Du lịch

Ngắm Nhà thờ trái tim nghiêng mình trên biển

Nằm ở thôn Xương Điền thuộc xã ven biển Hải Lý, huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định), nhà thờ Trái Tim dù đã bị đổ nghiêng và bỏ hoang từ những năm 90 của thế kỷ trước do bị biển xâm thực, nhưng điều kỳ diệu là không hề hoang phế mà vẫn là một điểm đến ưa thích của khách du lịch gần xa.

Chúng tôi đến thăm nhà thờ đổ Hải Lý vào một ngày mùa đông nắng ấm, hết sức xúc động trước hình ảnh thánh đường của giáo xứ Xương Điền uy nghi một thời giờ đổ nghiêng trên bãi biển, màu gạch đỏ au rực lên như trơ gan cùng tuế nguyệt, thách thức thời gian.

Bất ngờ và xúc động hơn nữa là “nạn nhân” bị biển xâm thực không hề vắng vẻ, hoang phế mà vẫn vui tươi, tấp nập từng đoàn khách đến thăm thú, ngắm cảnh, chụp hình.

Phế tích Nhà thờ trái tim vẫn gây ấn tượng bởi vẻ đẹp kiến trúc độc đáo

Nhà thờ đổ Hải Lý vốn là nhà thờ thánh Maria Madalena, được xây dựng năm 1943 do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Người kiến trúc sư tài hoa đã dồn hết tâm huyết để thiết kế công trình rất công phu, đẹp mắt và bền vững với những cửa vòm mềm mại, những cột trụ cao đỡ lấy toàn bộ kiến trúc.

Hiện trên từng bức tường của phế tích vẫn còn nguyên vẹn những đường nét hoa văn được khắc họa tỉ mỉ thể hiện lòng tín ngưỡng tôn giáo cũng như mong muốn về cuộc sống tươi đẹp hơn. Qua từng đường nét hoa văn, có thể hình dung ra sự uy nghi của thánh đường một thời vàng son – nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của bà con giáo xứ Xương Điền và các vùng lân cận.

Một số họa tiết cực kỳ tinh xảo trên tường nhà thờ đổ

Vào năm 1996, biển xâm thực vào đất liền dài hơn 1km, khiến ngôi làng dọc bãi biển Xương Điền bị nuốt chửng, một số công trình kiến trúc lớn như nhà thờ bị sóng đánh đổ, rất may mắn một phần của lịch sử nhà thờ thánh Maria Madalena vẫn còn đó, dù bị đổ nghiêng. Nhưng cũng chính thảm họa thiên nhiên đó lại hình thành một kiệt tác nghệ thuật mang tên “nhà thờ đổ”.

Hiện bên trong nhà thờ đã bị phá đổ hoàn toàn, chỉ còn lại khung xương bên ngoài và nền móng hòa lẫn với cát biển. Theo năm tháng, sóng, gió của biển đã và đang phá hủy, bào mòn những công trình này. Các họa tiết, kiến trúc bên trong nhà thờ đã bị phai mòn. Khung nhà thờ dần phơi màu gạch đỏ gần trăm năm tuổi “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Dọc bờ biển Hải Lý còn nhiều phế tích nhà thờ đổ khác - dấu tích còn sót lại của nạn biển xâm thực tạo nên khung cảnh đẹp như tranh

Các bức tượng của nhà thờ hầu như đã bị vỡ nát. Nhiều mảng đổ sập xuống nằm sâu dưới cát biển hoặc đã bị sóng cuốn, cát vùi. Cây cỏ, rêu phong mọc đầy trên những bức tường của nhà thờ. Những dấu tích nay trơ trọi như những ốc đảo, trước sự bao quanh của nước biển.

Mỗi khi thủy triều lên thì nhà thờ đổ bị ngập nước khoảng 1m. Khi thủy triều rút lại trả lại vẻ đẹp điêu tàn và vắng vẻ, cổ kính của nhà thờ. Nơi đây là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách, nhiếp ảnh gia ưa trải nghiệm, khám phá. Đây cũng là điểm tựa của ngư dân- chứng kiến những cuộc ra khơi và đoàn thuyền về no ấm tôm cá đầy khoang của ngư dân, chứng kiến những hoạt động của tự nhiên xoay vòng mỗi ngày.

Cảnh ngư dân lao động trong nắng sớm nhọc nhằn mà nên thơ

Đến tham quan ngôi nhà thờ đổ, du khách còn được ngắm nhìn cảnh sinh hoạt thường ngày nhọc nhằn mà không kém phần thi vị của những ngư dân vùng biển: cảnh đánh cá, quăng chài kéo lưới, cảnh thuyền về sớm mai và chợ cá dã chiến của ngư dân hình thành mỗi sớm mai ngay cạnh chân nhà thờ đổ.

Cách nhà thờ đổ khoảng 1km là cánh đồng muối của thôn Văn Lý (xã Hải Lý), du khách sẽ được trải nghiệm công cuộc làm muối thủ công của diêm dân nơi đây. Cuộc sống của người dân ven biển đất Thành Nam vất vả, nhọc nhằn là vậy nhưng cũng đầy lãng mạn và kiêu hãnh với những con đường quê rực rỡ sắc hoa mười giờ lung linh trong nắng…

Tác giả: Thành Nam

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP