Truyền thống - Phát triển

Lực lượng CSGT Công an Hà Tĩnh thời kỳ chống Mỹ: Hoa trên tuyến lửa

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Hà Tĩnh là trọng điểm đánh phá ác liệt của bọn đế quốc với mưu đồ cắt đứt sự chi viện của miền Bắc đối với chiến trường miền Nam. Nhất là trong những thập niên 60, 70 của thế kỷ XX, Hà Tĩnh đã phải oằn mình gánh chịu hàng vạn tấn bom đạn mà kẻ thù “rải thảm”, hòng thôn tính Việt Nam ngay từ khúc ruột miền Trung.


Bởi vậy, nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt, nối liền mạch máu từ hậu phương ra tiền tuyến là một yêu cầu cấp bách, cần thiết, là nhiệm vụ quan trọng mà lịch sử đã đặt lên vai quân và dân Hà Tĩnh. Nhưng chính trong “mưa bom, bão đạn” ấy đã tỏa sáng nhiều tấm gương quả cảm và kiên trung. Cảnh sát giao thông Công an Hà Tĩnh thời kỳ chống Mỹ cứu nước là một trong những lực lượng như vậy. Họ chính là hoa trên tuyến lửa. Sự hy sinh thầm lặng đó đã được Đảng Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân


“Ai đi xa mô đó biết có nhớ lấy đường về: Đường Đồng Lộc, đường Khe Giao, rồi đường Hồng lam, Đèo Ngang, Linh Cảm…”, câu hát ấy là niềm tự hào của mỗi người dân Hà Tĩnh, là niềm tự hào của quê hương núi Hồng, sông La. Ở vị trí “gánh hai đầu đất nước”, trong khói lửa ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, với tinh thần “sống bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, mỗi tên đất tên làng của quê hương Hà Tĩnh yêu dấu đã viết nên những trang sử hào hùng, huyền thoại, đảm bảo thông đường cho xe ra tiền tuyến. Đó là những hình ảnh đẹp trong khúc khải hoàn ca của cuộc kháng chiến trường kỳ đi đến thắng lợi cuối cùng bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975. Để có được ánh hào quang ấy là biết bao công sức, mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ, nhiều lực lượng. Cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông Công an Hà Tĩnh là một trong những lực lượng tiêu biểu đó, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam anh hùng…


Năm 1954 khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Cầu Hiền Lương trở thành giới tuyến tạm thời chia cắt đất nước thành 2 miền. Nơi đây đã chứng kiến và chịu đựng biết bao tội ác tàn khốc do đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước gây ra. Ở vị trí gần giới tuyến, Hà Tĩnh là nơi tập kết các lực lượng, lương thực, vũ khí, đạn dược, nhu yếu phẩm để chi viện cho chiến trường. Do vậy, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông, đều là những “mạch máu” nối liền giữa hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn miền Nam. Với dã tâm của kẻ đi xâm lược, kẻ thù ngày đêm đánh phá ác liệt, hòng cắt đứt sự chi viện của miền Bắc đối với chiến trường miền Nam.

CSGT rà soát bom mìn cho xe ra tiền tuyến


Xác định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt, năm 1967 đội CSGT Ty Công an Hà Tĩnh được tách ra từ phòng Cảnh sát nhân dân và được sự chi viện của Bộ Công an tăng cường thêm lực lượng, Phòng cảnh sát bảo vệ giao thông được thành lập; tổ chức thành các Đội, Trạm, phân Đội với gần 100 cán bộ, chiến sỹ đóng quân cơ động trên các tuyến và địa bàn trọng điểm, làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận chuyển hàng hoá, vũ khí, lương thực, phục vụ các chiến trường. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” là khí thế, là niềm tin, niềm lạc quan nhất định chiến thắng kẻ thù của mỗi CBCS phòng Cảnh sát giao thông. Rồi mưa bom, bão đạn đã tôi luyện họ thành ý chí sắt đá: “Địch phá, ta cứ đi”. Chính tại những nơi ác liệt nhất, cán bộ chiến sỹ Cảnh sát giao thông đã bám trụ kiên cường trên từng tuyến đường, cây cầu, nhà ga, bến phà để chỉ huy, hướng dẫn giao thông. Các anh như những “ngọn đèn đứng gác” đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt, an toàn; bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội; cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân.


Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ chiến sỹ phòng Cảnh sát giao thông đã trực tiếp chiến đấu trên 2.000 trận, bảo vệ trên 60 kho hàng, bến bãi, với hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm vũ khí, đạn dược, thuốc men; đào bới được 450 người bị sập hầm; cấp cứu trên 3.200 người bị thương; cứu được trên 200 tấn xăng dầu, hàng ngàn tấn hàng hoá, trên 1.600 phương tiện ra khỏi nơi địch đánh phá. Hướng dẫn cho hàng triệu lượt phương tiện chở hàng hoá, lương thực, thực phẩm, chở bộ đội, các cháu học sinh đi sơ tán an toàn. Đã đưa đón, bảo vệ trên 100 cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và 15 đoàn khách Quốc tế (trong đó có đồng chí Fidel Castrô của CuBa, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chủ tịch quốc hội Trường Chinh…) ra, vào chiến trường qua đất Hà Tĩnh đảm bảo an toàn tuyệt đối. Rà phá được 585 quả bom từ trường, gần 100 quả thuỷ lôi trên các tuyến đường, bến phà. Đã vận động và phối hợp với nhân dân các xã Thạch Tiến, Đức Trung, Tiến Lộc, Kỳ Lâm, Kỳ Sơn… đào đắp 5000 hầm trú ẩn hai bên đường, 800 hầm lớn trên dọc tuyến đường 21, 22 để dấu xe, dấu hàng. Bảo vệ tốt tài sản trên đường vận chuyển, phát hiện, bắt giữ hàng chục vụ trộm cắp tài sản, hàng hoá đã góp phần quan trọng hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, phương tiện, vật tư, tài sản, vũ khí, khí tài. Trong đó có những chiến công tiêu biểu, được lịch sử mãi nhắc tên.

Tiểu đội CSGT ngã 3 Đồng Lộc đang hướng dẫn xe qua trọng điểm


Tháng 5 năm 1968, tại khu vực phà Linh Cảm, địch cho máy bay thả xuống gần 100 quả thuỷ lôi từ trường. Anh em trong tổ CSGT Bến phà do đồng chí Nguyễn Đức Chơn phụ trách thấy không thể để thuỷ lôi trôi khắp sông sẽ gây nguy hiểm và thiệt hại lớn. Các đồng chí đã có sáng kiến vào rừng chặt tre, nứa làm phao bao vây khu vực thuỷ lôi, đồng thời phối hợp công binh đoàn 559 tổ chức rà phá, chỉ sau 01 ngày đã rà phá hết gần 100 quả thuỷ lôi, phà lại sang sông, các đoàn xe lại tiếp tục ra chiến trường. Đặc biệt, tổ CSGT ở đường 21, 22 thuộc Trạm Cảnh sát bảo vệ giao thông Kỳ Anh do đồng chí Vũ Quý Dương phụ trách khi phát hiện địch thả bom từ trường, không để giao thông bị tắc, qua kinh nghiệm công tác, các đồng chí đã sáng kiến đục thùng phuy, đào hầm trú ẩn, dùng giây kéo đi kéo lại để gây hút từ trường, bom nổ. Kết quả tháng 10-1968 tổ đã phá được hàng chục quả, có ngày anh em phá được 6 quả đảm bảo an toàn tuyệt đối. Với nhiệm vụ bảo vệ 4 kho hàng quân sự trên địa bàn tổ CSGT này đã có sáng kiến vận chuyển gạo bằng cách kết bè thả trôi trên sông Rào Trổ (Xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh). Những chiến công đặc biệt tiêu biểu đó, tổ CSGT phà Linh Cảm được Nhà nước thưởng huân chương chiến công hạng 2, tổ CSGT đường 21 được Bộ tư lệnh công binh gửi thư khen ngợi sự thông minh, dũng cảm; trạm Cảnh sát bảo vệ giao thông Kỳ Anh được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Tháng 8- 1972, Mỹ cho máy bay B52 tập trung ném bom rải thảm khu vực Bãi Vọt (nay là Thị xã Hồng Lĩnh) là bãi để hàng hoá và cất dấu hàng trăm phương tiện. Tổ CSGT gồm 05 đồng chí do đồng chí Võ Đình Đường phụ trách đang ở hầm quan sát, bỗng có tiếng kêu cứu và lửa bốc lên nơi cất dấu xe, anh em trong tổ đã lao đi trong làn bom B52 xông vào đào bới tìm kiếm được 6 người sập hầm, băng bó cho 10 người bị thương, dùng đất, cát, quần áo lao vào dập tắt đám cháy và hướng dẫn cho cả đoàn xe ra khỏi nơi địch đánh phá. Trong khi cả tổ đang tập trung dập lửa cứu xe, cứu hàng thì bom đạn địch đã làm 2 đồng chí Tăng Bá Bình và Trần Xuân Điểm bị thương rất nặng và đã anh dũng hy sinh, đồng chí Hoàng Kế Lân bị thương nay là thương binh hạng 2/4. Chiến công của các đồng chí đã được Bộ Công an tặng bằng khen, 2 đồng chí Điểm và Bình được truy tặng huân chương chiến công hạng 2, đồng chí Võ Đình Đường được tặng huy hiệu Bác Hồ.


Thời kỳ chống Mỹ, tuyến lửa đặc biệt quan trọng của tỉnh Hà Tĩnh không thể không nhắc đến, đó chính là Ngã ba Đồng Lộc – nơi được coi là “yết hầu” – bởi mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua nơi đây. Ngã ba Đồng Lộc có diện tích khoảng 50ha nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo. Do địa hình như vậy nên khi bom đạn của địch trút xuống phía nào, đất đá cũng lăn xuống đường cản trở giao thông. Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường miền Nam. Nơi này đã đã được mệnh danh là “tọa độ chết”. Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh 3 quả bom tấn. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại. Để giữ vững huyết mạch giao thông, quân dân ta cũng huy động tối đa mọi nguồn lực bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc, lúc cao điểm ở nơi này có tới 1,6 vạn người.


Tiểu đội CSGT Ngã ba Đồng Lộc gồm 11 đồng chí đã kiên cường bám trụ, ngày đêm bám đất, bám đường, không quản ngại gian khổ, hi sinh bảo vệ hàng vạn xe vận tải hàng hóa, lương thực, vũ khí, vượt qua trọng điểm an toàn. Cán bộ chiến sĩ đã nhiều lần vượt qua bãi bom từ trường, bom nổ chậm, hướng dẫn cho từng đoàn xe ra mặt trận. Tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Tiến Tuẩn, tiểu đội trưởng đã cùng một số đồng chí khác không quản hy sinh vượt qua bãi bom từ trường để ngăn cản, hướng dẫn cho hàng trăm xe vào đường tránh đi qua trọng điểm an toàn, nhất là thời điểm suốt ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn kẻ thù giày xéo. Đất đá bị đào đi, xới lại nhiều lần, hố bom chồng chất hố bom, nhưng Ngã ba Đồng Lộc vẫn sừng sững hiên ngang trường tồn. Trên trận tuyến ác liệt này, lực lượng Cảnh sát giao thông luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy, biết phát huy sức mạnh đoàn kết, hợp đồng chiến đấu với các lực lượng: công binh, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, công an xã; vận động nhân dân các xã Đồng Lộc, Mỹ Lộc, Thượng Lộc, Sơn Lộc, đồng lòng, đồng sức “Xe chưa qua, nhà không tiếc” để mạch máu giao thông luôn thông suốt. Vinh dự, tự hào, Tiểu đội Cảnh sát giao thông là đơn vị duy nhất tại Ngã Ba Đồng lộc được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng cả về cá nhân và tập thể, vì sự đóng góp xứng đáng của mỗi cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông.


Chiến tranh đã lùi xa hơn 1/3 thế kỷ, mỗi tên đất, tên làng, mỗi ngọn núi, dòng sông đều ngời lên những chiến tích của một thời hoa lửa. Cầu Nghèn, Cầu Già, Cầu Phủ, Phà Địa Lợi, Phà Linh Cảm, cầu Đò Trai và nhiều địa danh lịch sử vẫn còn đó. Hôm nay, trời đã xanh hơn, màu xanh đã trở lại trên mảnh đất đã hứng chịu nhiều bom đạn của kẻ thù. Cuộc sống mới đã hồi sinh trên “tọa độ chết” ở Ngã ba Đồng Lộc… Năm 1995, sau khi viếng thăm nơi này, nhà thơ Vương Trọng đã xúc cảm viết bài thơ Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc




…..Hai bảy năm trôi qua, chúng tôi không thêm một tuổi nào


Ba lần chuyển chỗ nằm lại trở về Đồng Lộc


Thương nhớ chúng tôi, các bạn ơi đừng khóc


Về bón chăm cho lúa được mùa hơn


Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo


Nắm mì luộc chia nhau, rồi vác cuốc ra đường.



Cần gì ư? Lời ai hỏi trong chiều


Chúng tôi chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu


Ngày bom vùi tóc tai bết đất


Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được


Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang


Cho mọc dậy vài cây bồ kết


Hương chia đều trong hư ảo khói nhang




Sau khi đọc xong bài thơ này, Đại tá Nguyễn Tiến Tuẩn – lúc đó là Giám đốc Công an Hà Tĩnh (trước đây là tiểu đội trưởng Tiểu đội CSGT ngã ba Đồng Lộc) đã trồng hai cây bồ kết tại khu mộ của 10 cô gái thanh niên xung phong – đồng đội cũ của ông. Ngày hôm nay, cây bồ kết xanh hơn dưới trời xanh Đồng Lộc. Các chị đã mát bóng cây che. Nhiều người đến di tích tâm linh này đều thắp những nén hương thơm để khắc ghi công lao 10 đóa hoa bất tử và nhớ về người anh cả của tiểu đội Cảnh sát giao thông Ngã Ba Đồng Lộc năm xưa, để “hương chia đều trong hư ảo khói nhang”.

Các thế hệ CSGT trở lại chiến trường ngã 3 Đồng Lộc


Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước Phòng CSGT và các đơn vị trực thuộc đã được Nhà Nước tặng thưởng hai huân chương chiến công hạng nhất, hai huân chương chiến công hạng Nhì, hàng chục bằng khen của Chính phủ, Bộ Công An, Ủy Ban Hành Chính Tỉnh. Tiêu biểu tiểu đội CSGT ngã 3 Đông Lộc, trạm CSGT Kỳ Anh và cá nhân đồng chí Nguyễn Tiến Tuẩn được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 2 đồng chí hy sinh anh dũng được công nhận là liệt sĩ, được tặng thưởng huân chương chiến công hạng nhì, 15 lượt chiến sĩ được tặng huân, huy chương các loại, 4 đồng chí được tặng huy hiệu Bác Hồ, nhiều cán bộ chiến sĩ được Bộ Công An, Ủy Ban Hành Chính Tỉnh tặng bằng khen, Ty Công an tặng giấy khen. Năm 2010, nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân, phòng Cảnh sát Giao thông Công an Hà Tĩnh đã được Đảng Nhà nước tặng danh hiệu: anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ.


Hà Tĩnh hôm nay đang trên đường phát triển. Những công trình, dự án tầm cỡ đã mọc lên. Từ thành thị đến nông thôn, bức tranh của cuộc sống thời đất nước, quê hương công nghiệp hoá- hiện địa hoá đã hồng thêm sắc mới. Những con đường lớn đã mở. Những con đường ngày xưa đã chở che biết bao cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông luôn mang trong mình khí thế oai hùng ra trận. Và những con đường ấy cũng đã chứng kiến một thế hệ lực lượng cảnh sát giao thông anh hùng đã cống hiến, hy sinh tuổi trẻ để góp phần cho Tổ quốc, non sông hòa bình, thống nhất, tươi sáng như hôm nay…







Xuân Lý – Đình Vũ

CAHT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP