Trong nước

Mất hơn 725 tỷ đồng, ông Thăng đã chỉ đạo thế nào?

Ông Đinh La Thăng khẳng định không có chuyện không cho chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Còn ông Nguyễn Văn Thể được cho là ký nhiều văn bản trái quy định.

Cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường. Ảnh: BCA.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ký 9 văn bản, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể ký 3 văn bản

Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa có Bản Kết luận điều tra số 49 vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gày ảnh hưởng đối với người khác đế trục lợi xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng Công ty Cửu Long, Công ty Licogi 13 và các đơn vị có liên quan.

Theo kết luận điều tra, xuyên suốt quá trình thực hiện Đề án chuyển giao quyền thu phí cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương từ khi lập, hoàn thiện Đề án, Tổ chức bán đấu giá, Quản lý hợp đồng bán quyền thu phí đã có các sai phạm của Bộ trưởng Bộ GTVT, Hội đồng bán đấu giá, Tổ thường trực giúp việc, Tổng Công ty Cửu Long để Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ (Út trọc) trúng đấu giá là Công ty kinh doanh thua lỗ, không đủ tư cách tham gia đấu giá.

Sau khi trúng đấu giá, Công ty của Út trọc đã không có năng lực tài chính, vi phạm hợp đồng về thời hạn thanh toán tiền trúng đấu giá nhưng Bộ GTVT không chấm dứt trước hạn hợp đồng để kịp thời thu hồi quyền thu phí về cho Nhà nước mà để Công ty Yên Khánh tiếp tục thu phí, dùng phần mềm trái phép can thiệp vào phần mềm thu phí của Bộ GTVT, chiếm đoạt tiền thu phí của Nhà nước.

“Hành vi sai phạm của từng cá nhân tại từng giai đoạn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, không tách rời dẫn đến gây hậu quả thất thoát, thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 725,325 tỷ đồng”, kết luận điều tra khẳng định.

Cũng theo kết luận điều tra thể hiện, trong vấn đề thanh toán tiền mua quyền thu phí, ông Nguyễn Văn Thể, đương kim Bộ trưởng Bộ GTVT vào thời điểm giữ chức Thứ trưởng Bộ GTVT đã ký một số văn bản liên quan.

Cụ thể, ngày 31/8/2015, ông Nguyễn Văn Thể ký Văn bản số 11594/BGTVT-TC gửi Tổng công ty Cửu Long, Công ty Yên Khánh có nội dung chỉ đạo: Yêu cầu Công ty Yên Khánh căn cứ Thông báo kết luận số 757/TB- BGTVT ngày 20/8/2015 của Bộ GTVT để khẩn trương thực hiện thanh toán theo đúng tiến độ đã cam kết với Bộ GTVT (thực hiện nộp tiếp 100 tỷ đồng trước ngày 28/8/2015 và nộp hết số tiền còn lại trước ngày 30/9/2015). Giao Tổng công ty Cửu Long có trách nhiệm làm việc và yêu câu Công ty Yên Khánh thực hiện việc thanh toán theo đúng cam kết nêu trên; báo cáo Bộ GTVT kết quả thực hiện trước ngày 5/10/2015 đối với đợt thanh toán số tiền còn lại.

Ngày 8/10/2015, ông Nguyễn Văn Thể ký Văn bản số 13438/BGTVT-TC gửi Tổng công ty Cửu Long có nội dung chỉ đạo: Theo báo cáo của Tổng công ty Cửu Long, đến thời điểm hiện nay Công ty Yên Khánh vẫn chưa thực hiện nộp hết số tiền còn lại như đã cam kết, vì vậy Bộ GTVT yêu cầu Tổng công ty Cửu Long khẩn trương làm việc với Công ty Yên Khánh để thực hiện nộp đầy đủ số tiền mua quyền thu phí đường cao tốc Tp Hồ Chí Minh — Trung Lương theo đúng quy định và cam kết của Công ty Yên Khánh. Hiện nay chưa có quy định về cơ chế sử dụng nguồn kinh phí bán quyền thu phí đường cao tốc Tp Hồ Chí Minh — Trung Lương cho dự án xây dựng 2 nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo — Chợ Đệm, vì vậy đề nghị Tổng công ty Cửu Long làm việc với Công ty Yên Khánh để khẩn trương thực hiện nộp đầy đủ số tiền còn lại như đã nêu trên (bao gồm việc tính toán số tiền phạt do chậm hợp đồng).

Các văn bản kể trên đều do Lê Trung Cường, chuyên viên Vụ Tài chính tham mưu soạn thảo, trình ông Nguyễn Chí Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính duyệt, ký nháy để trình lãnh đạo Bộ GTVT ký phát hành. Tổng cộng, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ký 9 văn bản, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể ký 3 văn bản.

Bị can Nguyễn Chí Thành. Ảnh: BCA.

Ngoài các văn bản nêu trên, khi Tổng công ty Cửu Long có báo cáo đề xuất chấm dứt hợp đồng với Công ty của Út trọc, ông Nguyễn Chí Thành đã tham mưu soạn thảo trình Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể ký Tờ trình ngày 22/6/2015 gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng với nội dung: “Công ty Yên Khánh chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo đúng hợp đồng và đưa ra một số lý do (thi công dự án ITS, các yếu tố vĩ mô có ảnh hưởng đến doanh thu, thuế VAT, phí đường bộ toàn quốc...), mặc dù Bộ GTVT đã có nhiêu văn bản chỉ đạo Tổng công ty Cửu Long giải thích, đôn đốc Công ty Yên Khánh thực hiện thanh toán theo hợp đồng, tuy nhiên, Công ty Yên Khánh vẫn chưa thực hiện thanh toán đúng hợp đồng. Đến nay các vấn đề phát sinh đã cơ bản được giải quyết nhưng Công ty Yên Khánh vẫn chưa thực hiện thanh toán nốt số tiền còn lại là 902,491 tỷ đồng.

Ngày 19/6/2015, Tổng công ty Cửu Long đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét quyết định việc chấm dứt hợp đồng và tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng với số tiền hơn 100,207 tỷ đồng. Chiều cùng ngày, Công ty Yên Khánh có Văn bản báo cáo Bộ GTVT, trong đó đề xuất lộ trình thanh toán nốt số tiền nhưng không cụ thể và không đưa ra lý do.

Như vậy, Công ty Yên Khánh chưa đề ra thời điểm cụ thể để thanh toán nốt số tiền còn lại theo hợp đồng, đồng thời đưa ra một số lý do chưa phù hợp với với điều kiện của hợp đồng về điều khoản thanh toán.

Với quan điểm rành mạch giữa nghĩa vụ thanh toán và giải quyết những vấn đề phát sinh của hợp đồng; cũng như giải quyết dứt điểm việc chậm thanh toán của nhà đầu tư; đến nay đã có đủ cơ sở để xem xét chấm dứt hợp đồng chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc Tp Hồ Chí Minh - Trung Lương đối với Công ty Yên Khánh.

Kính báo cáo Bộ trưởng xem xét, có ý kiến chỉ đạo”.

Nhận được Tờ trình do Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể ký, ngày 23/6/2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng ghi ý kiến chỉ đạo phía trên, góc trái của Tờ trình: “Đề nghị anh Thể chỉ đạo giải quyết theo đúng hợp đồng hai bên đã ký và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước, Tổng công ty Cửu Long”.

Tiếp đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể ghi ý kiến chỉ đạo tiếp theo phía dưới bút phê của Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Gấp. Yêu cầu Tổng công ty Cửu Long, Vụ Tài chính, Pháp chế...làm việc lại với Công ty Yên Khánh thảo luận từng vấn đề cụ thế, có kết luận rõ ràng, dứt khoát (mời các bên có liên quan cùng dự họp). Chậm nhất 30/6, làm rõ toàn bộ các vấn đề có liên quan theo chỉ đạo của Bộ trưởng. Riêng đóng tiền: Phải nộp thêm 500 tỷ đồng theo cam kết trong tháng 6/2015”.

Tuy nhiên sau đó Công ty Yên Khánh dù không nộp tiền theo cam kết nhưng vẫn không bị chấm dứt hợp đồng và đến ngày 30/3/2017, Công ty Yên Khánh mới nộp đủ số tiền trúng đấu giá 2.004,153 tỷ đồng.

Ông Đinh La Thăng phủ nhận việc chỉ đạo ngăn cản chấm dứt hợp đồng với doanh nghiệp của Út trọc. Ảnh: PL.

Ông Đinh La Thăng: Không có việc không cho phép chấm dứt trước hạn hợp đồng

Việc Công ty Yên Khánh đề xuất đầu tư dự án đầu tư bổ sung 2 nút giao tuyến cao tốc Tân Tạo- Chợ Đệm, theo cơ quan điều tra, ông Nguyễn Văn Thể ký các văn bản chỉ đạo Tổng công ty Cửu Long và chủ trì kết luận nhiều cuộc họp để chỉ đạo lập thủ tục phê duyệt dự án, ký văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị thực hiện phương án tài chính, ký Văn bản gửi Thủ tướng đề xuất chỉ định Công ty Yên Khánh làm nhà đầu tư, ký Quyết định phê duyệt đề xuất dự án theo hình thức BOT. Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng ký các Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo hình thức BOT, phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển dự án, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư dự án, phê duyệt Hồ sơ yêu cầu chỉ định nhà đầu tư dự án, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án… Theo cơ quan điều tra, những văn bản này là thực hiện không đúng quy định của pháp luật, họp thức hóa các nội dung Công ty Yên Khánh đề xuất…

Tại cơ quan điều tra, ông Đinh la Thăng khai: Với tư cách Bộ trưởng Bộ GTVT từ tháng 8/2011, ông Đinh La Thăng được giao quản lý tài sản Nhà nước tại Bộ GTVT trong đó có quyền thu phí cao tốc Tp. Hồ Chí Minh- Trung Lương. Tháng 11/2011, ông Đinh La Thăng ký văn bản gửi Thủ tướng đề xuất xin chủ trương tiếp nhận lại Đề án chuyển giao quyền thu phí cao tốc Tp. Hồ Chí Minh- Trung Lương từ Công ty BEDC và tìm kiếm đối tác để giao quyền thu phí. Đầu năm 2012, ông Đinh La Thăng gặp và quen biết Đinh Ngọc Hệ tại Ninh Bình. Trong năm 2012- 2013, ông Đinh La Thăng có nhiều lần điện thoại liên hệ với Đinh Ngọc Hệ và Dương Tuấn Minh nhưng phủ nhận việc bàn bạc, giới thiệu, chỉ đạo tạo điều kiện cho Đinh Ngọc Hệ được mua quyền thu phí cao tốc Tp. Hồ Chí Minh- Trung Lương.

Cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận việc bút phê “Đồng ý” trên đề nghị của Công ty Yên Khánh tại Văn bản số 08/2014/TTr-YK gửi Bộ GTVT, Tổng Công ty Cửu Long kiến nghị về việc giao Công ty Yên Khánh được chỉ định làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung 2 nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo- Chợ Đệm và phần chi phí do Công ty Yên Khánh đầu tư xây dựng 2 nút giao sẽ được khấu trừ vào số tiền Công ty Yên Khánh còn phải thanh toán theo Hợp đồng 4746/CIPM- HĐ ký ngày 30/12/2013 là chưa đúng với quy định của pháp luật, dự án chưa nằm trong danh mục vốn đầu tư trung hạn.

Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng không thừa nhận đây là nguyên nhân dẫn đến việc Công ty Yên Khánh lấy lí do đề thanh toán chậm trễ và không bị chấm dứt trước hạn hợp đồng.

Ngày 22/6/2015, khi Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể căn cứ báo cáo của Vụ Tài chính để đề xuất đã có đủ cơ sở để xem xét chấm dứt họp đồng chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh- Trung Lương đối với Công ty Yên Khánh, ông Đinh La Thăng đã có ý kiến chỉ đạo: “Đề nghị anh Thể chỉ đạo giải quyết theo đúng hợp đồng hai hên đã ký và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước, Tổng công ty Cửu Long'’. Ông Đinh La Thăng khai rằng, không có việc không cho phép chấm dứt trước hạn hợp đồng.

Tác giả: Hoàng Anh

Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP