Lao Động - Việc Làm

Lao động nước ngoài tại Khu kinh tế Vũng Áng: Địa phương mất kiểm soát việc cấp phép?

Hiện tại, Khu kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có hàng ngàn lao động (LĐ) nước ngoài đang làm việc, thi công các dự án tại đây. Tuy nhiên, con số cấp giấy phép cho LĐ nước ngoài lại quá ít ỏi so với thực tế. Không có cách hiểu nào hơn là các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý, mất kiểm soát với số LĐ nước ngoài.

Nhiều lao động nước ngoài đang làm việc tại dự án Formosa.

Mỗi ngành một con số!

Những ai đặt chân đến địa bàn huyện Kỳ Anh vào thời điểm này, rất dễ dàng bắt gặp người LĐ nước ngoài đang có mặt tại đây. Họ xuất hiện trên đường đi, trong quán nhậu, quán càphê, quán ăn và trên các công trường…

Theo số liệu mới nhất mà Phó Trưởng Công an huyện Kỳ Anh – thiếu tá Nguyễn Hồng Phong – cung cấp, tính đến ngày 15.3.2014, đã có 3.583 người LĐ nước ngoài đến từ 25 quốc gia làm việc tại huyện Kỳ Anh. Trong đó, có 2.198 người Trung Quốc, 1.069 người Đài Loan (Trung Quốc)…

Họ tạm trú tại 10 xã, thị trấn của huyện Kỳ Anh và tập trung nhiều nhất ở xã Kỳ Phong với 1.205 người, Kỳ Long 1.050 người, Kỳ Liên 849 người… Họ ở trong các khách sạn, nhà nghỉ, công trường, trường học cũ, nhà dân…

Trong khi đó, số liệu mà Phó BQL Khu kinh tế (KKT) Hà Tĩnh – ông Ngô Đình Vân – cung cấp, thì tính đến ngày 15.3 đã có 3.730 người nước ngoài làm việc tại KKT Vũng Áng. Tuy nhiên, con số cấp phép LĐ mới chỉ là 1.560 người. Về nguyên nhân của việc cấp phép quá ít so với thực tế, ông Vân cho rằng, do có một số LĐ nước ngoài sang làm việc lách luật bằng đường du lịch, một số đang hoàn thiện hồ sơ theo NĐ 102 của Chính phủ mới ban hành.

Đua nhau than khó

Ông Vân cũng khẳng định, không hề có LĐ nước ngoài đến LĐ phổ thông tại KKT Vũng Áng. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận của PV Lao Động tại công trường dự án Formosa, người nước ngoài làm công việc chân tay xuất hiện tại đây là không hề ít. Số lượng những LĐ phổ thông người Trung Quốc lắp giàn giáo tại dự án Formosa là một bằng chứng.

Ông Vân cũng thông tin, đến thời điểm này, các cơ quan chức năng đã trục xuất 25 người nước ngoài không có giấy phép LĐ nhưng vẫn đến làm việc tại Vũng Áng.

“Thực tế rất khó kiểm soát số LĐ nước ngoài không có giấy phép, bởi khi cơ quan chức năng đi kiểm tra, họ đã cố tình trốn tránh” – ông Vân nói. Cũng theo ông Vân, để tăng cường kiểm soát số LĐ nước ngoài trên địa bàn, hiện tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở Ngoại vụ kiểm tra các dự án có người nước ngoài LĐ, số đã cấp phép, chưa cấp phép để siết chặt quản lý, trục xuất theo quy định. Còn trách nhiệm của BQL là phải hướng dẫn thủ tục nhanh gọn, thường xuyên kiểm tra và yêu cầu nhà thầu cung cấp số lượng LĐ đang làm việc trong dự án, để phối hợp báo cáo với các cơ quan chức năng.

Phó Trưởng CA huyện Kỳ Anh Nguyễn Hồng Phong thì thừa nhận, việc LĐ nước ngoài đến làm việc, nhưng cư trú rải rác đã gây những khó khăn nhất định trong công tác quản lý. Trước tình hình đó, để siết chặt quản lý, CA huyện đã chủ động tập huấn, yêu cầu các nhà thầu sử dụng LĐ nước ngoài, các cơ sở cho người nước ngoài thuê cư trú phải khai báo đầy đủ người tạm trú, để phục vụ tốt cho công tác quản lý của cơ quan chức năng.

PGĐ Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh – ông Lê Tiến Dũng – cho biết, việc quản lý LĐ nước ngoài tại KKT Vũng Áng, sở đã có công văn ủy quyền cho BQL KKT Vũng Áng cấp phép từ năm 2007. Còn các ngành liên quan thì chỉ phối hợp kiểm tra khi cần thiết. Ông Dũng cũng cho rằng “Tỉ lệ cấp phép so với thực tế về số LĐ nước ngoài đang làm việc tại Vũng Áng như thế là chưa cao. Điều này ảnh hưởng đến việc tuyển dụng, cạnh tranh việc làm với LĐ trong nước, trong tỉnh”.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP