Trong nước

Lũ lớn cùng áp thấp mới hình thành đe dọa khu vực miền Trung

Tại các địa phương từ Nam Thanh Hóa đến Hà Tĩnh lũ đang tiếp tục dâng cao. Thêm vào đó, trên biển Đông một áp thấp mới đã lại hình thành, đe dọa nước tràn bờ tại khu vực miền Trung.

Bão số 10 đã tan, nhưng những thiệt hại và dư âm do bão để lại thì chưa chấm dứt. Tại nhiều tỉnh thuộc khu vực miền Trung vẫn xuất hiện mưa to đến rất to khiến nước lũ tại các sông tiếp tục dâng cao, nhiều hồ đập bị vỡ và nguy cơ vỡ phải tiến hành xả nước.


Miền Trung mênh mông biển nước

Theo báo Người Lao Động đưa tin: Tại Nghệ An, việc xả lũ hồ Vực Mấu kết hợp với mưa lớn đã khiến tình trạng ngập úng tại huyện Quỳnh Lưu trở nên vô cùng nghiêm trọng, nước dâng cao “nuốt” kín nhiều mái nhà. Hiện các lực lượng chức năng đã tiến hành di dời khẩn cấp 500 trăm hộ dân tại thị xã Hoàng Mai và 200 hộ dân huyện Quỳnh Lưu nằm trong vùng nguy hiểm. Thêm vào đó, do lượng mưa quá lớn khiến nhiều hồ đập trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nguy cơ vỡ do mức nước quá cao. Để đảm bảo an toàn, một số đập như Đá Hàn, Nghi Công, Khe Làng (huyện Nghi Lộc), đập Hóc Nghĩa Thuận, hồ khe Chanh (xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn)… đã cho xử lý bằng cách hạ tràn, mở rộng tràn sự cố.

Đến trưa nay, tại Thanh Hóa đã có 2 đập thủy điện là Đồng Đáng (xã Trường Lâm) và Thung Cối (xã Phú Lâm) trên địa bàn huyện Tĩnh Gia bị vỡ. Đập bị vỡ kết hợp với lượng mưa lớn 550 mm đã khiến gần 5.000 hộ dân các xã Tân Trường, Trường Lâm, Mai Lâm, Trúc Lâm, Tùng Lâm, Hải Thượng… của huyện Tĩnh Gia và tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Tĩnh Gia bị ngập lụt nặng, có nơi ngập trên 0,5 m khiến trên 1.000 hộ dân bị cô lập hoàn toàn.

Lũ sẽ tiếp tục dâng cao, vùng áp thấp mới lại xuất hiện

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng và thủy văn T.Ư do chịu ảnh hưởng từ bão số 10, trong 24 giờ qua ở các tỉnh từ nam Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được phổ biến từ 100-200mm, một số nơi cao hơn như Tây Hiếu: 303mm, Quỳnh Lưu: 293mm.

Lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đang lên.Mực nước lúc 16h ngày 1/10 trên các sông như sau: sông Cả tại Nam Đàn: 4,79m, dưới BĐ1; sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt: 7,62m, trên BĐ1: 0,12m.

Dự báo đến ngày mai, 2/10, lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục lên. Từ đêm nay và ngày mai, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi sẽ lên lại. Trong đợt lũ này, các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi có khả năng lên mức BĐ1, có nơi trên BĐ1, riêng các sông ở Quảng Nam còn dưới mức BĐ1.

Trên khu vực giữa Biển đông tại vị trí hồi 13h chiều nay (1/10), một vùng áp thấp mới hình thành ở vào khoảng 12.5 – 13.5 độ vĩ Bắc, 111.5 – 112.5 độ kinh Đông nên khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và giông. Trong cơn giông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.

Mùa bão về mang theo bao nỗi âu lo, sẽ lại có những gia đình tan hoang do bão, để rồi lại bắt đầu gây dựng lại cuộc sống khi mùa bão qua đi, nếu không may mắn, năm sau lại tương tự như một cái “nợ đồng lần” với trời đất. Trong khi người dân vùng bão lũ bất khả kháng với những cơn thịnh nộ của giời với những ngồi nhà tạm bợ, thì những công trình “hoành tráng” kiên cố nhiều tỷ đồng cũng đổ sụp, nằm “mềm như bún” sau khi bão tan. Có lẽ sau mỗi mùa bão cũng cần đặt ra câu hỏi, vậy mất nhiều tiền xây dựng để cũng bị tan hoang như nhà tranh vách nứa thì có đáng không? Đừng nên đổ lỗi quá nhiều cho thiên tai mà trời lại thêm nổi giận.


Ngân Hà

Sống Mới

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP