Lao Động - Việc Làm

Lao động Hà Tĩnh nhìn từ Khu kinh tế Vũng Áng

Chất lượng thấp, thiếu tính chuyên nghiệp khiến lao động Hà Tĩnh chưa đóng vai trò chủ lực tại Formosa, Nhiệt điện Vũng Áng, Tổng kho xăng dầu Vũng Áng…

Nhìn từ Khu kinh tế Vũng Áng có thể thấy lao động Hà Tĩnh đang đánh mất lợi thế “sân nhà” và nhường “miếng bánh ngon” cho người ngoại tỉnh hoặc người nước ngoài.


Thua trên “sân nhà”?!


Đại công trường Vũng Áng đang thu hút hàng chục nghìn lao động trong và ngoài nước vào làm việc. Mức lương hấp dẫn, môi trường làm việc chuyên nghiệp là điều kiện lý tưởng cho lao động Hà Tĩnh. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành LĐ-TB&XH, con số lao động Hà Tĩnh đáp ứng đủ điều kiện để làm việc tại các công trình của Formosa, Nhiệt điện Vũng Áng… rất ít. Chất lượng thấp, thiếu tính chuyên nghiệp là những nguyên nhân khiến lao động Hà Tĩnh không được ưa chuộng.


Ông Jeon Hyeong Dal – Giám đốc điều hành Công ty xây dựng công nghiệp Leekang, phụ thầu cho POSCO E&C Việt Nam đang thi công xưởng cán thép tại Formosa cho biết: “Nếu xét về yếu tố kinh tế, rõ ràng khi thuê các lao động nước ngoài, chúng tôi sẽ phải chi trả nhiều hơn hẳn so với việc thuê địa phương. Tiền lương, thuế thu nhập cao hơn, tiền nhà ở, các dịch vụ bảo hiểm kèm theo và cả chế độ nghỉ phép đặc biệt.”


Theo ông Hyeong, khi tuyển dụng công nhân cho các vị trí kỹ thuật, phần lớn lao động Hà Tĩnh không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ phía công ty. Có lúc họ không dám chịu trách nhiệm và đưa ra quyết định hay tiếng nói của mình. Hầu như lao động địa phương chỉ đáp ứng được các công việc phụ. Những vị trí này thường sẽ có mức lương khá thấp.


Chị Lê Thị Dung – nhân viên làm việc tại Formosa cho biết: Môi trường làm việc ở đây thực sự chuyên nghiệp. Mức lương cho các kỹ sư có thể trên mức 25 triệu đồng/tháng. Vấn đề an toàn trong lao động luôn được lãnh đạo Formosa đặt lên hàng đầu.


Ở Formosa, mỗi công nhân không đội mũ bảo hiểm, mặc áo phản quang, không tuân thủ các biện pháp an toàn trong khi làm việc có thể bị phạt đến 90 triệu đồng. Với công việc hiện tại, chị Dung hưởng mức lương khá cao từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên để nhận được những đồng lương đó từ phía những công ty nước ngoài, phải lao động thực sự. Không ít lao động địa phương làm việc theo kiểu thiếu kỷ luật, đi muộn về sớm đã bị sa thải.


Thông tin tuyển lao động tại các website của Khu kinh tế Vũng Áng, sàn giao dịch việc làm, nguồn nhân lực cao cấp và công nhân tay nghề cao vẫn đang là mối quan tâm của các nhà tuyển dụng tại Vũng Áng. Các tuyển trạch viên đang rất cần các kỹ thuật viên, kỹ sư, công nhân lành nghề với yêu cầu cơ bản về tiếng Anh, tiếng Trung. Tuy nhiên, nguồn cung ứng lao động có chất lượng trên địa bàn tỉnh ta còn hạn chế.


Phải xem xét từ khâu đào tạo


Doanh nghiệp vào đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng đều phải cam kết ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương. Đó là lợi thế rất lớn, vậy tại sao lao động chúng ta vẫn thua trên sân nhà? Theo một cán bộ của Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng đánh giá, nguồn nhân lực ở Hà Tĩnh rất dồi dào nhưng lại thiếu chất lượng. Lao động chúng ta được đánh giá là khéo léo, thông minh, sáng tạo, tiếp thu nhanh những kỹ thuật và công nghệ hiện đại được chuyển giao từ bên ngoài nhưng thiếu tính chuyên nghiệp.

Lilama tiếp nhận 39 học viên nghề vào làm việc ở KKT Vũng Áng

Số lao động đã qua đào tạo nghề được Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) tiếp nhận vào làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng.

Ông Nguyễn Đức Ca, một nhà thầu đang thi công công trình tại Khu kinh tế Vũng Áng đánh giá, các chương trình đào tạo của ta hiện nay thường nhấn mạnh đào tạo kiến thức lý thuyết chứ chưa quan tâm đến các kỹ năng thực hành. Hầu hết các sinh viên ra trường không thể bắt tay ngay vào công việc mà luôn phải qua một thời gian đào tạo lại. Hơn nữa, lao động mình thích thì làm, không thích thì nghỉ. Để tạo nên một bước tiến về đào tạo, cơ chế tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực, cần có sự thay đổi theo hướng ưu tiên lao động có chất lượng, có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.


Hà Tĩnh luôn có tỷ lệ học sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng cao, chiếm tỷ lệ 31,40 % học sinh tốt nghiệp (cao hơn bình quân chung cả nước hơn 11 %). Hiện nay, Hà Tĩnh có 853.247 người trong độ tuổi lao động, trong đó lực lượng lao động trẻ (từ 15-40 tuổi) chiếm trên 65% tổng số lao động. Tuy nhiên, lực lượng này chủ yếu là lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp (55,4%); công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm con số ít ỏi (16,42%).


Thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho thấy, bình quân hàng năm Hà Tĩnh có từ 12 đến 14 nghìn người bước vào độ tuổi lao động; có trên 7 nghìn người Hà Tĩnh tốt nghiệp đại học tại các trường trong cả nước, 4.500 người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và từ 3.000 – 3.200 người tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề.


Hà Tĩnh hiện có 1 trường đại học, 2 trường cao đẳng chuyên nghiệp, 3 trường cao đẳng nghề, 5 trường trung cấp nghề và 28 trung tâm dạy nghề. Những ngành nghề được ưu tiên hàng đầu là cơ khí hàn, gò, điện dân dụng, điện công nghiệp, may dân dụng, may công nghiệp, kỹ thuật lái máy công trình, tin học… Sẽ không ngoa nếu nói rằng, trong gần 40 trường của Hà Tĩnh, số đào tạo lao động đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp tại Vũng Áng chỉ đếm trên đầu ngón tay.


Mới đây, để đào tạo nguồn công nhân cho mình, Formosa đã phải “đặt hàng” cho Trường CĐ nghề Việt Đức và Trường trung cấp nghề Hà Tĩnh một số lượng lớn sinh viên. Số này sau khi ra trường, ngoài việc trang bị thêm ngoại ngữ, còn phải đáp ứng được một số yêu cầu hết sức khắt khe từ phía Formosa để có thể làm việc trong môi trường này.


Lao động được coi là nguồn lực quan trọng, quý báu nhất. Đó là yếu tố quyết định cho sự thành công của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Vậy nên, nếu không được đào tạo bài bản, không sớm thay đổi tư duy, lề lối làm việc thì việc lao động Hà Tĩnh đang và sẽ tiếp tục thua trên sân nhà. Rõ ràng đây là điều hết sức đáng lo ngại.


Quang Linh

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP