Tin Hà Tĩnh

Liên quan vụ xe qúa khổ, quá tải rầm rập ở "thủ phủ cát" tại Hà Tĩnh: Lộ diện nhiều bến bãi cát "phạm luật"…!

Nhiều bến bãi tập kết cát tại “thủ phủ cát” lớn nhất Hà Tĩnh bị phát giác chưa có đủ thủ tục giấy phép nhưng đã triển khai hoạt động, tiếp tay cho phương tiện quá khổ, quá tải lộng hành khiến dư luận bức xúc suốt thời gian qua.

Xuất phát từ vụ việc việc xe quá khổ, quá tải rầm rập tiêu thụ cát trên địa bàn xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân(Hà Tĩnh) trong suốt thời gian dài, gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ phá hoại công trình giao thông nhưng không được ngăn chặn. Người dân còn “tố” rằng có những “bất thường” trong việc cấp phép, kiểm soát hoạt động bến bãi tại khu vực này.

Tìm hiểu bước đầu chúng tôi được biết, địa bàn xã Xuân Lam hiện có năm đơn vị đang sử dụng đất ven sông làm bãi tập kết. Đó là Công ty Cát sỏi Miền Trung; Công ty Tư vấn và Xây dựng Á Châu; Công ty Tân Sơn Thủy; Doanh nghiệp tư nhân Lam Hồng; HTX Xuân Lam.

Từ hiện trường cho thấy, dọc tuyến bờ Sông Lam chừng hơn 2km đang được các đơn vị này sử dụng đã được cải tạo, san lấp, mở luồng lạch để tàu ra vào cung ứng cát, tình trạng bờ sông sạt lỡ, xâm lấn đất liền diễn ra ngày một nghiêm trọng. Trên bờ là những đống cát chất thành núi cao ngất ngưỡng che hết cả tầm nhìn, theo lối được đấu nối tùy tiện với QL 1A là từng “tua” phương tiện vận tải ra vào bãi, trên thùng là những khối cát được chất cao hơn đầu xe.

Người dân địa phương cho biết, khoảng ba năm trở lại nay bãi cát mọc lên trên địa bàn chi chít, cánh đồng rộng lớn để chăn thả gia súc nay đã được sử dụng làm bãi tập kết cát, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong đó vấn đề môi trường, an toàn cho người tham gia giao thông, an toàn công trình giao thông luôn khiến người dân lo lắng, bức xúc bởi hoạt động bến bãi đang diễn ra theo kiểu “mình thích thì mình làm thôi”.

Việc cấp phép bến bãi chi chít, người chăn nuôi gia súc gặp rất nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Văn Hùng-Một người dân địa phương thắc mắc: “Cát họ khai thác ở đâu về nhiều thế, chỉ tính trên bãi hiện có là rất lớn, khó có thể ước lượng. Ban ngày cát được bán đi ngót bãi thì sang mai đã thấy chất đầy cao như núi…”.

Ông Nguyễn Vĩnh Thọ- Chủ tịch UBND xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân cho biết: “Các đơn vị này đều được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thuê đất làm bãi tập kết cát. Riêng địa phương thì không được lợi gì từ các bãi tập kết vật liệu này”.

“Hầu hết các bãi tập kết đều nằm sát quốc lộ 1A nên những lúc gió Nam thổi mạnh cát từ các bãi bay tràn ra quốc lộ, gây ảnh hưởng đến giao thông, môi trường xung quanh. Đã nhiều lần chính quyền địa phương phải gọi điện cho các chủ bãi yêu cầu quét dọn để tránh tai nạn xẩy ra. Tuy nhiên các đơn vị cũng chỉ giải quyết tạm thời...”, ông Thọ nói.

Bãi cát khổng lồ án ngữ bên bờ sông Lam

Ông Thọ cho biết thêm, dù các bãi tập kết này được cấp phép hoạt động khá lâu trên địa bàn nhưng đến nay các thủ tục của từng đơn vị vẫn chưa được hoàn thiện. Theo ông Thọ, riêng thủ tục cho phép sử dụng Bến thủy nội địa của các đơn vị nói trên đều chưa có nhưng vẫn tự ý tổ chức hoạt động.

Để nắm bắt rõ hơn về thực trạng hoạt động cũng như thủ tục cấp phép bến bãi tại khu vục nói trên, phóng viên đã trực tiếp nhiều lần lien hệ làm việc với Phòng TN&MT huyện Nghi Xuân. Tuy nhiên, chỉ cho biết khu vực này do tỉnh cấp phép, quản lý rồi tìm cách trốn tránh trách nhiệm, không phối hợp cung cấp thông tin.

Khu vực ra vào bến bãi nối với QL1A, các phương tiện chạy bụi bay mù mịt nhưng các chủ bải không thực hiện cam kết môi trường, tưới nước

Trở lại vấn đề xe chở quá khổ, quá tải lộng hành ở khu bãi cát, ông Nguyễn Văn Thành- Trưởng Phòng Khoáng sản thuộc Sở TN&MT Hà Tĩnh chia sẽ: “Đã lâu rồi không thấy các lực lượng liên ngành phối hợp xử lý xe quá tải, quá khổ. Hoạt động bến bãi tại khu vực xã Xuân Lam do Sở Xây dựng quy hoạch chúng tôi cũng đang nắm lại để tổng hợp, báo cáo…”.

Được biết, thủ tục để cấp phép cho một đơn vị hoạt động bến bãi, phải được thông qua nhiều cơ quan chức năng, sở ngành họp bàn, phê duyệt xem xét có đảm bảo điều kiện rồi mới đi đến thống nhất cho phép hoạt động hay không. Thế nhưng, khi làm việc với các cơ quan chức năng sở tại đề cập đến vấn đề hoạt động bến bãi tại “thủ phủ cát” lớn nhất Hà Tĩnh lại như rắn mất đầu, không nắm được sự việc liên quan, đùn đẩy trách nhiệm.

Câu hỏi đặt ra là thời gia qua các cơ quan quan chức năng kiểm soát bằng cách nào, có những vấn đề “bất thường”...?

Bãi tập kết cát nằm sát QL 1A, không đảm bảo an toàn hành lang an toàn giao thông

Chia sẽ những khó khăn trong vấn đề ngăn chặn phương tiện quá khổ, quá tải đang lộng hành tại “thủ phủ cát”, Thượng tá Nguyễn Chiến Thắng – Phó phòng CSGT đường bộ, đường sắt Hà Tĩnh cho biết: “Thực trạng trên là có, quá trình xử lý lực lượng CSGT luôn gặp nhiều khó khăn khi chủ phương tiện luôn tìm cách đối phó. Lái xe luôn theo dõi lực lượng hoạt động, khi biết tổ không tuần tra mới hoạt động, thiếu ý thức tự giác chấp hành pháp luật…”.

Các bến bãi phải cam kết không xuất hàng quá tải

“Muốn ngăn chặn được tình trạng xe quá khổ, quá tải lộng hành trước hết các chủ mỏ, bến bãi phải gương mẫu chấp hành, lắp đặt hệ thống kiểm soát tải trọng không xuất hang quá tải. Tới đây chúng tôi sẽ làm việc với chủ bến bãi yêu cầu phải thực hiện như vậy nếu không sẽ có biện pháp mạnh hơn. Tuy nhiên, để làm được việc này phải có sự phối hợp của nhiều lực lượng, có những việc không nằm trong thẩm quyền của CSGT”, ông Thắng nói.

Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh

Tác giả: Đức Cảnh- Sỹ Thông

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP