Xem bói, Tử vi

Lý giải “tướng miệng” dưới góc độ Nhân tướng học

Ca dao Việt Nam có câu Đàn ông miệng rộng thì sang/ Đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà, có hoàn toàn đúng không?

Khoa nhân tướng học rất coi trọng “tướng miệng” vì cho rằng tướng ấy nói lên được nhiều điều tiềm ẩn về tính cách, sở trường, tâm tư, thậm chí đến cả thể trạng của con người.
Lý giải "tướng miệng" dưới góc độ Nhân tướng học

Theo lý giải dưới góc nhìn khoa học nhận dạng, “miệng rộng” chưa phải là yếu tố duy nhất để kết luận về “người sang kẻ quý”, mà cần kết hợp xem xét các thành phần khác liên quan chặt chẽ với miệng gồm: “môi – lưỡi và răng” nữa, lập thành “tứ cộng tướng” (bốn phần tướng cộng hưởng).

Trên thực tế, người ta thấy đàn ông miệng rộng (như hình cái đấu để đong gạo) thường là người lắm của, nhiều con, nhiều bổng lộc, nếu kèm theo tướng mũi thẳng, trán cao, khẩu khí khác thường, sẽ có thể là người quyền quý, hoặc thuộc mệnh đế vương như vua Lê Lợi với “miệng rộng, giọng nói như tiếng chuông vang” (Ngô Sĩ Liên).

Nhưng nếu miệng rộng mà hai bên mép (khẩu giác) bị xuôi xuống phía cằm tựa hai đường rãnh nhỏ, thì dẫu nắm trong tay “tiền chảy bạc ròng” cũng sẽ dần dần tiêu tán hết.
Hoặc miệng rộng nhưng môi dưới dày lên, mí môi cụp xuống sát với da cằm, răng không được đều đặn – người như thế sẽ có một lúc nào đó trong đời tiền bạc tuôn đến bất ngờ như triều cường, song tinh thần không được thanh thản vì phải luôn bận bịu lo toan, tính toán về đường gia đạo, vướng víu việc nhà cửa, việc vợ con và thân bằng quyến thuộc, đến khi “triều cường” rút (hết phước), tiền bạc cũng trôi theo (tán tài), gia sản phải đem ra chia sớt khắp nơi tựa hồ “sữa đặc đã hòa vào nước nên bị loãng ra”
 Tượng vua Lê Lợi với “miệng rộng, giọng nói như tiếng chuông vang”

Đó là phía đàn ông. Còn đàn bà tuy “miệng rộng” mà khi hai môi khép lại có dáng đầy lên tựa cánh hoa hồng lật úp, lưỡi lại dài liếm đến gần đầu mũi, răng đều với màu trắng ngà  – sẽ được một đời sung túc, phú quý, trong trường hợp này câu ca ở đầu bài có thể sửa lại thành:

Đàn ông miệng rộng thì sang.

Đàn bà miệng rộng cũng sang như thường!

Tuy nhiên không phải lúc nào “miệng rộng” cũng sang. Có trường hợp miệng rộng nhưng môi mỏng, răng thưa, lưỡi nhọn – sẽ gặp những chuyện phiền toái trong sinh kế. Miệng cười và mắt ướt là người đa sầu. Nếu đôi mắt như  “cửa sổ của tâm hồn” thì cái miệng chính là “sứ giả của trái tim”. Vì nó thay cho trái tim để nói lên những lời yêu thương ngọt ngào, thề thốt. Khi bị phản bội, nó cất lên tiếng khóc để biểu lộ ra bên ngoài tấm lòng tan nát bên trong, nếu nỗi khổ đau đó kéo dài sẽ làm “trái tim bị nóng lên” khiến “đầu lưỡi phát đỏ hoặc nổi những hạt gai nhỏ li ti” – như cuốn danh thư dưới thời vua Lê Dụ Tông đã ghi. Cụ thể hơn: “Miệng thuộc tỳ (dạ dày), lưỡi thuộc tâm (trái tim). Tâm khai khiếu ở lưỡi, tỳ khai khiếu ở  miệng” (Hồng Nghĩa giác y tu thư). Như vậy về mặt y học, tâm lý học và nhân tướng học, miệng lưỡi là nơi tác động có yếu tố quyết định đến sức khỏe và trong nhiều trường hợp đến cả đường sinh mệnh nữa, nên đã có lời cảnh báo: “Bệnh từ miệng vào (ăn uống không điều độ) – họa từ miệng ra (nói năng không giữ lời)” kèm theo các tướng dạng để kết hợp tham cứu dưới đây:

1. Miệng rộng như hình quả lựu đỏ tươi với các đường vân rõ nét, trên môi (gọi là miệng hổ) – người nầy sớm thành công, tính cương trực và khoan dung, thu phục được người xung quanh.

2. Miệng nhỏ hơi nhô ra đằng trước với hai môi mỏng (gọi là miệng dê) – sẽ bị nhiều tai tiếng, đề phòng những lời thêu dệt đầy ác ý. Hậu vận tốt.

3. Miệng thường há ra khi ngủ, hoặc sau khi nói xong không khép lại, tựa như cửa nhà trống đang mở – thường bị lỡ lời, thiếu hụt tiền bạc. Trung vận khởi sắc, làm ăn sẽ khá dần.

4. Miệng như hình một cây cung với hai mép sắc nét và cân đối – có trí nhớ tốt, lanh lợi và tháo vát.

5. Miệng như hình cánh sen, môi đỏ mọng, là người phúc đức, không lo bị thiếu ăn, được quý nhân giúp đỡ.

6. Miệng loe ra như dáng của hoa dâm bụt, hoặc hoa kèn – sẽ gặp nhiều trắc trở trên đường đời, nhất là trong việc giao tiếp. Sống hợp với người cùng tuổi.

7. Miệng nhọn như miệng chuột, có râu vểnh, sẽ gặp rắc rối trong đường con cái – được quý nhân giúp đỡ khi gặp hoạn nạn.

8. Miệng hơi tròn và có dáng như ống tre già, mũi thấp, răng khập khểnh, biểu hiện của thân cô độc và một số phận khá lênh đênh. Hợp với người lớn tuổi hơn mình.

9. Miệng như hình hai cánh chim đang bay, hai bên mép không nằm trên một đường thẳng mà nằm lệch theo hai điểm (mép) cao thấp khác nhau, biểu hiện của tính “tiền hậu bất nhất”, thiếu kiên quyết, nên thường bỏ lỡ nhiều dịp tốt. Ăn nói lưu loát (khẩu chiếm).

10. Miệng như hình cái túi vải mở ra, khi nói hai má phập phồng – biểu hiện của nghèo khó và đa đoan. Nhờ phước đức đời trước lưu  lại nhiều (âm đức).
 

Miệng còn có nhiều tướng dạng nữa: miệng hé mở tươi ướt như hoa anh đào (có công danh), miệng cá trê (yểu mệnh), miệng ngựa (thiếu đói), miệng heo (bị thị phi), miệng khỉ (có lộc). Hoặc các dạng hình học như miệng vuông (phú quý), miệng ngang (suồng sả), Với nhiều màu môi: đỏ như màu ngói mới (đông con), môi nhợt nhạt như màu hoa mai cuối mùa (trầm cảm), môi có màu xanh vào buổi hoàng hôn (phá sản), môi có màu phù sa vào buổi bình minh (hiền thục), môi mỏng như hình lá rau răm (nghiêm khắc), môi có màu đen vào buổi trưa (chết đói), môi cười không để lộ răng (điềm đạm), môi màu tím than (giàu ngầm), môi màu cánh sen khi vừa thức giấc (người phóng khoáng), môi màu phai lợt như hoa tử vi hồng (thất tình), môi khi ngủ hé cười (người đang yêu)

Miệng với nốt ruồi

Đàn ông (từ phải sang):
 
1. Đề phòng tai nạn. 2. Nhạy bén, ứng xử lanh lẹ. 3. Có năng khiếu văn nghệ. 4. Có bạn hiền –  về già an nhàn. 5. Nhiều may mắn. 6. Nhiều tài lộc bất ngờ thời trung niên.

Đàn bà (từ phải sang):
 

1. Hờn giận lâu sẽ mất những ngày vui (bệnh tim). 2. Rất kỵ nước – Cẩn thận khi di chuyển bằng thuyền. 3. Bệnh kéo dài – cần làm phước để hóa giải. 4. Nhạy sinh – có thể sinh đôi. 5. Có khiếu ăn nói – được nhiều người thương. 6. Có tình địch.

Bài: Tây Tạng – Ảnh: Meo Meo/MTG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP