Trong nước

Ngăn chặn các con đường vận chuyển ma túy vào Việt Nam

Là người đăng đàn đầu tiên sáng 4/6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã thẳng thắn trả lời những vấn đề nóng như tội phạm ma túy, tín dụng đen, xâm phạm trẻ em, tai nạn giao thông…

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chặn nguồn cung, giảm nguồn cầu ma túy

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) chất vấn: “Thời gian qua xảy ra nhiều thảm án liên quan tới sử dụng ma túy, hay vụ giết người đổ bê tông ở Bình Dương. Trách nhiệm của lực lượng chức năng như thế nào, giải pháp giải quyết sắp tới?".

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) bày tỏ lo ngại: “Mới 5 tháng đầu năm đã triệt phá hơn 900 nhóm tội phạm, giảm không nhiều so với 2018. Đâu là giải pháp?".

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) và Trương Thị Yến Linh chất vấn: “Theo báo cáo, lượng ma túy thu từ các vụ án tăng kỷ lục, nóng nhất từ trước đến nay, trách nhiệm của ngành công an trong việc phòng chống, tố giác tội phạm như thế nào? Tội phạm ma túy bây giờ buôn bán đơn vị tấn, ma túy đã len lỏi từ thành thị đến nông thôn, xin hỏi Bộ trưởng là trách nhiệm của Bộ ở đâu, giải pháp nào để phòng ngừa hiệu quả?".

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) chất vấn: “Phải chăng chúng ta chưa đánh ma túy mạnh như một số nước trong khu vực nên tội phạm ma túy chạy sang Việt Nam? Việc kiểm soát ma túy tại các cửa khẩu hiện nay như thế nào?

Theo gợi ý của Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm đã trả lời theo nhóm vấn đề mà không trả lời theo câu hỏi của từng đại biểu.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, công tác phòng, chống ma túy được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, từ chỉ thị của Bộ Chính trị, luật của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ triển khai nhiều chương trình, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống ma tuý. Các bộ, ngành cũng ban hành nhiều chương trình, giải pháp, đặc biệt là công tác phối hợp quốc tế.

Điều đó cho thấy sự quyết liệt, đồng bộ trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Lực lượng công an cũng đã dự báo trước được tình hình này. Kết quả công tác đấu tranh vừa qua, như đại biểu đã nêu, có những vụ án phát hiện với đơn vị hàng tấn.

Việt Nam ở gần trung tâm sản xuất ma túy là khu vực "tam giác vàng". Tình hình ma túy cũng phức tạp, bởi có những quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa ma túy. Rất may là các nước ASEAN đồng thuận trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, không chấp nhận hợp pháp hoá ma túy.

Năm 2018, lực lượng công an đã triển khai các biện pháp mạnh, ngăn chặn các con đường vận chuyển ma túy vào trong nước, chủ yếu là qua Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La và một số tỉnh, thành phố khác. Qua công tác đấu tranh trong nước và hợp tác quốc tế, chúng ta đã phát hiện ra các đường dây ma túy xuyên quốc gia như từ Myanmar, Lào…

Nhận định về tình hình buôn bán, vận chuyển ma túy thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, dự báo diễn biến vẫn rất phức tạp bởi Việt Nam ở gần trung tâm sản xuất ma túy lớn thứ 2 trên thế giới. Ở trong nước thì số người nghiện có xu hướng tăng lên.

Về giải pháp, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, tiếp tục thể hiện quan điểm nhất quán và mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Lực lượng công an tăng cường đấu tranh, tuyên chiến với tội phạm ma túy. Các lực lượng, các ngành phải phối hợp với nhau tốt hơn.

Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Vì sao có nhiều vụ xâm hại trẻ em?

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) chất vấn: “Thời gian qua, tình trạng mua bán người diễn ra rất phức tạp, trong đó đó có phụ nữ, trẻ em ở các thành phố lớn. Đề nghị Bộ trưởng cho biết đã giải cứu các nạn nhân còn lại? Cơ quan nào chịu trách nhiệm nếu không giải cứu được? Giải pháp của Bộ để phát hiện, xử lý tình trạng này?".

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, việc xử lý các vụ án xâm phạm trẻ em vẫn còn chưa nghiêm, chưa kịp thời. Nguyên nhân là do áp lực sợ bị oan sai, hay do hạn chế về nghiệp vụ. Giải pháp khắc phục tình trạng trên?

Còn đại biểu Nguyễn Thị Thúy (Bắc Kạn) chất vấn: “Thời gian qua có nhiều vụ xâm hại trẻ em gây bức xúc dư luận, Bộ trưởng cho biết thực tế tình hình tội phạm có tăng hay không? Hay do công an và các lực lượng chức năng vào cuộc mạnh, cũng như báo chí thông tin nhiều nên mới thấy tăng?".

Đối với công tác đấu tranh, phát hiện, xử lý loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thời gian qua, công tác phối hợp liên ngành được thực hiện tốt, do đó các lực lượng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, tạo ra lòng tin của nhân dân. Người dân mạnh dạn tố cáo, lên án loại tội phạm này. Do đó, việc phát hiện số lượng các vụ việc có tăng lên.

Chênh lệch số liệu thống kê về số người tử vong do TNGT

Đại biểu Phạm Văn Hòa tiếp tục tranh luận cho rằng giải trình về số lượng người chết do tai nạn giao thông không thuyết phục. Bộ Công an thống kê 8.900 người chết, trong khi Bộ Y tế xác định 15.000 người chết. Bộ Công an có thể điều chỉnh lại cách thống kê số lượng người chết tại hiện trường hay không?

Trả lời vấn đề chênh lệch nhau về số liệu thống kê TNGT giữa các ngành, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, số liệu của công an ghi nhận tử vong tại hiện trường vụ tai nạn, số liệu của ngành y tế ghi nhận nạn nhân tử vong do TNGT khi đến bệnh viện và tử vong sau đó.

Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp góp ý: Tử vong ở bệnh viện do TNGT thì cũng phải thống kê là chết do TNGT.

Tác giả: Lê Sơn

Nguồn tin: Báo Chính phủ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP