Tin Hà Tĩnh

Lộc Hà, Hà Tĩnh: Làng muối ngã ba sông

Đến với xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) thả hồn trước phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và lắng theo nhịp thở cuộc sống đang bừng lên mùa xuân, không ai không thể không nhắc tới những hạt muối trắng đã thấm mặn trong lời ru của bao thế hệ con người ở đây

Làng muối Hộ Độ bên mép sông Hà Hoàng

Xã Hộ Độ còn có tên làng cổ "Linh Độ Trại" được khai sinh từ năm Bính Thân (1836) vào đời Minh Mạng thứ 17, là một địa danh nổi tiếng về nghề muối nằm bên Ngã ba Sơn, nơi hội tụ của hai con sông lớn Hà Hoàng và Rào Cái. Ngã ngã sông này như một điểm nhấn trên bản đồ Hà Tĩnh, vạch lên hình vòng cung rộng lớn y hệt con rồng nước khổng lồ đang trong tư thế cựa mình lao ra biển, chính là Cửa Sót.

Không những vậy, nơi này còn được biết tới với vực nước được coi là thẳm nhất, xoáy và xiết nhất, đồng thời ẩn chứa nhiều giai thoại thảm thiết nhất! Với đặc thù về địa lí, vô hình dung từ xa xưa Hộ Độ bỗng trở thành “tai mắt” của Cửa Sót. Từ đó có thể dễ dàng quan sát hết thảy mọi động tĩnh của cả một vùng Nam Giới mênh mông.

Dẫu thời gian “vật đổi sao dời” cùng với biến thiên nghiệt ngã và thế cuộc hư hao!.. Song muôn thủa con sông Hà Hoàng vẫn tuân thủ quy luật bất biến của tạo hóa, đều đặn con nước thủy triều lên xuống ít nhất cho những “kẻ gàn dở” suốt đời lãng du theo vòng xe cút kít, chở nặng cả vựa muối dấu thương sang bên kia bến bờ thanh thản của phận kiếp! Hay anh ta đang ngủ quyên dưới con thuyền độc mộc lấp lánh ngàn sao cùng với giấc mơ bình dị vó câu chung thủy của mình, như thể chưa bao giờ bước ra khỏi quê hương bản quán vì cuộc kế mưi sinh nào, dù nhiều lúc anh ta cùng quẫn tưởng chừng không lối thoát!

Chùa Phổ Độ tại xã Hội Độ nhìn từ xa

Khi đã làm trọn bổn phận giữa vòng quay luân hồi hạt muối và gác lại mái chèo đa mang của mình dưới rặng bần chua, “kẻ gàn dở” vươn vai đứng dậy hít một hơi thật sâu rồi áp tai xuống mép sông vào một chiều con nước rặc, anh ta bỗng nghe tiếng cựa dưới lớp bùn đen kia đang vọng về lời ai oán của bao kẻ chinh phu, bao kẻ tội tù!.. Và giữa hỗn tạp của bao âm hồn rùng rợn ấy, anh ta chợt nghe văng vẳng tiếng khóc bi ai của một mảnh đời cô phụ đó đâu bên mép sông vắng ngóng chồng mà nước mắt chảy nhiều hơn mỗi độ triều lên, mặn hơn cả biển chát!

Chao ôi! Anh ta không thể tin nổi những giọt nước mắt đó lại kết tinh thành hạt muối Hộ Độ trắng muốt, dát lên miền quê anh như cả dải lụa long lanh tuyết sắc tự lúc nào mà chính tổ tiên anh cũng đâu hay!

Cũng vào cái chiều con nước rặc ấy, “kẻ gàn dở” lại bất chợt thấy dưới lớp bùn đen kia đang run rẩy hiện lên những vọng gác tiền tiêu, đồn bốt, thành lũy… mà anh ta từng ngỡ rằng tất cả đã thành phế tích! Và cứ thế anh ta lại lạc vào miên man những câu chuyện thực hư, hư thực nhưng luôn chung thủy với đức tin trọn vẹn bởi niềm kiêu hãnh đã chôn chặt vào chốn quê.

Rừng ngập mặn bên sông Hà Hoàng

Trước hết, nhắc tới Hộ Độ không thể nào không nói đến hạt muối trắng, còn được người dân nơi đây gọi là “vàng trắng”. Có thể nói, từ bao đời nay hạt muối Hộ Độ luôn đầy quyền năng như đấng Thượng thừa chi phối tất cả mọi sinh hoạt trong đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng làng xã, và ấn định lá số tử vi bản mệnh cho từng số phận con người ở đây từ buổi bắt đầu hoang thai cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay! Vậy mà hạt muối đến với Hộ Độ dấu yêu từ đâu và từ bao giờ cho tới nay vẫn chưa được sử sách nào nghi rõ?

Để vén mở bức màn bí ẩn đó ta có thể thử tự sắm cho mình một vai “kẻ gàn dở” thực thụ của làng diêm này mới lắng nghe được hơi ấm mặn nồng phả lên từ đồng muối trắng mênh mông kia. Và ở đó, ta sẽ được đưa về với thế giới truyền thuyết của loài hoa Muối biển, một loài hoa thiêng liêng quý hiếm có thể đến hàng chục năm, hàng trăm năm mới nở một lần nhưng nhất thiết phải nở trên chính đồng nại Hộ Độ.

Chuyện kể rằng, ngày xưa khi xứ này còn là vùng biên ải, dọc khúc sông Hà Hoàng tới Ngã ba Sơn thường xảy ra những cuộc thủy chiến tương tàn giữa các hùng tộc đứng lên xưng bá, xưng vương, biến dòng sông trở thành “sông máu”, xác người trôi dạt la liệt; quanh năm quạ kêu inh ỏi, oán than dậy trời! Bao cuộc thư hùng như thế cứ kéo dài hết năm này qua năm khác, giai đoạn này này đến giai đoạn khác ngỡ chẳng bao giờ kết thúc.

Đồng muối Hộ Độ bị bỏ hoang

Và một trong những giai đoạn được coi là thảm sử nhất bỗng xuất hiện hai vợ chồng nhà nọ làm nghề tiều phu dưới dãy Chân Tiên, và họ đã tạo nên một cuộc đổi thay khác biệt. Cuộc sống của họ tuy nghèo, nhưng vô cùng hạnh phúc. Nhất là sau khi biết được người vợ mang bầu, tuy vất vả nhưng người chồng một mực không để vợ cùng lên rừng chia sẻ gánh củi với mình nữa. Hàng ngày anh dậy sớm lo bếp núc giúp vợ xong xuôi đâu đó rồi vác đòn xóc chạy một mạch vào rừng chặt củi tranh thủ về sớm, mà lòng luôn ngập niềm vui!

Bao dự định cho ngày đón tiếng khóc chào đời đứa con đầu lòng của họ đang dệt thêu giấc mơ thần tiên ấy thì có lí nào mà trần gian phải ganh ghét!.?

Ngờ đâu, một hôm trong lúc người chồng vừa đặt gánh củi xuống trước sân, bỗng một đám quan quân triều đình ập đến đọc chiếu chỉ bắt chàng đi làm binh phu tận châu Đại Lý. Biết rằng, kiếp binh phu chốn biển độc, rừng thiêng khó lòng thoát khỏi cảnh tượng “đi dễ khó về” nhưng không thể chống lại được lệnh triều đình, nên người chồng chỉ biết quỳ xuống đất van xin đám quan quân được ở lại quê nhà thêm vài tuần trăng nữa, đợi đến ngày vợ khai hoa cho trọn đạo làm chồng, và được nhìn thấy đứa của con mình bằng da, bằng thịt ra làm sao thì dù phải chết nơi rừng hoang, biển vắng cũng thỏa lòng!

Sông nước Hộ Độ

Vậy mà lời thỉnh cầu thống thiết của của kẻ tiều phu đâu thấu nỗi lòng dạ những kẻ quan quân vô cảm như gỗ đá kia! Họ cứ lạnh lùng kéo chàng xồng xộc giữa hai hàng gươm giáo. Người vợ thấy vậy vội chạy theo ôm lấy chồng gào lên thảm thiết, nhưng đám người kia gạt nàng sang một bên và quất ngựa chạy vun vút. Trong khoảnh khắc, kẻ tiều phu chỉ kịp ngoái lại nhắn nhủ với vợ rằng:

- Em hãy về chăm lấy đứa con để sau này mà cậy dựa. Nếu anh không trở về thì đó cũng là duyên phận kiếp này. Trời đất sẽ chứng giám cho chúng ta, một ngày nào đó sẽ cho chúng ta gặp gỡ dưới suối vàng chuộc lại hạnh phúc ngàn thu!

Nhưng không! Người vợ bụng mang dạ chửa vẫn chạy như điên theo con đường bụi mờ phía trước. Và khi hoàng hôn bắt đầu lịm tắt cũng là lúc nàng kịp tới mép sông Hà Hoàng mang mang con nước triều buồn!

Không kịp nữa rồi! Nàng vô vọng gào lên một tiếng xé trời rồi ngất lịm đi. Có lẽ thấu được nỗi lòng của nàng! Như muốn cho nàng một cơ hội cuối cùng được thấy chồng mình, nên khi đoàn thuyền vừa tới ngã Ngã ba Sơn thì vực nước bỗng phình ra như một miệng phểu, vòng nước xoáy khổng lồ làm cho đoàn thuyền quay như chong chóng. Trong chốc lát, bão tố nổi lên ầm ầm!... Những con sóng dữ dằn dựng đứng cao hơn cột buồm thay nhau quất cả đoàn thuyền xuống vực thẳm!

Cầu Hộ Độ

Giữa lúc sông nước mờ mịt thì đột ngột một cơn đau thắt dữ dội như thể có chiếc xiềng sắt nặng ngàn cân đang từng khắc siết chặt lấy lồng ruột nàng! Một hòn máu đỏ bầm như trái táo chín bất ngờ vuột khỏi cơ thể nàng rụng xuống dòng sông! Không thể tin vào những gì vừa xảy ra quá nhanh, quá bất ngờ và quá nghiệt ngã đến vậy? Nàng chỉ biết chôn mình trong hoàng hôn tím tái mà khóc than! Nước mắt nàng cứ thế chảy mãi, chảy mãi như thể suối nguồn không bao giờ cạn, mặn thấm cả một vùng bến bãi mênh mông!

Sẻ chia với nỗi sợ hãi và cô đơn khủng khiếp của người cô phụ, chỉ còn lại những vạt bần chua lặng thầm con nước rặc và vài cánh sếu run rẩy đang chao lượn tìm nơi trú ẩn giữa mù sương.

Có giả thiết cho rằng, lời ai oán của cô phụ đã động đến Thủy thần nên bảy ngày, bảy đêm sau kể từ khi đoàn thuyền bị mất tích duy chỉ có xác của chồng nàng được nổi lên trôi dạt vào bờ. Thấy xác chồng, nàng liền nhảy xuống ôm vào lòng rồi gieo vào dòng trôi. Thi thể của hai vợ chồng tiều phu đáng thương được một kẻ ngư phủ sống độc thân từ xứ khác đến phát hiện thấy, trong lúc ông vừa đặt mẻ vó câu xuống lần đầu tiên trên khúc sông này.

Như linh tính mách bảo điều gì, kẻ ngư phủ đưa thi thể vợ chồng họ lên bờ chôn cất cẩn thận, rồi bỏ lại con thuyền độc mộc và vó câu của mình bên sông mà đi đâu cho tới nay vẫn là một dấu chấm hỏi? Cũng không hiểu sao, sau cái chết của vợ chồng tiều phu nạn binh đao trên khúc sông này từ đó bắt đầu chấm dứt, dòng nước trở lại hiền hòa như thủa chưa đặt tên!

Sông nước Hộ Độ

Mãi về sau có một người lái buôn dong thuyền buồm qua thấy phong cảnh nơi đây hữu tình, nhưng âm khí ngột ngạt. Bởi vậy, ông cho lập đàn cúng tế, thả bảy chiếc thuyền giấy bày sẵn các lễ vật chu đáo xuống sông rồi hương khói bảy ngày, bảy đêm liền. Đồng thời ông cho cất bốc hai ngôi mộ của vợ chồng tiều phu làm lễ thủy táng, rắc xương cốt của họ xuống sông Hà Hoàng với ý nguyện để cho họ và đứa con của họ được gặp nhau mà hạnh ngộ dưới suối vàng!

Người lái buôn đó chính là một vị tướng từng phò Vua đánh Đông dẹp Bắc, nhưng thấy cảnh thế sự nhiễu nhương nên ông đành gác kiếm sắm vai kẻ thương lái buôn đồ sành chu du khắp thiên hạ. Có lẽ miền đất này quá hấp dẫn và như một mối tiền duyên nào đó khiến ông không thể cưỡng lại nổi, vì thế cho nên sau chuyến đi ông quyết chọn này làm quê hương thứ hai để lập nghiệp.

Sau khi hai phần mộ của vợ chồng tiều phu được cất bốc xong, không ngờ dưới đó bỗng mọc lên một cây hoa Muối biển cao không quá chiếc đũa. Toàn thân, lá và hoa nhụy đều trong suốt một màu trắng như pha lê và tỏa ra mọt mùi nồng thơm rưng rức! Người lái buôn chưa kịp động tới thì bỗng chốc cành hoa kia đã tan chảy thành nước, để lại một lớp váng mây màu trắng phủ dày khắp bãi bồi!

Không nghi ngờ gì nữa! Đây chính là vùng đất trời trao cho bổn phận phải gìn giữ lấy những giọt nước mắt của người cô phụ năm xưa đã được thấm mặn hóa thành cả vựa muối cho ngàn đời, mà ông là người đầu tiên may mắn được biết tới.

Đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng rất có thể nghề làm muối Hộ Độ được bắt đầu từ đó, và ông Tổ của nghề muối không ai khác chính là bậc trung quân trong vai kẻ lái buôn kia.

Chùa Phổ Độ tại xã Hộ Độ, một ngôi chùa có từ lâu đời mới được phục dựng

Còn có giả thiết đặt ra rằng, gò đất nơi hai phần mộ của vợ chồng tiều phu được kẻ ngư phủ tốt bụng chọn làm nơi chôn cất rất là bãi bồi Hà Voọc ngày nay. Hà Voọc cũng chính là một trong những đồng nại nổi tiếng xuất hiện lâu đời nhất ở Hộ Độ. Như hạt gạo được ví là “ hạt ngọc” của trời, thì muối lại được ví “vàng trắng” của trời. Từ xa xưa người dân Hộ Độ đã thấm nhuần được điều đó và họ tự biết bổn phận của mình như thế nào. Vậy nhưng, để làm ra được hạt muối đến tay người dùng đâu dễ! Bởi nghề này khác nào chơi trò đánh bài ngửa với ông trời, mà lá bài may mắn đâu phải lúc nào cũng thuận ý họ.

Trước hết muốn làm ra hạt muối phải bắt đầu từ công việc dọn ô nại. Mỗi ô nại thường có diện tích khoảng 500m2 được láng bằng chất liệu vôi hàu và cát đen lấy từ dưới sông lên, trộn với mật mía, nhào thật kỹ mới có độ kết dính và đàn hồi cao, giảm thiểu được tình trạng nước biển thấm xuống phía dưới. Trên bề mặt ô nại được đánh bóng một lớp tro bếp màu đen để dễ hấp thụ nhiệt.

Xung quanh ô nại còn được xây dựng cả một hệ thống kênh mương số 2 và số 3, sân kết tinh... Nước biển thông qua kênh số 2 đến kênh số 3 bắt đầu thẩm thấu vào ô nại qua hệ thống mao dẫn đã được chia ra từng hàng, mỗi hàng rộng khoảng 10cm, sâu khoảng 30cm. Từ đó, nước ngấm vào lớp cát đã được phăng đều trên ô nại với bề dày khoảng 1 cm.

Ô nại bị làm muối bị bỏ hoang

Nhờ nắng nóng mặt trời, cao điểm nhất là khoảng thời gian từ 13 giờ đến 15 giờ cát càng thấm độ mặn cao nhất, nên ngay sau thời điểm này người ta tranh thủ gom cát lại cho lên xe cút kít chở đổ vào chạt. Mỗi chạt dài khoảng 4m, rộng khoảng 80cm, sâu khoảng 30cm, dưới chạt còn có một lớp đáy hình chữ V được lót bằng than hoạt tính, than đá và sỏi cuội; trên miệng phễu chữ V được lót một lớp phên nứa để ngăn cát lọt xuống phần dưới.

Sau khi đổ cát phơi xuống chạt, người ta tiếp tục múc nước từ kênh số 3 đổ vào nhằm hòa tan lượng muối li ti trong cát. Từ chạt, nước thông qua hệ thống ống dẫn nước chảy sang giếng bào; mỗi giếng bào thường chứa khoảng 1/4m3 nước đã có đủ độ mặn từ 18 đến 20 độ bô- mi- biểu. Từ giếng bào, nước được múc ra đổ vào sân kết tinh. Sân kết tinh bao giờ cũng liền kề ô nại và thường có diện tích khoảng 140m2 , trong đó được chia làm 7 ô nhỏ để tránh bị gió đàn thành sóng mới nhanh ra sản phẩm.

Trước khi múc nước từ chạt ra giếng bào, cát trong chạt được xúc lên gom thành đống để vào một góc. Trong khoảng thời gian đó, một lớp cát khác lại được đưa vào phăng đều trên ô nại chờ đến chiều hôm sau lại xúc đổ vào chạt. Khi thứ cát này được đổ vào chạt xong, người ta lại lấy đống cát chiều hôm trước đem ra phăng lại. Bởi vậy, người dân Hộ Độ có câu: “Đời ông cho chí đời cha/ Cũng chừng ấy cát xe ra xe vào/ Đời chắt đời chít ngàn sau/ Cũng chừng ấy cát xe vào xe ra”… Cứ thế vòng quay của hạt muối cũng như đời người, hết thế hệ này đến thế hệ khác gắn kết với nhau giữa buồn vui bất biến!

Ngã ba Cửa Sót

Nhận thấy Hộ Độ là vựa muối khổng lồ và có giá trị chất lượng đặc biệt. Vì thế, trước đây người Pháp đã cho đặt nhiều đồn Tây bốt và xây chợ Trại để kiểm soát và thu mua muối phục vụ cho chính sách cai trị của chúng. (Theo nhiều tài liệu có được, trung bình mỗi năm người Pháp thu lợi từ nguồn thuế muối tại Hộ Độ từ 43.500 đồng tiền Đông dương trở lên, đủ cho thấy hoạt động của nghề muối ở đây là rất lớn). Sau khi đất nước giành độc lập, nghề muối được phát triển mạnh mẽ.

Cao điểm nhất là năm 1974 thực hiện Nghị quyết Đảng bộ xã phát động phong trào “Hổ thét xung thiên” có tới 300 hộ gia đình đã tự nguyện di dời nhà ở của mình để mở rộng thêm 45 ha diện tích đồng muối, nâng tổng diện tích đồng muối giai đoạn đó lên gần 2.000 ha, góp phần nâng năng suất sản lượng muối liên tục đạt gần 12.000 tấn/ vụ mùa.

Đến nay hầu hết bà con diêm dân Hộ Độ đã chuyển sang làm các nghề nghiệp khác với có thu nhập cao hơn như nghề thầu khoán; vận tải đường sông; dịch vụ, nhà hàng… đặc biệt là nghề nuôi trồng Thủy sản với diện tích được mở rộng lên tới 83 ha, đang trở thành một hiện tượng trong khâu đột phá kinh tế địa phương. Điển hình trong đó có ông Nguyễn Văn Mại ở xóm Xuân Thanh đã nhanh nhạy trong việc áp dụng khoa học để thâm canh nghề nuôi tôm nước lợ, trung bình mỗi vụ mùa cho thu về trên 10 tỷ đồng tiền lãi, đồng thời giải quyết việc làm cho gần 50 lao động có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định.

Cầu Hộ Độ

Trong những năm qua nhờ thực hiện tốt những chính sách đổi mới, bộ mặt nông thôn Hộ Độ không ngừng khởi sắc, đời sống vật, chất tinh thần của người dân không ngừng nâng lên. Đáng chú ý là vào năm 2016 Hộ Độ trở thành một trong 5 xã đầu tiên của hyện Lộc Hà chính thức hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Phong trào Nông thôn mới.

Trong chiến lược phát triển lâu dài của địa phương, Hộ Độ đã chủ động quy hoạch 20 ha diện tích ô nại, đầu tư hẳn cho 250 hộ bà con diêm dân chuyên canh làm nghề muối. Vậy nhưng, xem ra nghề muối cũng ở đây cũng chẳng còn mặn mà gì với bà con diêm dân nưã. Bởi để giá thành của sản phẩm hạt muối làm ra quá thấp so với công sức và vốn liếng của bà con bỏ ra. Bởi thế, trong nhưng năm qua hầu hết bà con diêm dân Hộ Độ đã bỏ nghề muối chuyển đổi sang làm những ngành nghề khác.

Bà Trương Thị Xoan (61 tuổi) , ở thôn Vĩnh Phúc xã Hộ Độ cho biết: “Suốt mùa hè nắng nóng cả nhà bà lăn ra giữa đồng muối bỏ công làm lãi nhưng vẫn không đủ ăn. Lý do là giá thành hạt muối quá thấp, giữa mùa chỉ có 2.000 đồng/1kg, lúc nào được giá lắm cũng chỉ 3.000 đồng/1kg. Trong lúc đó mỗi ngày 3 lao động trong nhà giỏi lắm cũng chỉ sản xuất được 1 tạ muối mà chỉ bán ra chỉ được 200.000 đồng đến 300.000 đồng là cùng. Chưa kể trước khi vào vụ mỗi vụ muối mới bà con diêm dân còn phải bỏ ra nhiều khoản chi phí sửa sang lại ô nại."

Đầu xuân năm mới, chúng tôi có dịp về Hộ Độ giữa một chiều nắng ấm mà cảm thấy chạnh buồn, khi dọc triền đê đầy nắng gió thấy những đồng muối bỏ hoang. Lúc này lòng dạ chúng tôi chỉ ước làm sao được nhìn thấy loài hoa Muối biển đang nở bung dưới những ô nại bàn cờ!

Bút kí của NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

Nguồn tin: Báo Dân sinh

  Từ khóa: ngã ba sông , làng muối , Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP