Giáo dục

Lo ngại “quái xế tuổi teen" hoành hành trên đường phố

Tình trạng học sinh vi phạm Luật an toàn giao thông đường bộ có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.900 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích.

Cảnh sát giao thông xử phạt học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm.

Trong đó, học sinh trung học phổ thông gây ra tai nạn giao thông đang có chiều hướng gia tăng. Hiện, cả nước có khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên. Số học sinh, sinh viên tham gia giao thông rất lớn. Trong số các vụ tai nạn giao thông đã xảy ra, không ít học sinh vừa là nguyên nhân gây ra tai nạn, vừa là nạn nhân rất thương tâm.

Tại nhiều thành phố lớn, không khó để bắt gặp cảnh vào đầu giờ sáng và giờ tan học trưa - chiều, nhiều học sinh đi xe đạp điện và xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, đi thành hàng hai, hàng ba, phóng nhanh, vượt ẩu... Hầu hết học sinh đều cho biết, đã được nhà trường dạy về an toàn giao thông và tuyên truyền chấp hành Luật An toàn giao thông đường bộ, tuy nhiên do vô vàn lý do nên nhiều học sinh không chấp hành luật.

Học sinh Nguyễn Ngọc Quỳnh, ở Hà Nội ngang nhiên đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm với lý do nhà gần và nóng... Học sinh này cho biết, dù nhà trường vẫn thường xuyên tuyên truyền Luật Giao thông, tuy nhiên vẫn có không ít học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện. Một số học sinh còn đi hàng 2, hàng 3, phóng nhanh vượt ẩu.

Xuất phát từ thực tế này nên năm nay, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lấy chủ đề là Năm an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên và văn hóa khi tham gia giao thông.

Lực lượng chức năng, nhất là Cảnh sát giao thông đã tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm soát và tiến hành xử phạt nhiều trường hợp học sinh đi xe đạp điện và xe máy điện chở ba người, lạng lách đánh võng trên đường, vượt đèn đỏ, vi phạm tốc độ…

Trung tá Nguyễn Như Quyết, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 2, Công an thành phố Hà Nội cho biết bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý học sinh vi phạm và gửi thông báo đến nhà trường để răn đe, giáo dục pháp luật cho học sinh: "Tổ tuần tra, kiểm soát và xử lý các loại vi phạm theo hướng dẫn. Thứ nhất là người điều khiển phương tiện giao thông cho các cháu trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm. Hai là những người điều khiển xe đạp điện, xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Khi xử lý thường phụ huynh đưa ra lý do vội nên không kịp cầm mũ. Lý do của học sinh, sinh viên đội mũ ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Đây là quy định của pháp luật, tuyên truyền, nhắc nhở rồi nhưng vẫn không chấp hành phải xử lý".

Về phía ngành Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn giao thông cho học sinh; đưa nội dung giảng dạy về ý thức chấp hành luật lệ giao thông, văn hóa giao thông vào các cấp học từ mầm non đến đại học.

Các trường phổ thông tổ chức ký cam kết với phụ huynh tuyệt đối không được giao xe gắn máy cho học sinh khi chưa đến tuổi tham gia giao thông. Đối với các trường đại học, cao đẳng, tuyên truyền đến sinh viên vừa nắm được pháp luật về về an toàn giao thông vừa tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Trần Việt Nam An, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ - Hà Đông, Hà Nội cho biết: "Trường tuyên truyền về an toàn giao thông tổ chức các mục phỏng vấn hay tờ vấn đáp dành cho học sinh để hỏi về an toàn giao thông. Nhà trường tổ chức buổi giao lưu sáng thứ hai. Các lớp đóng những tiểu phẩm liên quan đến an toàn giao thông, thông qua môn giáo dục công dân. Về học sinh đội mũ bảo hiểm, nhà trường cũng đã tuyên truyền, nhắc nhở đối với những bạn không đội mũ bảo hiểm. Trường cử giám thị ra ngoài đầu đường để kiểm tra".

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa để đảm bảo an toàn giao thông cho chính bản thân và những người tham gia giao thông, học sinh cần phải được nâng cao nhận thức và rèn luyện ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ ngay từ khi đang ngồi ghế nhà trường. Đây không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường, cơ quan chức năng mà hơn thế rất cần sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Các bậc phụ huynh phải thường xuyên nhắc nhở, trang bị những kiến thức cần thiết cho con em để khi tham gia giao thông đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và những người xung quanh./.

Tác giả: Thu Hiền

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP