộ Hội cũng bị cắt gần 1 nửa, chắc chắn hoạt động của Hội cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, Vi Thị Mận tâm sự.

Kha Thị Chôm - một trong những Chủ tịch Hội LHPN trẻ nhất huyện Tương Dương.
Kha Thị Chôm – một trong những Chủ tịch Hội LHPN trẻ nhất huyện Tương Dương.

Kha Thị Chôm (SN 1987) là Chủ tịch Hội LHPN xã Lượng Minh (Tương Dương, Nghệ An). Chôm là Chủ tịch Hội mới nhất, vừa đảm trách nhiệm vụ được 3 tháng. Trước đó, Chôm là cán bộ văn phòng Đảng ủy xã. Sau kỳ Đại hội Đảng bộ xã, do được tín nhiệm và có năng lực, Chôm được bầu giữ chức Chủ tịch Hội LHPN xã

Đã có một thời gian khá lâu làm cán bộ xã, lại có trình độ nên công việc mới đối với Chôm không phải là nhiệm vụ quá khó khăn. Tuy nhiên, địa bàn đặc thù cũng khiến Chôm và các cán bộ phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn của mình.

Một trong những nhiệm vụ của Hội liên hiệp phụ nữ xã là quản lý nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội dành cho hội viên. “Nhiều hội viên chưa nhận thức được đầy đủ về chính sách vay vốn phát triển kinh tế. Bởi vậy, số tiền vay từ ngân hàng thông qua Hội không được sử dụng đúng mục đích. Có hộ cầm tiền về không mua bò giống, trồng rừng như cam kết ban đầu mà để mua xe máy, mua ti vi…”, Kha Thị Chôm cho hay.

Phụ nữ bản Xốp Cháo (xã Lượng Minh, Tương Dương) gùi lúa về nhà.
Phụ nữ bản Xốp Cháo (xã Lượng Minh, Tương Dương) gùi lúa về nhà.

Muốn hội viên hiểu và làm theo, cách tốt nhất là phải tự mình phát triển mô hình kinh tế. Đó là nguồn kiến thức thực tiễn hay hơn vạn lời vận động mang tính giáo điều. Cùng với sự hỗ trợ của chồng, hiện Chôm đã có đàn bò 30 con và đang lên kế hoạch phát triển kinh tế trồng rừng.

“Ngoài việc quản lý nguồn vốn vay, Hội còn có nhiệm vụ vận động, thu hồi các khoản vay đã đến hạn trả của hội viên. Trong khi đó, các hội viên sinh sống phân tán ở các bản xa. Nhiều lần tranh thủ hai ngày nghỉ cuối tuần (hiện Chôm đang tham dự lớp trung cấp chính trị được tổ chức ở Tp Vinh – PV) em và các cán bộ vào tận bản để vận động. Khổ nỗi, đồng bào Khơ-mú, đồng bào Thái sau khi sinh con thì cha mẹ được gọi theo tên của con đầu lòng, nên nhiều khi căn cứ vào tên trong hồ sơ vay vốn thì tìm không ra. Loay hoay cả ngày, có khi vào vào tận rẫy mới gặp được người cần gặp”, Chôm cho biết.

Phong tục tập quán sinh hoạt, trình độ của các hội viên hạn chế là những thách thức không nhỏ trong công tác hội ở các xã vùng cao, vùng xa.
Phong tục tập quán sinh hoạt, trình độ của các hội viên hạn chế là những thách thức không nhỏ trong công tác hội ở các xã vùng cao, vùng xa.

Hỏi về những khó khăn, cả Chôm và Mận đều ồ lên, bảo khó khăn thì nhiều lắm, kể cả ngày cũng không hết đâu. “Được các cấp ủy Đảng và Huyện hội quan tâm, động viên, khích lệ, được các hội viên tin tưởng, lại được gia đình, đặc biệt là chồng thấu hiểu và tạo điều kiện thì khó khăn mấy cũng vượt qua được hết. Chúng em chỉ mong làm sao các hội viên từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần để góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bản làng ấm no, từng bước rút ngắn khoảng cách về đời sống xã hội với đồng bào miền xuôi”, Vi Thị Mận tâm sự.

Hoàng Lam / theo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP