Di tích - Thắng cảnh

Ngã Ba Đồng Lộc: Hồi sinh dưới bàn tay người nông dân

Quyết tử trong chiến tranh

46 năm trước, Ngã Ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) là túi hứng mưa bom, bão đạn, là nước mắt, hy sinh. Đồng Lộc hôm nay đã đổi thay kỳ diệu với nhiều điểm sáng về phát triển kinh tế.
Đồng Lộc giờ đã có nhiều thay đổi.

Trò chuyện với chúng tôi ông Võ Đức Lợi – Chủ tịch UBND xã Đồng Lộc đưa cuốn sổ tay chép sử của địa phương đã nhòe mực được lưu lại trong tủ sách của xã về địa danh lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc. Thời bấy giờ tất cả các ngả đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua Ngã Ba Đồng Lộc nên nơi đây được coi như cái cổ họng giao thoa 2 miền Nam-Bắc. Chính vì thế, đế quốc Mỹ đã tập trung hỏa lực dồn vào đây để hòng cắt đứt tuyến đường huyết mạch ra tiền tuyến.

Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10.1968, máy bay địch đã trút xuống Ngã Ba Đồng Lộc hơn 48.600 quả bom các loại. Trung đoàn pháo 210, các đơn vị ngành GTVT, Đại đội TNXP N55 P18 và nhiều lực lượng khác đã ngã xuống. Tiêu biểu là Tiểu đội 10 nữ TNXP đã hóa thân vào khúc tráng ca bất tử cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Riêng xã Đồng Lộc có 117 người dân bị bom tử nạn, trong đó có nhiều hộ dân chết cả gia đình.

Huyền thoại trong thời bình

Ông Nguyễn Nhạ- nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Lộc (thời kỳ 1964-1972) kể lại: Sau cuộc chiến, xã Đồng Lộc bị biến thành vùng đất chết, hố bom nham nhở, cây cỏ cũng không mọc nổi. Năm 1975, đất nước thống nhất, Đồng Lộc bắt đầu công cuộc kiến thiết, san ủi lại đất đai dựng nhà ở, phát triển sản xuất và phải hơn chục năm sau đó cây cối mới bắt đầu bén rễ phủ màu xanh.

46 năm sau, mảnh đất Đồng Lộc huyền thoại giờ đã lành vết thương và hồi sinh dưới bàn tay cần mẫn của những người nông dân. Theo Chủ tịch UBND xã Võ Đức Lợi, kỳ tích nhất ở Đồng Lộc đó là xây dựng đường giao thông nông thôn. Từ con số 0, nhưng bây giờ các đường trục xã, liên xã, liên thôn được bê tông hóa đạt chuẩn 100% (22,47km).

Điện, đường, trường, trạm cơ bản được địa phương đầu tư nâng cấp khang trang, phù hợp với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đưa lại cuộc sống khấm khá cho người dân, bình quân thu nhập xấp xỉ 20 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, những hố bom năm xưa nay được san lấp chỉnh trang phát triển thành mô hình sản xuất, doanh thu hàng tỷ đồng/năm.

Điển hình là trang trại trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả của cựu chiến binh Nguyễn Đăng Ngô, chỉ cách Khu di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc một quả đồi. Càng khâm phục hơn khi chúng tôi thăm trang trại của anh Nguyễn Văn Đức ở xóm Khe Thờ.

Sau 10 năm xây dựng, anh Đức đã biến vùng đất hoang thành trang trại tổng hợp 6ha trồng cây lâm nghiệp, nuôi hươu, lợn, bò và vịt, mỗi năm doanh thu hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận ròng trên 300 triệu đồng.

Ông Võ Xuân Phong- Chủ tịch Hội ND huyện Can Lộc cho biết: Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Can Lộc đang lan tỏa một cách nhanh chóng, đặc biệt là các xã có truyền thống cách mạng như Đồng Lộc, Mỹ Lộc, Xuân Lộc và Thượng Lộc…

Toàn huyện có hơn 7,7 nghìn hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, trong đó có 17 hộ cấp trung ương, 197 hộ cấp tỉnh, còn lại là cấp cơ sở. Đặc biệt, Đồng Lộc là xã trong chiến tranh chịu nhiều mưa bom bão đạn, nhưng trong thời bình những người nông dân biết tận dụng tiềm năng của đất đai đầu tư phát triển kinh tế đưa lại thu nhập. Một huyền thoại mới đang được người dân trên mảnh đất linh thiêng này viết tiếp.

    Tối 24.7.2014, tại Khu di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt  với chủ đề “Đồng Lộc-Ngã ba bất tử”. Chương trình nhằm tri ân và tôn vinh các thế hệ TNXP, đặc biệt là dành sự tri ân sâu sắc nhất đến Tiểu đội 10 nữ TNXP đã anh dũng hy sinh trong lúc lấp hố bom.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP