Pháp luật

Ngã rẽ từ chuyến xe... định mệnh


Nghe tin bố ốm, Giàng Thị Là, SN 1977, trú tại Mường Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa, vội bắt xe về. Chuyến xe ấy, Là đã nhận lời người lạ cầm một bọc hàng và được họ hứa sẽ trả thêm tiền nếu cô làm tốt. Người phụ nữ hơn 40 tuổi không ngờ đó là chuyến xe định mệnh đưa cuộc đời cô sang một ngã rẽ khác...

Thi hành bản án 7 năm tù về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy ở trại giam số 5, Bộ Công an, phạm nhân Giàng Thị Là bảo rằng, không nghĩ cuộc đời mình lại tăm tối đến thế.

... Vì thiếu hiểu biết pháp luật?

SN 1977, thời kỳ mà bất cứ người phụ nữ cũng được cho là nhan sắc vào độ đằm nhất thì Giàng Thị Là lại quắt queo, đen đúa như một cành cây khô không sức sống. Cuộc sống đói nghèo, vất vả, đến ăn còn đứt bữa thì 6 lần sinh nở đã vắt kiệt sức lực của Là, khiến chị ta mới ngoài 40 tuổi mà trông già đáu như một bà lão.

Là là người dân tộc Mông và họ vẫn chưa bỏ được tập quán du canh du cư, thế nên có ở đâu lâu cũng chỉ được vài năm. Gia đình Là cũng không nằm ngoài tập quán ấy. Là lấy chồng, cũng là người Mông ở huyện Than Uyên, Lai Châu nhưng chỉ ở đây khoảng 2 năm thì cả gia đình chồng Là kéo nhau về Mường Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa.

Chị gái Là vẫn sống ở Than Uyên, Lai Châu, người anh cả thì ở lại Lào Cai còn 2 người em thì dắt vợ con vào tận ĐăkLăk sinh sống. Mỗi năm, nếu người trong Nam không ra thì người ở ngoài này vào, cứ cắp rượu, cắp ô đi đến nhà họ hàng hết tháng Tết thì quay về. Đấy là đàn ông mới được may mắn ấy chứ đàn bà như Là, từ ngày lấy chồng chỉ biết lên nương, cuốc rẫy, sinh con và xó bếp là hết, có lúc nào ngẩng mặt để xem dung nhan mình ra sao đâu mà đòi đi chơi họ hàng. Quanh năm chỉ quanh quẩn việc nhà, không lúc nào ngơi chân ngơi tay, nên từ ngày lấy chồng mới có một chuyến đi xa dù là về thăm nhà như lời Giàng Thị Là kể, cũng là điều dễ hiểu.

Gia đình Giàng Thị Là có 6 anh chị em, nhưng vì cuộc sống cứ vài năm lại chuyển chỗ ở nên tất cả đều không biết nói tiếng phổ thông. Không một ngày được cắp sách tới trường, mấy anh em Là lớn lên như cái cây trong rừng, đến tuổi trưởng thành thì lấy vợ, gả chồng. Là được gả cho một người cùng bản và nghèo khó như gia đình Là.

16 tuổi Là sinh con, nhưng đứa trẻ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã vội vã bỏ Là mà đi vì sinh thiếu tháng và suy dinh dưỡng. Chưa kịp lấy lại sức sau lần vượt cạn khó, 3 năm sau Là sinh thêm 2 đứa nữa, đứa nào cũng nhỏ con song có lẽ do trời thương nên dù nhà chẳng đủ ngô để ăn, bữa có bữa không nhưng đứa nào cũng khỏe mạnh, rắn rỏi.

Cuộc sống khó khăn, con cái nheo nhóc nên vợ chồng Là quyết định rời Lào Cai về Thanh Hóa sinh sống. Theo những người Mông đi trước, họ về Mường Lý, dựng nhà để sống. Tài sản mang theo chỉ có con dao rừng, cái cuốc, túi ngô giống và mấy cái nồi bẹp nên không cần nói cũng có thể hình dung cuộc sống của gia đình Là ngày đầu vào nơi ở mới vô cùng khó khăn, vất vả. Vẫn là những tháng ngày phá rừng làm rẫy, hết lên nương lại đi săn bắn, cắt lanh, tước sợi.

Thấy cuộc sống quần quật suốt mà cái ăn vẫn không đủ, chẳng khá hơn gì so với chỗ cũ, Là khuyên chồng quay về quê nhà, nơi đó còn có anh có em để nhờ vả nhưng anh chồng không chịu. Một mình không thể dắt đàn con quay về, Là đành phải cắn răng chịu đựng, chấp nhận cuộc sống xa nhà và thiếu thốn. “Vào đây cái bụng mình mới được ăn cơm nhưng mà bưng bát cơm ăn lại thấy nhớ con, thương chúng nó ở nhà quanh năm chỉ biết có ngô, đâu biết mùi cơm thế nào”, Giàng Thị Là nói.

Giàng Thị Là lao động ở đội đính hạt cườm.

Chuyến đi định mệnh

Ngày Là bị bắt, đứa con gái nhỏ chưa đủ 36 tháng nên được ở với mẹ một thời gian. Tuy nhiên, khi đủ tuổi, bé không được sống với mẹ trong trại giam nữa. Tuy nhiên do gia đình Là không có ai xuống đón nên cháu bé được gửi ra trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh. “Con mình ít tuổi nhất nhà nhưng nó lại nói tiếng Kinh giỏi hơn tiếng Mông. Nó cứ líu lo như chim ấy. Ngày trước nó ở đây, đi nhà trẻ được cán bộ CA trông, biết hát, biết múa. Tối về nó hát cho mình nghe. Giờ nó ra ngoài kia đi học, lâu lâu mình mới được gặp con, nhớ nó lắm nhưng đành phải chịu thôi. Nó ra ngoài ấy, được chăm sóc, được học hành, có bạn bè lại được múa hát là vui rồi, mình nghĩ đó cũng là một an ủi và may mắn cho bé”, Giàng Thị Là tâm sự.

Phạm nhân Giàng Thị Là bảo rằng, ngày định mệnh ấy nghĩ đến giờ cô vẫn sợ. Bởi từ ngày theo chồng qua Mường Lý lập nghiệp, Là chưa một lần quay về Lào Cai thăm gia đình. Ngay cả khi được tin mẹ mất, Là cũng không về được vì khi đó bụng chửa đứa thứ 4 sắp đến ngày sinh nở. Mẹ mất đã không về, giờ đến bố ốm nặng cũng không về được thì quá áy náy nên Là quyết định đi về, đem theo cả đứa con nhỏ. Nhà không có tiền, Là đem 2 con gà đi bán rồi ôm con, ra đường đón xe khách. Dễ đến gần chục năm chỉ biết sống trong rừng, đi nương, đi rẫy và cả đi chợ cũng trong rừng, trong bản nên khi ra bến xe khách, Là cứ mắt tròn mắt dẹt, bỡ ngỡ trước những đổi thay của cảnh vật và con người. Không còn cảnh chen nhau để lên xe khách, cũng không còn những chiếc xe U-oát cà tàng, lấm lem đất bùn.

Trước mắt Là là những chiếc xe to hơn, dài hơn và đương nhiên chở được nhiều người và hành lý hơn. Tiền bán 2 con gà không đủ mua một tấm vé đi Lào Cai, Là cứ tần ngần đứng nơi cửa xe, cố nài nỉ chủ xe cho đi nhưng không được chấp nhận.

Đang băn khoăn vì không biết làm thế nào để về Lào Cai thì một người đàn ông bước tới. Trông dáng anh ta cũng bụi bặm vì đường xa. Người đàn ông này biết nói tiếng Mông, hỏi Là có đi về Lào Cai không, anh ta nhờ cầm hộ gói quà. Anh ta bảo đang định về Lào Cai thăm họ hàng thì nhận được điện thoại của vợ thông báo đàn trâu thả trên rừng bị mất trộm nên phải quay về. Vé đã mua rồi không trả lại được nên anh ta ngỏ ý muốn tặng lại tấm vé xe ấy cho Là với điều kiện cô phải cầm hộ gói quà về Lào Cai, đến bến xe sẽ có người ra lấy. “Mình có giở ra đâu mà biết là cái gì. Mà nếu có giở ra chưa chắc mình biết đấy là ma túy. Cả đời mình đã nhìn thấy lần nào đâu. Nó đưa cái gói nhỏ như bắp tay, gói kín bằng lá rừng, mình bỏ vào giỏ quần áo”, Là kể.

Người đàn ông nhờ cầm hộ gói quà ấy còn hứa hẹn khi về đến bến xe Lào Cai, Là sẽ được bạn anh ta cho thêm 100 ngàn đồng nữa. Nghĩ được món tiền về chăm bố, Là thấy xuôi xuôi. Chị ta đâu ngờ xe khách vừa đi được một đoạn, vẫn đang ở địa phận Mường Lát thì Là bị bắt. Với gói ma túy trong hành lý, Là phải trả giá bằng bản án 7 năm tù. Bị bắt giam cùng với đứa con nhỏ, Là khóc suốt.

“Vào đây mình được học tiếng Kinh nhưng mà chỉ biết nói thôi chứ học không vào. Mình sắp về rồi nhưng mà cái bụng lo lắm, không biết nhà có còn ở chỗ cũ nữa không hay chuyển đi đâu rồi. Chồng mình nó còn làm rẫy nuôi con không, hay lại theo bạn xấu lên rừng làm khỉ...”, Là tâm sự.

Tác giả: Nguyên Vũ

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

  Từ khóa: nỗi đau , phạm nhân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP