Địa Chí Hà Tĩnh

Làng trống Bắc Thai (xã Thạch Hội) rộn rã vào mùa Vu Lan

Cứ đến dịp rằm tháng 7 hay còn gọi là lễ Vu Lan, làng nghề trống Bắc Thai (xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) lại rộn rã vào mùa sản xuất mới để kịp đưa ra thị trường những chiếc trống bền, đẹp phục vụ cho các hội làng, đền thờ, nhà chùa…

Nhiều thế hệ ở làng vẫn tiếp tục gìn giữ nghề truyền thống này
Nhiều thế hệ ở làng vẫn tiếp tục gìn giữ nghề truyền thống này

Đường vào làng trống Bắc Thai khá ngoằn nghèo, chỉ cần đến đầu xã đã nghe tiếng thùng thình thử trống. Lần theo thứ âm thanh mộc mạc ấy mà đến tận trong làng.
Đến với làng Bắc Thai vào thời điểm này, các gia đình làm trống đang nhộn nhịp chạy đua với thời gian để kịp đưa ra thị trường những chiếc trống tốt cho mùa lễ hội.

Hiện nay làng trống Bắc Thai có khoảng 20 cơ sở làm trống chuyên nghiệp theo hình thức “cha truyền con nối”. Điều thú vị của nghề trống Bắc Thai là hầu hết thợ làm trống đều là con cháu dòng họ Bùi như hộ ông Bùi Văn Trăn (SN 1944), ông Bùi Văn Điểng (Cố Đỉnh), Bùi Văn Tứ, Bùi Văn Thuận…
Nghề trống xuất hiện ở Bắc Thai đã từ lâu đời, nhiều bậc cao niên làm trống trong làng cũng không nhớ rõ. Trong trí nhớ của cụ Bùi Tụ (80 tuổi) thì “sinh ra đã nghe tiếng gõ, tiếng đục và tiếng thùng thình của trống. Thế hệ này truyền thế hệ khác, cứ thế nối nhau. Trẻ con trong làng 10 tuổi đã biết các công đoạn làm trống, lớn hơn vài ba tuổi là biết làm chiếc trống con, rồi 20 -25 tuổi đã bắt đầu làm chiếc trống đại đầu tiên… Đàn bà trong làng nhìn thôi cũng nói bàn bản cách làm trống”.
Một chiếc trống Bắc Thai đã hoàn chỉnh
Một chiếc trống Bắc Thai đã hoàn chỉnh

Làng trống bây giờ tuyệt nhiên không còn thấy tiếng hì hụi xẻ gỗ bằng cưa tay, thay vào đó là tiếng cưa máy, bào máy, đánh giáp máy. Thế nhưng những phương pháp thủ công để làm “hồn cốt” của trống làng vẫn được nhiều thế hệ thợ trống giữ lại. Đó cũng là điều làm nên thương hiệu trống Bắc Thai.

Mặc dù máy móc đã thay thế một số công đoạn nhưng trống Bắc Thai chủ yếu vẫn được làm thủ công
Mặc dù máy móc đã thay thế một số công đoạn nhưng trống Bắc Thai chủ yếu vẫn được làm thủ công

Người thợ làng trống Bắc Thai cho biết: “Để làm 1 chiếc trống Bắc Thai mất khoảng từ 3 đến 4 ngày nếu nguyên liệu có sẵn, ngược lại có khi mất đến gần cả tháng trời”. Có được những chiếc trống bền đẹp, thợ làm trống phải trải qua hơn 10 công đoạn. Trước tiên là chọn loại gỗ tốt, gỗ đây thường được chọn là loại gỗ mít. Gỗ đem về phơi khô, đo cắt, uốn cong, xử lý mối mọt mới đem ra sử dụng làm thân trống. Để phơi khô gỗ, thợ làm trống dùng máy căn mỏng từng thanh nhỏ với kích thước khác nhau. Thông thường nếu gặp thời tiết nắng to thì chỉ cần 3 -5 ngày là gỗ có thể đem vào sử dụng.

Gỗ mít - nguyên liệu chính để làm thân trống. Gỗ được cắt mỏng và phơi khô
Gỗ mít – nguyên liệu chính để làm thân trống. Gỗ được cắt mỏng và phơi khô

Tiếp theo là công đoạn khép thùng, bào môi, đóng dây mây, làm khoen trống. Một công đoạn quan trọng quyết định thành hay bại của một cái trống là khâu chọn da trống. Chọn da bò, không dùng da cổ, da bụng, da đùi vì khi đánh mặt trống sẽ bị rách. Da bò được mua tại các lò mổ đem về làm sạch, phơi khô. Đặc biệt muốn trống có tiếng kêu thanh, vang thì trước khi bịt, da phải được bào thật kỹ. Đây là phần việc rất khó, đòi hỏi người thợ phải có sự tỉ mỉ và cẩn thận.

Da bò được phơi khô và...
Da bò được phơi khô và…
... lạng mỏng theo kích thước của loại trống
… lạng mỏng theo kích thước của loại trống

Bởi tùy theo từng loại trống, tùy theo dăm trống mà lạng da mỏng hay dày. Nếu làm mặt trống to thì lạng da dày, mặt trống nhỏ thì lạng da mỏng. Sau đó người thợ cắt da theo kích thước đã định, đem ngâm nước 12 giờ cho mềm da. Kế đến là dùng dao bầu nhọn mổ lỗ nhỏ khoảng 2 ly đều xung quanh vòng tròn miếng da, các hàng lỗ cách nhau 5cm. Dây da bò được xỏ qua lỗ đó để đưa qua giàn trò mà căng mặt trống. Chính kỹ thuật ghép gỗ khéo léo, bí quyết bào da đã tạo nên sự khác biệt cho từng chiếc trống của làng nghề.

Tăng đơ trống để cố định tạo chắc của thân và độ căng của bề mặt trống
Tăng đơ trống để cố định tạo chắc của thân và độ căng của bề mặt trống
Tăng đơ trống để cố định tạo chắc của thân và độ căng của bề mặt trống

Tiếp đến là kỹ thuật lắp giàn trò, kỹ thuật tăng đơ trống, đóng chốt tre. Khâu cuối cùng là khâu trang trí. “Hình dáng trống Bắc Thai rất đơn giản. Bình thường mỗi trống làm xong chỉ cần vôi ve tí là được. Nhưng nếu là trống hội hay trống chùa có yêu cầu chúng tôi cũng sẽ trang trí các hoa văn, màu sắc để trống nhìn thêm sinh động”, ông Bùi Văng Điểng cho hay.

Thử trống
Thử trống

Sau khi hoàn thành, trống Bắc Thai được chở đi bán khắp các chợ nhưng chủ yếu vẫn là khu vực chợ tỉnh. Anh Bùi Văn Tứ, con trai của Bùi Văn Điểng cho biết: “Cứ đến dịp lễ tết, người ở xa cũng đổ về đây mua trống. Nhiều người ở tận các huyện xa gần 50km đến 80km cũng đến mua, khách ngoài tỉnh cũng thường xuyên đặt hàng”.

Chở trống đi chợ
Chở trống đi chợ

Theo như lời anh Tứ chia sẻ thì giá thành của những cái trống cũng khá đa dạng, tùy theo nhu cầu biến động thường xuyên của thị trường. Thông thường, giá của một chiếc trống lớn có chiều cao 2,2 m có giá từ 10 triệu đến 15 triệu đồng, trống trung bình có giá từ 5 – 7 triệu đồng và loại trống cơm thường có giá khoảng 500 ngàn đồng/chiếc. “Giá trống không chỉ tùy vào kích cỡ mà còn tùy vào yêu của khách đặt, cũng một kích cỡ nhưng nếu yêu cầu cao hơn thì giá thành cũng cao hơn…”, anh Tứ cho biết thêm.

Trống Bắc Thai được bày bán khắp phiên chợ tỉnh trong dịp lễ Vu Lan
Trống Bắc Thai được bày bán khắp phiên chợ tỉnh trong dịp lễ Vu Lan

Từ những chiếc trống đem lại thu nhập ổn định cho người thợ nơi đây, Trung bình mỗi hộ thu nhập từ nghề làm trống từ 120 triệu đến 150 triệu/năm.

Trong khi nhiều làng nghề đang bị mai một vì thiếu nhân lực thì nghề trống ở đây ngày càng được nhân rộng. Nhiều gia đình hiện nay có đến 3 thế hệ đang làm trống trong gia đình như hộ ông Bùi Văng Điểng, ông Bùi Tụ, ông Bùi Văn Thuận…
“Không chỉ họ Bùi mà nhiều dòng họ khác cũng đang phát triển nghề này. Bởi nghề làm trống mang lại cho họ công ăn việc làm ổn định có thu nhập nuôi sống bản thân gia đình nhưng quan trọng hơn hết nó còn là nghề tổ tiên để lại nên chúng tôi rất muốn được gìn giữ”, cụ Bùi Tụ (80 tuổi) tâm sự.
Phương Hồ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP