Địa Chí Hà Tĩnh

Ngàn năm sông Phủ – núi Nài

Không phải bỗng nhiên mà xã Đại Nài vẫn được giữ nguyên tên gọi khi chuyển từ xã thành phường, sự tồn tại đó bắt nguồn từ truyền thống văn hóa của vùng đất này. Tên gọi ấy đã gắn bó với nhiều sự kiện văn hóa, lịch sử trong chiều dài phát triển của mình như núi Nài, sông Phủ, chùa Cảm Sơn, trạm ra đa, trận đầu thắng Mỹ… Tất cả đều khiến người ta mỗi lần nhắc đến đều không thể quên tên gọi bình dị mà thân thương – Đại Nài.

Mặc cho những ầm ào xe cộ, bụi đất mù mịt trên những công trường đang xây dựng, tôi vẫn có một cảm giác thật bình yên khi đến Đại Nài. Dường như với mọi người dù là du khách hay dân bản địa, núi Nài vẫn luôn luôn là một biểu tượng đẹp và là nơi tạo ra đồng thời lưu giữ những trầm tích văn hóa của vùng đất này. Núi Nài cao chỉ khoảng vài chục mét, trông xa giống như một hòn non bộ nhưng cảnh sắc thiên nhiên lại rất đẹp và là cảm hứng cho nhiều nhà thơ, nhà văn sáng tác. Phía tây núi có miếu nhỏ Cảm lĩnh thờ sơn linh, phía tây nam có chùa Cảm Sơn được lập nên từ thời Lê để nhân dân thờ Phật và từng được người xưa đánh giá là một trong “tỉnh thành bát cảnh”. Và như thể đứng ngoài những huyên náo dưới chân núi Nài, ngày nay chùa Cảm Sơn vẫn thật tĩnh lặng nơi lưng chừng núi. Chính từ trong sự tĩnh lặng đó, người ta có thể để tâm hồn mình trôi về quá khứ để nhớ lại những nét văn hóa truyền thống từ xa xưa…


Chiều nay trong không gian tĩnh mịch, u hoài trên chùa Cảm Sơn tôi bỗng nghe như dội về từ đâu đó trong âm u những con gió tiếng đàn, tiếng phách, tiếng chầu tom chát và thanh âm cổ xưa của điệu hát ca trù. Tôi chợt nhận ra rằng dù vật thể không lưu lại dấu tích một thời của cụ Nguyễn Công Trứ thì tất cả vẫn còn vẹn nguyên trong từng mạch đất, ngọn gió, trong sự giao cảm của lòng người… Chùa Cảm Sơn vốn là nơi Nguyễn Công Trứ thường lưu lại mỗi lần ra Bắc vào Nam khi còn làm quan và là nơi cụ chọn để dung dưỡng tinh thần sau khi nghỉ hưu ngày ngày gặp gỡ đàm đạo thơ phú với văn nhân tài tử. Chính nhờ đó mà núi Nài – sông Phủ có thêm một nét văn hóa rất đặc sắc với những gánh hát nổi tiếng một thời ngày ngày ngao du trên dòng sông Phủ dập dìu đàn phách. Cũng trong những ngày sống ở đây, ông cụ 73 tuổi ấy đã cưới một nàng hầu là đào nương phường hát Như Sơn và đến nay ở Đại Nài vẫn còn một số cháu chắt họ Nguyễn Công tài hoa sinh sống trên vùng đất này. Núi Nài còn là nơi cư trú của người tiền sử, là đồn binh trong các trận chiến lịch sử.


Cách đây 45 năm, nhân dân Hà Tĩnh cũng đã được chứng kiến trận đầu thắng mỹ oanh liệt ở đây (26/3/1965). Nhà thơ Lưu Trọng Lư đã có những vần thơ rất thơ mộng về vùng đất này: “Lối đi phẳng dấu đạn cày/ Hố bom thành giếng đã đầy nước mưa/cá nuôi tăm gợn mép bờ/ Mùa thu vừa gọn, rạ vừa đưa hương/ Nữ quân súng gác bên đường/ Con bò gặm cỏ dưới trăng xạc xào”. “Nữ quân” mà nhà thơ nhắc đến chính là đội nữ dân quân của Đại Nài với 10 cô gái anh dũng. Tiểu đội trưởng Lê Thị Yên hiện nay đang sống cùng con cháu dưới chân núi Nài. Trong ký ức chiến tranh của bà vẫn còn ngồn ngộn những sự kiện và vẫn vẹn nguyên cảm xúc sung sướng hạnh phúc sau mấy lần được gặp Bác Hồ. Về trận đầu thắng Mỹ, bà kể: “khoảng13 giờ ngày 26-3-1965 từ trạm Rađa và các đài quan sát dọc bờ biển cùng lúc điện về sở chỉ huy thông báo: trên biển đã xuất hiện nhiều tốp máy bay hướng vào đất liền Hà Tĩnh. 13giờ 15’, nhiều máy bay Mỹ chia thành nhiều tốp từ hướng Tây lao xuống bắn phá núi Nài và khu vực xung quanh trong hai đợt, mỗi đợt kéo dài 20 phút. Chúng đã ném xuống vùng này hàng trăm quả bom, bắn hàng nghìn quả rốc két và đạn 20 ly. Mặt đất, bầu trời Thị xã rung chuyển và náo động. Cùng với tỉnh, quân dân Thị xã Hà tĩnh và Đại Nài với thế trận sẵn sàng đã chủ động, bình tĩnh bước vào cuộc chiến đấu. Đến 15 giờ 55’ trận đánh kết thúc, sau hơn 2 giờ 40 phút chiến đấu quân dân Thị xã Hà Tĩnh đã bắn rơi 12 máy bay Mỹ, làm nên chiến thắng đầu tiên có ý nghĩa về chính trị, quân sự đối với quân dân Hà Tĩnh”.


Trò chuyện cùng tôi về truyền thống văn hóa vùng đất Đại Nài trong buổi chiều cuối xuân hun hún gió, ông Lê Văn Bình – Phó Chủ tịch phường như đã trút bỏ hết những bận rộn, tất bật trong công việc thường nhật và trở nên trầm tư hơn, đằm sâu hơn. Ông là một người được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, được chứng kiến những biến đổi của đời sống xã hội, giờ lại làm công tác lãnh đạo chính quyền địa phương nên biết rất rõ những đổi thay ấy. Ông nhớ lại những năm đánh Mỹ, nhân dân Đại Nài với khí phách anh dũng hiên ngang đã lên đường đánh giặc là không có chuyện đào ngũ trở về. Còn bà con trong vùng thì rất lạc quan, mặc cho mưa bom, đạn dội, ngày ngày họ vẫn cất cao tiếng hát. Các đội văn nghệ của các thôn xóm đã hát vang những bài ca ra trận động viên tinh thần chống Mỹ cho bà con. Nhờ tinh thần lạc quan và khí phách ấy mà Đại Nài là nơi làm nên sự kiện lịch sử lẫy lừng với trận đầu thắng Mỹ oanh liệt.


Cùng với núi Nài, sông Phủ cũng là một niềm tự hào của người Đại Nài. Sông bắt nguồn từ hệ thống sông Rào Cái, được coi là con sông đẹp với làn nước trong xanh, uốn khúc lượn lờ, hai bên bờ sông cây cối phủ mát, dưới sông thuyền bè đi lại tấp nập. Thơ xưa đã viết về sông Phủ như thế này: “Nhiều khúc quanh co sông hiểm thế/ Lòng người nào phải hiểm như sông”. Đúng vậy, người dân Đại Nài bao đời nay sống dung dị, hiền hòa với ý thức cùng nhau xây dựng đời sống tiến bộ. Sông Phủ rất thuận tiện cho giao thông đường thủy, thuyền bè ngược xuôi nối liền với các huyện trong tỉnh, từ đây có thể qua Cẩm Xuyên vào tận cửa khẩu Kỳ Anh, ngược ra Cửa Sót, qua Nghèn nhập vào sông La lên miền Chu Lễ, Phố Châu… Vắt qua sông Phủ có cầu dài khoảng 79m, nhân dân quen gọi là cầu Phủ. Trong chiến tranh chống Mỹ, cầu Phủ là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt suốt 4 năm hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến. Ngày nay tuy không còn cảnh trên bến dưới thuyền như xưa nữa nhưng sông Phủ vẫn là một nét vẽ mềm mại, thơ mộng cho thành phố và đêm đêm những ánh đèn điện hắt xuống dòng sông những dải ánh sáng lung linh, huyền ảo, khiến sông Phủ vẫn thật quyến rũ…


Núi Nài, Sông Phủ với với vẻ đẹp thiên nhiên và những trầm tích văn hóa trong đó đã là nguồn cảm hứng văn, thơ, nhạc cho biết bao nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, trong đó người dân Đại Nài luôn luôn tự hào về các tác giả Cẩm Lai, Văn Linh, Hồ Tôn Trinh… Nhờ những tác giả đó mà Đại Nài đã đi vào văn thơ một cách chân thật và dung dị.

Ngàn năm sông Phủ – núi Nài

Nghĩa trang liệt sỹ núi Nài – nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

Kế thừa truyền thống vẻ vang ấy, ngày nay chính quyền và nhân dân phường Đại Nài đang cùng nhau ra sức xây dựng đời sống văn hóa. Với may mắn có rất nhiều trường học quan trọng của tỉnh đóng trên địa bàn, có nghĩa trang liệt sỹ với gần 1000 ngoi mộ, Đại Nài thuận lợi hơn trong việc giáo dục và phát huy truyền thống hiếu học , yêu Tổ quốc của mình. Các khối phố và các dòng họ ở phường đều có hội khuyến học, hàng năm tỷ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng đều rất cao. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT phát triển mạnh với100% khối phố có đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền, đặc biệt phường đã phát động phong trào sáng tác ca khúc ca ngợi truyền thống vẻ vang và sự phát triển của Đại Nài. Cả 2 trường tiểu học và THCS đều đạt danh hiệu văn hóa cấp tỉnh và trường chuẩn quốc gia. Hiện nay, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đang phát triển khá mạnh mẽ, phong trào xây dựng gia đình văn hóa cũng tạo nên những hiệu ứng xã hội tốt với 76% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Vào các ngày lễ lớn phường đều tổ chức thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ. Đầu xuân hàng năm bà con nhân dân đều tổ chức mừng thọ cho các cụ cao niên và hưởng ứng tốt Tết trồng cây cũng như những hoạt động TDTT phường phát động…


Đại Nài đã và đang phát triển và đổi thay từng ngày, nhưng dù hình dáng bên ngoài có đổi thay nhiều đến mấy, tôi biết trong lòng những người con Đại Nài vẫn luôn ghi nhớ về truyền thống vẻ vang, đẹp đẽ của mảnh đất mình đang sống. Để soi mình vào đó và cùng nhau xây dựng một cuộc sống mới hiện đại, văn minh nhưng vẫn mang đậm văn hóa núi Nài – sông Phủ.


Anh Hoài

baohatinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP