Kinh tế

Làng nghề trăm năm tuổi ở Hà Tĩnh sống khỏe giữa mùa dịch COVID-19

Làng Hà Ân là nơi làm chổi đót nổi tiếng ở Hà Tĩnh, việc bán chổi mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp người dân sống khỏe giữa mùa dịch COVID-19 đầy khó khăn.

Nằm cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 15km, thôn Hà Ân (xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) hiện có hơn 160 hộ dân làm chổi đót.

Theo nhiều người dân cho biết, vật liệu để làm nên cây chổi đót là cây đót, dây mây, dây nhựa, thanh tre...

Nguyên liệu làm chổi đót chủ yếu được nhập từ nước Lào về,số ít người tự đi lấy đót tại các huyện miền núi Hồng Lĩnh, Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) hoặc các tỉnh miền núi phía Bắc.

Công đoạn đầu tiên để làm nên một cây chổi là tước bông đót thành từng bó nhỏ, mỗi bó trừ lại một phần cuống dài để làm cán chổi. Khi bó đót phải quấn đều và chặt tay.

Bà Phan Thị Thủy (50 tuổi) cho biết: “Mỗi ngày, tôi có thể hoàn thành từ 10-15 chiếc chổi đót. Đây là nghề từ thời cha ông để lại, tuy không mang lại thu nhập cao nhưng nó giúp chúng tôi có thu nhập ổn định”

“Nghề làm chổi đót không khó, chỉ cần cần khéo léo, cẩn thận một chút là được. Nghề này lại phù hợp với mọi lứa tuổi, tận dụng được thời gian nên ai cũng có thể làm được”, bà Thủy nói.

Dưới bàn tay của những ngườ idân, cây chổi được ra đời. Chổi có 2 loại: loại cán nhựa và cán đót.

Ông Tường Sơn (65 tuổi) cho hay: “Chúng tôi chủ yếu lấy đót từ Lào về, trong làng có khoảng 20 hộ chuyên sang bên đó mùa về bán cho người dân để làm chổi đót. Trung bình mỗi ngày có thể làm được khoảng 15 chiếc chổi loại cán bình thường còn loại cán nhựa thì khoảng 50 chiếc”.

Loại chổi có cán làm bằng thân đót có thể mang ra chợ bán với giá 30.000-45.000 nghìn đồng/chiếc, còn chổi có cán làm bằng nhựa thì rẻ hơn, giá bán ở chợ từ 25.000-30.000 nghìn đồng/chiếc. Mỗi tháng, trừ chi phí, người dân làng Hà Ân có thể kiếm được từ 5-6 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập ổn định giúp họ sống khỏe trong mùa dịch COVID-19 đầy khó khăn.

Ông Lê Tiến Lương - Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ cho biết, hiện có 160 hộ dân đang duy trì nghề làm chổi đót tập trung ở thôn Hà Ân. Nghề làm chổi đót này có từ lâu đời rồi, phải đến hàng trăm năm.

“Công việc làm chổi đót đã giải quyết được công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động ở địa phương, người già, trẻ nhỏ đều có thể làm được, mang lại thu nhập ổn định cho người dân”, ông Lương thông tin.

Tác giả: Trọng Tùng

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP