Trong nước

Mưa lớn nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà tại miền Trung kéo dài đến bao giờ?

Hơn 5.000 ngôi nhà tại tỉnh Nghệ An đã bị ngập sâu trong nước. Đến 20h tối 16/10, nhiều tuyến đường tại TP Vinh vẫn không thể đi lại, giao thông tê liệt trên diện rộng.

Ảnh: Trần Lộc

Sáng 17/10, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, hiện nay ở các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Một số nơi có lượng mưa lớn (lượng mưa tính từ 19 ngày 16 đến 1h ngày 17/10) như: A Lưới (Thừa Thiên Huế) 21mm, Trà My (Quảng Nam) 57mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 26mm, Quy Nhơn (Bình Định) 29mm…

Dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông nên trong ngày và đêm nay (17/10) ở khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông (lượng mưa phổ biến từ 30 - 60mm/24h). Riêng khu vực Hà Tĩnh và Quảng Bình ngày hôm nay còn có nơi mưa rất to (lượng mưa 70 - 120mm/24h); khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 80 - 150mm/24h, có nơi trên 170mm/24h).

Từ đêm nay, mưa lớn ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có xu hướng giảm. Mưa lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có khả năng kéo dài đến hết ngày 19/10.

Do mưa lớn kéo dài nên nhiều huyện thị của tỉnh Nghệ An xảy ra ngập lụt trên diện rộng trong ngày hôm qua. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến tối 16/10 tại Nghệ An có 1 người chết (do sét đánh), 5.250 nhà dân bị ngập và 2.819ha hoa màu bị hư hại. Mưa lớn cũng làm nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước hoặc sạt lở đất đá không thể đi lại.

Nghiêm trọng nhất là tại TP Vinh. Nhiều nhà dân bị đổ, nhiều ngôi nhà có nguy cơ bị sập. 700 hộ dân phải sơ tán. Đến 20h tối 16/10, nhiều tuyến đường vẫn đang bị ngập sâu, không thể đi lại, giao thông tê liệt trên diện rộng.

Tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, cập nhật diễn biến của mưa lũ để chủ động đối phó; kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sinh sống ở các vùng thấp trũng, ven sông, suối và các khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá, ngập lụt; kiểm tra an toàn và vận hành công trình thủy lợi để kịp thời tiêu nước, thoát úng; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn. Riêng tại TP Vinh, các trạm bơm tiêu úng được yêu cầu vận hành hết công suất 24/24 giờ.

Tác giả: Trương Huyền

Nguồn tin: Báo Kinh tế và Đô thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP