Người đương thời

Một cựu chiến binh suốt đời làm việc nghĩa

Căn nhà tuềnh toàng, bốn phía gió lùa, nằm đơn độc, chơ vơ giữa một vùng cát trắng và ngút ngàn phi lao ở cửa biển Xuân Hội, Nghi Xuân, Hà Tĩnh chỉ có hai người già đã sắp qua tuổi 80…


Gần 25 năm nay, đôi vợ chồng này tình nguyện sống bám biển, căn nhà dựng tạm của ông bà đã trở thành nơi neo đậu cho hàng chục lượt người neo đơn, nghèo khó trong làng. Bàn tay sần sùi, dẫu không còn đủ ngón của ông đã làm nên nhiều “kỳ tích” đáng khâm phục: Cứu sống hơn 30 người gặp nạn trên biển và một mình lặng lẽ trồng gần 10 ha rừng phi lao chắn sóng để bảo vệ sự bình yên cho nhân dân, tại nơi được mệnh danh là “đầu sóng ngọn gió” này.


Với sự giới thiệu của ông Phan Thanh Văn, Trưởng Công an xã Xuân Hội, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, chúng tôi đã tìm đến gia đình ông Nguyễn Lán. Khi chúng tôi đến thì cả hai ông bà đang ngồi sưởi ấm bên bếp lửa. Bà Lán nói rằng, đây là những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi trong ngày, thậm chí trong đời của ông bởi ông là người rất ham làm, chẳng mấy khi để cho chân tay được ngơi nghỉ. Chẳng qua vì mấy hôm nay, trời trở lạnh, bệnh đau cột sống của ông Lán lại tái phát nên bà phải ngồi trông ông, không cho ông làm việc nặng.


Ông Nguyễn Lán sinh năm 1929 tại Xuân Hội, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Kháng chiến chống Pháp, nhà có 3 anh em trai, thì cả 3 đều xung phong đi bộ đội. Kháng chiến chống Mỹ, ông là Trung đội trưởng dân quân I của xã Xuân Hội. Là địa phương ít đất nông nghiệp, lại thường xuyên có thiên tai nên đầu những năm 80, nhiều hộ dân trong làng đã phải dắt díu nhau lên các huyện vùng cao hy vọng có thể “xoá đói giảm nghèo” nhưng đều thất bại trở về. Trước thực tế đó, ông Lán nghĩ, mình là người sinh ra ở biển, nên phải tìm cách dựa vào biển để sống.


Năm 1986, để lại nhà cửa trong làng cho đứa con trai đầu, ông quyết tâm ra bám biển. Hồi đó, xóm Hội Thành II còn là một bãi cát trắng hoang vu, không một bóng người. Dựng xong căn nhà tạm có thể làm nơi trú ngụ, không còn một đồng xu dính túi, ông Lán khởi nghiệp bằng nghề đan lưới thuê cho ngư dân đi biển. Và cũng với nghề đan lưới thuê này, ông Lán đã dạy và tạo việc làm cho hàng chục lao động, phần lớn là trẻ em và phụ nữ neo đơn, nghèo khó trong làng.


Trong trí nhớ của những người được chứng kiến như vợ chồng ông Lán, đợt sóng thần năm 1978 tràn vào tàn phá toàn xã Xuân Hội tan hoang, mãi mãi là một nỗi ám ảnh kinh hoàng. Thế nên, khi quyết tâm ra bám biển, ông Lán đã nghĩ ngay đến chuyện trồng rừng phi lao để chắn sóng, bảo vệ làng. Được xã đồng ý về mặt chủ trương, nhưng không có vốn để mua cây giống ngay một lúc, nên vợ chồng ông Lán phải “bóp mồm bóp miệng” để tiết kiệm, mua phi lao về trồng. Bà Lán kể: Những đêm mưa to, gió lớn, sợ cây bị gió cuốn, ông Lán một thân, một mình ra bãi biển che chắn cho cây. Có những đêm ông trở về nhà, thì trời đã sáng, quần áo ướt nhoẹt, mặt mày thì thâm tím vì giá rét.


Để bảo vệ rừng cây đã trở thành một phần máu thịt của mình, ông Lán đã bị mất 1 ngón tay cái, rụng 8 răng, mắt bị loà. Đó là vào cuối những năm 90, một số đối tượng trong làng ra biển chặt trộm phi lao. Phát hiện các đối tượng đang chặt cây, ông Lán bình tĩnh đến giải thích và yêu cầu dừng lại, thì ngay lập tức bị một đối tượng đấm vào miệng, làm gãy 8 cái răng và chặt đứt một ngón tay cái.


Cũng sau lần đó, mắt ông bắt đầu kém hẳn. Thế nhưng, khi đối tượng bị bắt giam, thấy gia cảnh khó khăn, vợ con nheo nhóc, lại là người trong làng, nên ông Lán lại lọc cọc đạp xe lên huyện xin giảm tội cho đối tượng.


Khi phi lao tốt, cao hơn đầu người, ông Lán nảy ra một sáng kiến là mang đèn măng-xông do ông tự tạo treo lên ngọn cây cao nhất làm hoa tiêu cho người đi biển ven bờ biết có nhà dân để vào tránh bão. Ngày đó, dầu hoả rất hiếm, hai vợ chồng không dám thắp đèn mặc dù đêm ở biển rất hoang vắng và tăm tối. Thế nhưng, cứ mỗi lần thấy trời sắp có giông bão là ông Lán lại mang đèn ra treo lên ngọn cây phi lao cao nhất.


Gần 25 năm sống bám biển, vợ chồng ông Lán đã cứu sống được hơn 30 người gặp nạn và trẻ con trong làng ra biển tập bơi. Ông Lán kể: Trường hợp vất vả nhất trong số hơn 30 người được ông cứu là chị Vũ Thị Cừ ở xã Xuân Liên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Sóng to, gió lớn, chị Cừ lại không biết bơi, cứ bám chặt vào ông nên có những lúc tưởng như cả hai đã bị sóng đánh chìm. Đến lúc kéo được chị Cừ vào bờ, ông mới biết là mình còn sống với một cái bụng đã căng đầy nước. Chị Cừ được bà Lán, vợ ông đưa vào nhà thay quần áo, ủ ấm rồi cho ăn cháo nóng, đến khi sức khoẻ chị hoàn toàn hồi phục mới cho người nhà đưa về.


Rất nhiều người sau khi được ông cứu sống như anh Thương, anh Văn, anh Huy, chị Cừ… đã xin phép được gọi ông bà là bố, là mẹ. Trong số những “người con” này, ông Lán nhớ nhất là anh Nguyễn Văn Thương, quê ở Diễn Châu, Nghệ An. Ông Lán kể: 5 năm sau ngày cha con ông Lán cứu anh Thương khi tàu của anh Thương gặp nạn, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thương đã quay lại tìm ông. Đi khắp nhiều xã ven biển trong huyện để hỏi địa chỉ, lúc tìm thấy ân nhân, cả hai vợ chồng anh Thương đã ôm lấy “cha nuôi” mà khóc.


Bây giờ, do tuổi cao, không thể trực tiếp ra biển đánh cá, nhưng vợ chồng ông Lán vẫn là một địa chỉ cung cấp lưới uy tín cho ngư dân đi biển. Khi huyện Nghi Xuân có chủ trương xây tuyến đê phòng hộ chạy dọc ven biển, dù rất “đau đớn” nhưng ông Lán đã tự nguyện chặt đi gần 3 ha phi lao do tự tay mình trồng và chỉ nhận lấy 5 triệu đồng tiền bồi thường tượng trưng ít ỏi. Sau khi hoàn thành, ông còn tự nguyện nhận thêm nhiệm vụ “gác” đê miễn phí cho xã. Trong khi đó, gia cảnh hai ông bà rất khó khăn, trong căn nhà tạm không có bất kỳ một vật dụng nào có giá trị, suốt một đời chưa một lần được đến bệnh viện chăm sóc sức khoẻ hay ăn những món ngon.


Vậy mà, khi chúng tôi hỏi, bây giờ ông ao ước điều gì nhất, ông đã trả lời: Chỉ xin chính quyền cấp lại cho 2 cái Huân chương, đó là Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất và Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Ba đã bị mất trong một cơn bão biển, sóng cuốn trôi tất cả đồ đạc trong nhà.


Nghe một cựu chiến binh 80 tuổi, cả một đời làm việc nghĩa nói về mơ ước của mình mà chúng tôi, ai cũng rưng rưng cảm động


L.Thuý – H. Mai

CAND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP