Trong nước

MTTQ Hà Tĩnh: Tăng cường tuyên truyền về môi trường sau ‘sự cố Formosa’

Sau sự cố môi trường của Formosa, MTTQ tỉnh Hà Tĩnh và các tổ chức thành viên sẽ tập trung tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường; tích cực tham gia giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường để kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật.

 Ông Bùi Nhân Sâm.
Ông Bùi Nhân Sâm.

Thời gian qua, MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã có những cách làm cụ thể trong việc giám sát phong trào xây dựng nông thôn mới, ô nhiễm môi trường. PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Nhân Sâm – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh xung quanh những vấn đề này.

PV: Hà Tĩnh được đánh giá là điểm sáng về phong trào xây nông thôn mới (NTM) so với cả nước. Vậy những điểm sáng đó được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Nhân Sâm: Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, 5 năm qua Hà Tĩnh đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tập trung triển khai thực hiện một cách quyết liệt, sáng tạo và hiệu quả, đạt nhiều thành tích nổi bật. Kết thúc năm 2015, toàn tỉnh có 52 xã về đích NTM (đạt 22,6%), là 1 trong 13 tỉnh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất về thành tích xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2015.

Điểm sáng nổi bật của Hà Tĩnh trong xây dựng NTM là sự sáng tạo, tập trung nâng cao nhận thức, ý thức chủ thể của người dân trong xây dựng NTM nên đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và con em xa quê.

Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách đồng bộ, tập trung quyết liệt vào thực hiện mục tiêu là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân một cách thực chất; tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nền nông nghiệp, xây dựng được trên 11.000 mô hình kinh tế có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, có nhiều mô hình doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm, thành lập mới được  hơn 500 hợp tác xã, trên 900 tổ hợp tác và gần 1.000 doanh nghiệp ở nông thôn.

Ngoài 19 tiêu chí của Trung ương, tỉnh còn sáng tạo xây dựng thêm tiêu chí 20 về xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh, cấp huyện, các doanh nghiệp trực tiếp đỡ đầu cho các xã phấn đấu về đích sớm và các xã khó khăn.

Qua việc nỗ lực thực hiện bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM thì vai trò của Mặt trận được thể hiện như thế nào, thưa ông?

– Cùng với thành tích chung của toàn tỉnh, MTTQ và các tổ chức thành viên đã có đóng góp hết sức quan trọng trong tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức chủ thể trong tham gia xây dựng NTM; tập trung vận động nhân dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập; giúp đỡ hộ nghèo làm nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm xóa nghèo bền vững; vận động nhân dân hiến đất, tài sản trên đất, đóng góp ngày công, vật liệu, kinh phí để làm đường giao thông, thủy lợi, xây dựng cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa, các công trình công cộng. 5 năm qua nhân dân toàn tỉnh đã hiến hơn 4 triệu m2 đất, huy động nội lực hơn 3.600 tỷ đồng để tham gia xây dựng NTM.

Ngoài ra MTTQ các cấp còn phối hợp kêu gọi con em xa quê ủng hộ được trên 450 tỷ đồng tham gia xây dựng NTM.

Mặt khác, MTTQ và các tổ chức thành viên đã tập trung thực hiện việc giám sát quá trình tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, nhất là trong thực hiện quy chế dân chủ về huy động nguồn lực, về xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng…; thông qua giám sát đã kịp thời phát hiện các sai phạm, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Hà Tĩnh có những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.

Một vấn đề đang đặt ra đối với các xã đó là sau khi về đích phần lớn đều phải gánh một khoản nợ khá lớn, Mặt trận có ý kiến gì về vấn đề này không?

– Về việc nợ đọng của các xã về đích NTM, qua giám sát Mặt trận cũng đã phát hiện và kịp thời kiến nghị với cấp ủy, chính quyền tỉnh có các giải pháp kiểm soát chặt chẽ, nên từ năm 2015, tình trạng này đã được khắc phục. Quan điểm của Mặt trận là việc xây dựng NTM phải có lộ trình cụ thể, huy động nguồn lực phải đồng bộ, không được nợ đọng và không quá sức dân thì “về đích” NTM mới thật sự hiệu quả và bền vững.

Sự cố môi trường vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến người dân 4 tỉnh miền Trung, qua việc giám sát vấn đề hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, MTTQ Hà Tĩnh có kiến nghị, đề xuất gì không, thưa ông?

– Thời gian qua, cùng với cả hệ thống chính trị, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên ở Hà Tĩnh đã tập trung động viên, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển đồng thời giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của chính phủ và UBND tỉnh.

Thông qua hoạt động giám sát và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, chúng tôi đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp cần ban hành sớm các quy định cụ thể về khảo sát, đánh giá thiệt hại của người dân một cách đầy đủ, khách quan, công bằng, tránh thiệt thòi cho người dân.

Đồng thời quan tâm đến việc hỗ trợ chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm ổn định sản xuất và đời sống lâu dài của người dân cũng như khắc phục môi trường một cách căn cơ, khoa học và thiết thực.

Sự cố của Formosa cũng đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý của chính quyền địa phương. Với vai trò giám sát của MTTQ, ông  có ý kiến gì về vấn đề này?

– Sự cố môi trường vừa qua và vấn đề xả thải của Formosa thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý của chính quyền địa phương các cấp. Trong đó có phần trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp trong vấn đề nắm bắt thông tin và giám sát về vấn đề môi trường. Đây là bài học lớn mà chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận và nghiêm khắc sửa chữa.

Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian sắp tới MTTQ và các tổ chức thành viên sẽ tập trung tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường; tích cực tham gia giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường để kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật.

Đồng thời, MTTQ các cấp cần chủ động, thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật về môi trường, nhất là ở các khu công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp và các vùng trọng điểm về môi trường góp phần cùng với công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp nhằm hạn chế tối đa các hành vi vi phạm về môi trường trong quá trình phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hạnh Nguyên (thực hiện)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP