Tin Hà Tĩnh

Lật lại sai phạm ở Quỹ tín dụng nhân dân xã Cẩm Bình: “Cháy nhà ra mặt chuột”

Không những suốt nhiều năm liền “làm mưa, làm gió” ở một vùng quê vốn yên ả bao đời như để xảy ra hàng loạt sai phạm trong công tác quản trị, điều hành ở xã Cẩm Bình, Huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Các thành viên Quỹ TDND xã Cẩm Bình gặp trao đổi với PV về những sai phạm của lãnh đạo Quỹ. Ảnh: P.V

Báo Điện tử Biên phòng đầu tháng 4-2017 đăng tải loạt bài điều tra: “Hàng loạt sai phạm ở Quỹ tín TDND xã Cẩm Bình”. Sau khi báo phản ánh, được dư luận đánh giá rất cao. Mặc dù các sai phạm đã được phản ánh rõ ràng, nhưng lãnh đạo Quỹ vẫn chây lỳ, không chịu khắc phục những sai phạm của mình. Cùng với đó là sự thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng, đã vô tình “tiếp sức” cho bộ máy lãnh đạo Quỹ vốn đã “lộng quyền” nay càng “bất chấp” pháp luật.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục phản ánh những sai phạm của ông Trần Hữu Đỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và ông Trần Hữu Quý, Giám đốc Quỹ đã vi phạm quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quỹ, giấy tờ có giá theo khoản 1, Điều 37, Thông tư số 01.

Cụ thể, tại Kết luận số 318 của giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ: Ông Trần Hữu Đỉnh, Chủ tịch HĐQT và ông Trần Hữu Quý, Giám đốc Quỹ có các vi phạm: Không ban hành đầy đủ, cụ thể quy định nội bộ về quản lý, giao dịch kho quỹ; Có trách nhiệm chính trong quá trình chỉ đạo, thực hiện việc sử dụng két sắt đã bị lộ bí mật vào bảo quản tiền mặt của Quỹ trong thời gian dài; Có trách nhiệm chính trong việc để xảy ra tình trạng cán bộ Thủ quỹ khi chuyển sang nhận nhiệm vụ khác nhưng không bàn giao đủ chìa khóa két sắt cho Thủ quỹ mới.

Cũng theo kết luận số 318, việc ban hành quyết định đình chỉ công tác chị Nguyễn Thị Hương, Thủ quỹ thời hạn 90 ngày, vì lý do làm mất chìa khóa là không thỏa đáng; buộc bà Hương thôi việc là không đúng với quy định của pháp luật. Trong khi đó, các vi phạm tương tự về việc làm mất, làm lộ chìa khóa két tại Quỹ như bà Hoàng Thị Thu Hiền, thủ quỹ; ông Trần Hữu Đỉnh, chủ tịch HĐQT; ông Trần Hữu Quý, Giám đốc Quỹ lại không bị xử lý kỷ luật là không đảm bảo sự công bằng, minh bạch.

Kết luận 318, nêu rõ những sai phạm của lãnh đạo Quỹ TDND xã Cẩm Bình và một số cá nhân liên quan trong việc để lộ bí mật vì mất chìa khóa két. Ảnh: P.V

Trên cơ sở Kết luận 318, chúng tôi tìm hiểu và được biết: Sau ngày Quỹ khai trương, lãnh đạo Quỹ đã tổ chức mua két sắt để bảo quản tiền gửi của Quỹ. Tuy nhiên, khi mua két về, lãnh đạo Quỹ đã để mất 2 chìa khóa của một ổ khóa két, thế nhưng không báo cáo với NHNN tỉnh để có biện pháp và cũng không chỉ đạo thay ổ khóa két mới mà vẫn để sử dụng. Nguy hiểm hơn, lãnh đạo Quỹ còn để bà Hoàng Thị Thu Hiền khi bàn giao nhiệm vụ Thủ quỹ cho chị Nguyễn Thị Hương nhưng vẫn cố tình giữ một số chìa khóa két mà không ai biết.

Mãi cho đến ngày 20-6-2016, chị Nguyễn Thị Hương, Thủ quỹ hết giờ làm việc về nhà đã để quên chùm chìa khóa trên bàn, trong phòng làm việc của Quỹ và sau đó không lâu, chùm chìa khóa chị Hương để quên bỗng dưng biến mất thì sự việc mới vỡ lẽ.

Mặc dù chị Hương đã lập tức báo cáo lãnh đạo Quỹ để niêm phong két và chị Hương đã tạm bỏ tiền mua két mới để thay thế kịp thời, nên không xảy ra bất cứ sự cố nào, thế nhưng, thật trớ trêu, sau đó ông Trần Hữu Quý, Giám đốc Quỹ đã ký quyết định đình chỉ công tác chị Hương 90 ngày, khi chị Hương đang nuôi con nhỏ chưa được 5 tháng tuổi, với lý do làm mất chùm chìa khóa. Chưa dừng lại ở đó, khi hết thời gian đình chỉ công tác chị Hương, vị lãnh đạo này lại không ngần ngại ký quyết định buộc thôi việc chị Hương cũng với lý do như trên. Trong khi đó, việc lãnh đạo Quỹ là Chủ tịch HĐQT và Giám đốc làm mất chìa khóa két ngay từ khi mua về còn bà Hiền giữ chìa khóa két khi không còn giữ nhiệm vụ Thủ quỹ một thời gian dài, lại không bị xử lý bất kỳ hình thức nào.

Đánh giá về vụ việc này, ông Nguyễn Huy Tiến, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc xử lý kỷ luật chị Hương như vậy là quá nặng, không căn cứ vào mức độ vi phạm và hậu quả của vi phạm, không công bằng với các vi phạm tại Quỹ. Cũng theo Giám đốc Tiến, nếu so sánh nguy cơ mất an toàn kho quỹ, làm lộ bí mật do mất chìa khóa két của 3 trường hợp trên, thì trường hợp ông Đỉnh, Chủ tịch HĐQT và ông Quý, Giám đốc là thời gian dài nhất (3 năm, 2 tháng), tiếp đến là bà Hiền (1 năm); trường hợp chị Hương làm mất, đã kịp thời có báo để có biện pháp ngăn chặn và thay két mới nên khoảng thời gian có nguy cơ mất an toàn kho quỹ là ngắn nhất.

Như vậy, dễ dàng hiểu rằng, việc lãnh đạo Quỹ để mất 2 chìa khóa ngay từ ngày đầu mua két và việc bà Hiền sau khi bàn giao nhiệm vụ Thủ quỹ nhưng vẫn giữ một số chìa khóa két là vi phạm nghiêm trọng vào quy định của Thống đốc NHNN, nhưng lại không bị xử lý. Chưa nói đến, nếu sự việc không được Thanh tra NHNN tỉnh “phanh phui” thì không biết sự việc sẽ đi đến đâu???

Trước sự việc trên, không chấp nhận với cách hành xử của lãnh đạo Quỹ, chị Hương đã làm đơn khởi kiện lãnh đạo Quỹ ra Tòa án nhân dân (Tòa án) huyện Cẩm Xuyên. Đơn khởi kiện của chị Hương đã được Tòa án huyện chấp nhận thụ lý vụ án Lao động số 01. Để bảo đảm nguyên tắc tố tụng đúng quy trình pháp luật, Tòa án đã tổ chức hòa giải nhiều lần. Nhưng với tính quan liêu, bảo thủ, lãnh đạo Quỹ cứ khăng khăng cho rằng tất cả những quyết định đã ký để xử lý chị Hương đều đúng pháp luật.

Khôi hài hơn, lãnh đạo Quỹ còn đưa ra 2 phương án nếu chị Hương rút đơn kiện sẽ cho chị Hương trở lại làm việc sau 3 tháng, hạ mức bồi hoàn két xuống 40%, thời gian bị buộc thôi việc là thời gian nghỉ không lương, về chính trị được xem là đã khắc phục hoặc hạ mức kỷ luật từ buộc thôi việc xuống hình thức kỷ luật là kéo dài thời gian nâng lương, sau 6 tháng nếu chị Hương có nhu cầu sẽ nhận trở lại...

Quyết định đình chỉ công tác 90 ngày và Quyết định sa thải chị Nguyễn Thị Hương. Ảnh: P.V

Biên bản hòa giải với những phương án khôi hài được lãnh đạo Quỹ TDND xã Cẩm Bình đưa ra để thỏa thuận với chị Hương. Ảnh: P.V

Quyết định hủy Quyết định buộc thôi việc chị Hương nhằm trốn tránh trách nhiệm khi Tòa án đã thụ lý và đưa ra xét xử vụ án. Ảnh: P.V

Các phương án trên đã không được chị Hương chấp nhận. Các phiên hòa giải bất thành, Tòa án đã tiến hành mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án. Điều trớ trêu, khi phiên tòa mở xét xử lần 1, một trong hai bị đơn là ông Trần Hữu Quý, Giám đốc Quỹ đã biện lý do để xin vắng mặt, buộc phiên tòa phải hoãn. Thế rồi, sau một thời gian, phiên tòa được mở lần 2, như một kịch bản được dựng sẵn, đến lượt bị đơn thứ hai là ông Trần Hữu Đỉnh, Chủ tịch HĐQT cũng làm văn bản xin được vắng mặt tại phiên tòa. Vậy là thêm một lần nữa phiên tòa lại phải hoãn.

Có một sự “ngẫu nhiên” thật khôi hài, chỉ trước vài ngày Tòa án mở phiên tòa lần thứ 2, ông Trần Hữu Đỉnh, Chủ tịch HĐQT Quỹ đã ký Quyết định hủy Quyết định buộc thôi việc chị Nguyễn Thị Hương, với lý do: “Ngày 21-7-2017 HĐQT họp đã xem xét quyết định buộc thôi việc chị Hương vì hình thức hơi nặng ảnh hưởng đến việc làm của người bị kỷ luật; Xét công đóng góp của chị Hương và gia đình ở thời gian đầu xây dựng Quỹ”... để mời chị Hương trở lại làm việc.

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Lương Hữu Bàng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: “Việc HĐQT Quỹ ra Quyết định hủy Quyết định buộc thôi việc chị Hương là đơn phương, tùy tiện, không đảm bảo giải quyết đầy đủ hậu quả do quyết định sa thải đã gây ra cho chị Hương nên chị Hương không có nghĩa vụ, trách nhiệm phải thực hiện quyết định này. Đồng thời, chính họ đã tự thừa nhận sai phạm của mình khi áp đặt biện pháp kỷ luật sa thải đối với chị Hương”.

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: Báo Biên Phòng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP