Tin Hà Tĩnh

“Lời ru buồn” ở Rào Tre

Đến với bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, chúng tôi được chứng kiến cuộc sống mới, kinh tế phát triển của bà con đồng bào dân tộc Chứt. Hệ thống đường giao thông, điện lưới được kiên cố hóa, những ngôi nhà khang trang mọc lên mang đậm dấu ấn của những người lính mang quân hàm xanh. Tuy nhiên, bên cạnh gam màu sáng đó, bản Rào Tre vẫn còn văng vẳng đâu đây “lời ru buồn trên nương” do vấn nạn hôn nhân cận huyết thống mang lại. Và cũng như “chuyến đò hòa nhập” gần 30 năm về trước, những người lính Biên phòng Hà Tĩnh lại lặng thầm vào cuộc...

Những ngôi nhà được BĐBP Hà Tĩnh xây dựng cho đồng bào Chứt ở Rào Tre. Ảnh: Thái Kim Nga

Nỗi đau mang tên “hôn nhân cận huyết thống”

Sau 27 năm được BĐBP Hà Tĩnh giải cứu và tập trung nguồn lực xây dựng nên một bản Rào Tre hoàn toàn “thay da đổi thịt”, đời sống của 41 hộ gia đình đồng bào dân tộc Chứt đang ngày một phát triển, cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, trình độ dân trí và đời sống dân sinh không ngừng được cải thiện. Sẽ là một cái kết “không gì vui hơn”, một phần thưởng xứng đáng dành cho những cống hiến đầy tình thương và trách nhiệm của người lính Biên phòng Hà Tĩnh, nếu như bản Rào Tre không phải đối mặt với nỗi đau nghẹn lòng mang tên “hôn nhân cận huyết thống”. Cậu, chú lấy cháu, con cô, con chú, con bác, con dì làm vợ làm chồng của nhau... Chính kiểu “bắt cá ao nhà” đã mang lại những tấn bi kịch chất chứa nỗi đau xé lòng, khiến cho không ít dòng họ trong cộng đồng người Chứt ở đây ngày càng trở nên... “què quặt”.

Để cải thiện nòi giống cho bà con dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, chính quyền địa phương và BĐBP Hà Tĩnh đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao nhận thức, từng bước loại bỏ thói quen dùng “cây nhà lá vườn” trong hôn nhân. Tuy nhiên, do trình độ dân trí thấp, đời sống sinh hoạt vẫn còn nhiều lạc hậu nên “sứ mệnh” này không thể hoàn thành trong một sớm, một chiều.

Từ những năm 2000, BĐBP Hà Tĩnh đã thúc đẩy việc nâng cao dân trí cho bà con, đưa con em trong bản đến các trường học nội trú, bán trú trên địa bàn. Bởi, chỉ khi có “con chữ” thì mới mong loại bỏ được những mối nguy cơ tụt hậu trong cộng đồng. Đặc biệt, năm 2005, thông qua sự vận động, đề xuất của Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh, Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội đã đặc cách nhận hai học sinh ưu tú nhất bản là Hồ Viết Kham học hội họa và Hồ Thị Đỉnh Xuân học thanh nhạc hệ trung cấp 6 năm.

Những tưởng đây là hai nhân tố có thể làm thay đổi những quan điểm lạc hậu của đồng bào Chứt ở bản Rào Tre, chắp cánh để bà con đến chân trời mới, nhưng niềm hy vọng của người lính nhanh chóng tiêu tan khi chỉ qua 1 năm, hai “hạt giống” của bản đã bỏ học giữa chừng, quay trở về địa phương. Thì ra, cả hai không chịu được cảnh sống chung với... người lạ, nhớ bản mà về.

Trưởng bản Rào Tre Hồ Thị Kiên kể: “Ngay sau khi bỏ học, quay trở về bản, Hồ Viết Kham nằng nặc đòi cha mẹ mang bó củi đến đặt ở nhà Hồ Thị Sanh để hỏi cô gái này làm vợ. Chuyện sẽ không có gì để nói, nếu hai người không có quan hệ máu mủ ruột rà với nhau. Kết quả là hai vợ chồng lần lượt sinh hai đứa con èo uột, dị tật và đều chết yểu khi mới vừa lên 5 tuổi. Thảm kịch gia đình khiến cho hai người không thể vượt qua, đành bỏ nhau...”.

Theo chân Thiếu tá Trần Xuân Hùng, Đồn BP Bản Giàng và Trưởng bản Rào Tre Hồ Thị Kiên, chúng tôi đến thăm gia đình “cậu lấy cháu” Hồ Hải và Hồ Tường. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi chính là di ảnh của hai đứa trẻ đặt trên bàn thờ, cạnh đó là đứa nhỏ còi cọc khóc không ra tiếng. Bi kịch từ hôn nhân cận huyết thống không từ một ai.

Gần nhà Hồ Hải có đôi vợ chồng con anh lấy con em là Hồ Văn Hà và Hồ Thị Sâm. Họ cũng sinh được 3 đứa con đều phát triển không bình thường. Riêng đứa nhỏ nhất là Hồ Thị Trang (5 tuổi), khi sinh ra, cháu không có bàn chân nên suốt ngày tập tễnh bước thấp bước cao với đôi ủng. Trưởng bản Hồ Thị Kiên cho biết: Tất cả những đứa trẻ sinh ra từ hôn nhân cận huyết thống đều không bình thường, trở thành gánh nặng của gia đình. Và điều đáng buồn là ở bản Rào Tre hiện có rất nhiều cặp vợ chồng như thế. Họ sinh ra những đứa trẻ tàn tật, kém phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ, ảnh hưởng xấu đến chất lượng giống nòi.

Chị Hồ Thị Đỉnh Xuân đang chăm sóc đứa con trai kháu khỉnh. Ảnh: Viết Hà

Những mầm xanh chớm nở

Theo Trưởng bản Hồ Thị Kiên, việc thanh niên đồng bào Chứt lấy người nơi khác là rất khó vì “chẳng đứa nào chịu tiếp xúc với người lạ”. Ngày còn nhỏ, anh em, chú cháu chơi với nhau, thân quá mà phát sinh những mối tình tội lỗi. Cha mẹ không hề ngăn cấm vì cứ nghĩ đó là chuyện bình thường, nên nỗi đau kết hôn cận huyết thống cứ âm ỉ chưa thể dứt được.

Thế rồi, niềm vui cũng đến với những người lính Biên phòng và dân bản Rào Tre. Năm đôi uyên ương giữa thanh niên Rào Tre với người Kinh, Mã Liềng và người Chứt ở Quảng Bình do BĐBP Hà Tĩnh “se duyên kết tóc” dẫu còn ít nhưng đã thắp sáng niềm hy vọng cho cả một cộng đồng. Đại tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh chia sẻ: "Để có được thành quả nhỏ bé nhưng rất tốt đẹp ấy, BĐBP Hà Tĩnh đã làm đủ mọi cách, từ tuyên truyền, vận động, giáo dục đến hỗ trợ nguồn kinh phí, đề nghị địa phương cấp đất ở, đất sản xuất cho các cặp vợ chồng này để khuyến khích thanh niên trong bản. Với số vốn ban đầu 120 triệu đồng chúng tôi hỗ trợ, sẽ tạo nền tảng vững chắc cho các cặp vợ chồng trẻ phát triển”.

Chúng tôi đến nhà Lê Xuân Công và Hồ Thị Mai, hai vợ chồng được BĐBP Hà Tĩnh mai mối nên duyên năm 2015, nay đã cho ra “quả ngọt” là đứa bé trai kháu khỉnh gần 2 tuổi.

Đôi vợ chồng Võ Quốc Anh và Hồ Thị Đỉnh Xuân cũng nên duyên với nhau nhờ sự “mai mối” của Đồn BP Bản Giàng. Sau khi tổ chức lễ cưới, đôi vợ chồng này được BĐBP phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ nhà cửa, đất đai sản xuất nên kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Niềm hạnh phúc nhất của hai vợ chồng và cả Đồn BP Bản Giàng là Xuân đã sinh hạ cháu trai đầu lòng khỏe mạnh, kháu khỉnh.

Để đẩy lùi tình trạng hôn nhân cận huyết thống, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ cơ sở vật chất, BĐBP Hà Tĩnh còn thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động giao lưu giữa thanh niên bản Rào Tre với người Kinh ở xã Hương Liên, thậm chí mời cả thanh niên 2 dân tộc Chứt và Mã Liềng ở xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình sang gặp gỡ giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Những hoạt động tích cực như thế này hy vọng sẽ làm nảy nở thêm nhiều mối tình đẹp, góp phần bảo tồn và phát triển dân tộc Chứt, đưa bà con cập bến bờ hạnh phúc.

Tác giả: Thái Kim Nga - Viết Hà

Nguồn tin: Báo Biên Phòng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP