Khoa học

Mua 13 đoàn tàu Trung Quốc: Tổng thầu khoe thiết kế đẹp

Trong 10 phương án thiết kế, có 6 phương án thiết kế ngoại thất và 4 phương án thiết kế nội thất.

Ban quản lý (BQL) Dự án đường sắt vừa có tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lựa chọn phương án thiết kế ngoại thất, nội thất của đoàn tàu thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.

Theo đó Tổng thầu Trung Quốc đã trình nộp 10 phương án thiết kế, trong đó có 6 phương án thiết kế ngoại thất và 4 phương án thiết kế nội thất.

Cụ thể, 6 phương án thiết kế ngoại thất gồm: Phương án 1, 2 và 3 đều có hình dáng đầu tàu hình tròn tù, gần với hình dạng đầu tàu cổ điển, tuy có trang trí hiện đại hơn ở kính, đèn pha, gạt nước, cản trước… chỉ khác nhau ở phần trang trí đường nét màu sắc bên ngoài đoàn tàu.

Phương án 4 và 5 chỉ khác 3 phương án trên ở phần cản trước chống xô dưới đầu tàu có bo tròn về phía sau.

Phương án 6 đầu tàu có hình vát nhọn, gần với hình dạng khí động học, hiện đại, năng động thường thấy ở các đoàn tàu tốc độ cao, kính chắn gió, kính cửa sổ có màu sẫm, cửa sổ ẩn, tạo dáng vẻ hiện đại, nhanh nhẹn nhưng vẫn sang trọng, thích hợp với phong cách, bản sắc văn hóa của thủ đô văn hiến.

Mô hình đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Mô hình đoàn tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Bên cạnh đó, Tổng thầu cũng đưa ra 4 phương án thiết kế nội thất cho đoàn tàu.

Cụ thể, phương án 1 bố trí 2 hàng cột cong về phía cửa sổ, đem lại không gian rộng rãi, người đi tàu thuận tiện hơn khi ngồi nắm tay vào cột, hàng cột giữa dọc theo lối đi giữa toa cho phép hành khách đứng bám ổn định khi đông khách trên toa. Thiết kế này cũng làm tăng không gian cho hành khách khi phải đứng trên tàu.

Phương án 2 thiết kế lấy ý tưởng từ hình ảnh lá sen, thiết kế tấm ốp đầu hai phía đầu ghế tựa hình lá sen và cũng bố trí hai hàng cột giống như phương án 1.

Phương án 3 và 4 thiết kế hai hàng cột cong vươn ra giữa toa đem lại cảm giác cởi mở hơn. Tuy nhiên, lại giảm không gian cho hành khách khi phải đứng trên tàu.

Họa tiết trang trí lựa chọn biểu tượng Khuê Văn Các ở giữa đầu tàu, tại vị trí nổi bật, phía dưới là dòng chữ Cát Linh-Hà Đông thể hiện điểm đầu-điểm cuối của tuyến đường sắt đô thị thể hiện trên nền sơn phủ kín đầu trước tạo vẻ trang nghiêm.

Sơn trang trí đoàn tàu sử dụng chất liệu vỏ thép không gỉ với bề mặt được đánh xước mờ. Chỉ trang trí họa tiết đầu tàu và dải mầu chỉ thị của tuyến đường sắt đô thị. Màu sắc chủ đạo là màu xanh lá cây.

BQL Dự án đường sắt đề nghị Bộ GTVT xem xét, bố trí cuộc họp để Ban trình bày có sự tham gia của các đơn vị và đại diện thành phố Hà Nội làm cơ sở chấp thuận lựa chọn phương án thiết kế nội ngoại thất chỉ đạo Tổng thầu sản xuất mô hình đầu tàu mẫu đưa sang Việt Nam để xin ý kiến đóng góp của nhân dân và các cơ quan một cách trực quan nhất.

Người dân e ngại

Thông tin về việc Ban Quản lý dự án đường sắt sẽ tiến hành mua 13 đoàn tàu theo hợp đồng đã được ký kết với phía Trung Quốc mấy ngày qua đã thu hút rất nhiều người dân quan tâm.

Trong bài viết: “Mua 13 đoàn tàu TQ: Nhiều sự cố, phải xem xét lại” được báo Đất Việt đăng tải đã nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả.

Theo đó, tính đến thời điểm này đã hàng trăm bình luận. Đa số các ý kiến bày tỏ sự lo ngại trước việc Việt Nam sẽ mua tàu của Trung Quốc.

Bạn đọc Giang Nam lo ngại và nhắc tới tai nạn thảm họa tàu cao tốc TQ năm 2011. “Nếu tôi không nhầm thì những tàu cao tốc đó cũng do công ty này sản xuất thì phải. Ở thời điểm đó người ta nói rằng chắc chẳng ai dám mua tàu do TQ sản xuất nữa”, bạn đọc cảnh báo.

Còn bạn đọc Dân Bình thì lo ngại: mua đồ của Trung Quốc tưởng là rẻ mà lại đắt vì mua về liên tục hỏng hóc, một tiền gà ba tiền thóc. Hơn nữa, người Việt ai cũng hiểu đồ Tàu có độ an toàn có thể nói là kém nhất thế giới nên nếu là tàu TQ thì số người đi chắc chắn sẽ giảm rất nhiều.

“Làm để phục vụ giao thông, giảm ùn tắc đô thị, nay lại dùng tàu TQ làm dân e ngại thì chẳng hóa ra là lãng phí lớn hay sao?”, bạn đọc Dân Bình đặt nghi ngại.

Thậm chí bạn đọc Nguyễn Cương còn thận trọng nói thẳng: Nếu dùng tàu mua của TQ, thà đi xe máy hơn chục km còn hơn phải ngồi trên cái tàu nguy hiểm đó.

“Cái gì của họ cũng chứa chất đầy nguy hiểm, gian dối. Từ Cát linh vào Hà Đông cứ xe bus, xe máy… mà đi”, bạn đọc Nguyễn Cương cương quyết.

  • Phương Nguyên (Tổng hợp)/ ĐVO

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP