Địa Chí Hà Tĩnh

Làng cổ Phúc Trạch

Mời về Phúc Trạch quê em Chè thơm bưởi ngọt người quen đợi chờ

Dẫu quen hay chưa quen vẫn thế, đó là tấm lòng hiếu khách một miền quê nổi tiếng của đất Hương Khê. Làng Phúc Trạch như một cái võng, một đầu mắc lên Rú Gối một ngọn núi cao nhất của dãy Trà Sơn, một đầu mắc lên Đoộng Trỉa là một ngọn khá cao của thuộc dãy Giăng Màn, bên kia là xã Hương Liên. Trước năm 1945 làng Phúc Trạch thuộc tổng Phúc Lộc, từ 1946 đến 1954 Hương Khê bỏ đơn vị tổng thành lập 15 xã, làng Phúc Trạch là xóm 4 thuộc xã Hương Lĩnh. Hương Lĩnh là một xã lớn, bao gồm La Khê, Phúc Hội, Phúc Trạch, Can Hợi, Đô Khê, Chúc A, Vĩnh Cư (nay là các xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Hương Lâm, Hương Liên). Sau cải cách ruộng đất (từ 1955 đến 1972) làng Phúc Trạch trở thành một xã gọi là xã Hương Lĩnh, bao gồm 7 xóm là Bạch, Hồng, Hoàng, Nam, Đông, Thanh, Huyền. Từ năm 1972 đến nay xã Hương Lĩnh nhập với xã Hương Lạc thành xã Phúc Trạch. Làng Phúc Trạch xưa là các xóm 1,2,3,4,5 của xã Phúc Trạch bây giờ. Diên cách làng Phúc Trạch về phía trên là làng Phúc Hội (nay thuộc xã Hương Trạch), phía Bắc giáp với làng Can Hợi (nay cũng thuộc xã Phúc Trạch). Diên cách giữa làng Phúc Trạch với Phúc Hội khá rõ, đó là những chân ruộng thấp, có đoạn là dòng khe nhỏ, ao hồ, trong đó có ao lớn nhất gọi là Bàu Si. Dân 2 làng Phúc Trạch- Phúc Hội qua lại với nhau bằng cái cầu gỗ kiểu cầu khỉ như ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Diên cách giữa hai làng Phúc Trạch và Can Hợi không rõ ràng, đó là những chân ruộng màu nối tiếp nhau, thậm chí có đoạn đứt quảng. Do vậy dân hai làng Phúc Trạch và Can Hợi gắn bó mật thiết với nhau, chính vì vậy khi làng Phúc Trạch nhập với làng Can Hợi thành xã Phúc Trạch, không xẩy ra chuyện địa phương cục bộ làng trên xóm dưới, đó là một nhân tố quan trọng giúp cho xã Phúc Trạch phát triển bền vững của Hương Khê.Về sông ngòi, khe suối làng Phúc Trạch được hưởng lợi từ nguồn sinh thuỷ dồi dào của khe Bà Cam, khe này chảy quanh co trong dãy Giăng Màn nằm phía Tây làng Phúc Trạch, đó là nguồn nước chủ yếu cho những chân ruộng cấy lúa. Sông Ngàn Sâu, con sông lớn nhất của Hương Khê chảy qua làng Phúc Trạch về phía đông. Điều may mắn là Ngàn Sâu chảy sát chân núi Trà Sơn, cách khu dân cư khoảng 1km, vì vậy mùa lũ lụt không gây thiệt hại lớn cho người dân Phúc trạch.Ruộng đồng ở đây chủ yếu là hai cánh đồng lớn, đồng phía Nam là những chân ruộng thấp no nước hợp với cây lúa, đồng phía đông do sông Ngàn Sâu bồi đắp phù sa nên vùng này là những vánh đồng màu xanh tốt. Vùng trung tâm làng là khu dân cư, với những mảnh vườn tốt tươi, trù phú có nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao.Về tín ngưỡng, người làng Phúc Trạch không theo đạo nào, chẳng hiểu vì sao trong gần 100 năm xâm chiếm của Thực dân Pháp đất nước ta, người Pháp đến Phúc Trạch rất sớm nhưng người Phúc Trạch không có ai theo đạo Thiên Chúa và xa hơn nữa cả hàng ngàn năm phát triển của Phật Giáo ở nước ta, người Phúc Trạch cho đến bây giờ chẳng có ai là phật tử. Tín ngưỡng người Phúc Trạch chỉ duy tôn 2 dòng, đó là thờ thần và thờ cúng gia tiên. Chắc rằng ngày xưa dòng tín ngưỡng thờ thần ở đây tôn nghiêm lắm, nên chỉ trong một làng đã có 2 ngôi đền, Đền Chẩm Lĩnh (ở phía đông), Đền Cơn Soông (ở phía Tây) và nhà Thánh ở trung tâm làng. Sau 1945 việc tế lễ ở đền, đình trên ngày càng giảm dần, đặc biệt khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc (1965) thì việc tế lễ bỏ hẳn, các đình đền trên cũng hoang phế dần, ngày nay chỉ còn phế tích. Dân Phúc Trạch xưa chủ yếu sống bằng nền kinh tế tự cung tự cấp, làm đủ mọi nghề kiếm ra cái ăn, cái mặc. Nhắc lại chuyện làm ăn xưa, nhiều người trung, cao tuổi thường say sưa kể chuyện săn bắt thú rừng. Ngày xưa thú rừng như lợn, nai, hươu, thường đến phá hoại hoa màu. Vừa để bảo vệ mùa màng vừa có cái ăn, dân làng tổ chức các phường săn, tục ở đây gọi là phường mái . Mỗi phường mái phải sắm sửa khoảng 10 -15 triêng lưới bằng dây cây mấu bện săn lại đan thành lưới cao khoảng 1m, dài 8 đến 10 m, dăm cái mác cán dài 2m, vài ba chục cái mõ, xúp xểng, tù và. Chọn ngày nắng, thú rừng thường đêm ra ăn, ngày nấp vào bụi rậm ven rừng ngủ. Phường mái dùng lưới bao quanh, bố trí một số điểm đoán chắc thú rừng khi động sẽ chạy ra đó¸ bố trí 2-3 người ẩn nấp mai phục. Sau khi bố trí xong là tù và, chiêng mõ, cùng tiếng hò hét rộn cả khu rừng. Cả đoàn người tiến vào xua đuổi, thú rừng hoảng sợ thảo chạy đâm đầu vào lưới, những người chờ sẵn dùng mác cán dài đâm chết con thú. Con thú được làm thịt, chia phần cho người tham gia cuộc săn, Trùm phường thì được thêm cái thủ, con nhoi (người có công phát hiện ra chỗ có con thú ẩn náu) thì được thêm bộ cuống đuôi, người đến xem cũng được 1 phần tuy ít hơn gọi là lộc.Nghề làm vườn cũng được người Phúc Trạch coi trọng. Đặc biệt ở Phúc Trạch có 2 lọai cây nổi tiếng cả nước đó là Dó Trầm và Bưởi đường. Bưởi Phúc trạch có nhiều thứ như bưởi đường, bưởi tàu, bưởi bị, phật thủ… nhưng ngon nhất là bưởi đường. Bưởi đường Phúc Trạch đã dự hội thi “đấu xảo” tại Vinh năm 1936 và được công nhận là đặc sản của An Nam. Năm 2000 Bộ NN&PTNT, Viện cây ăn quả Việt Nam tổ chức Hội thi quốc gia bưởi Phúc Trạch, năm 2002 bưởi đường Phúc Trạch được cấp nhãn hiệu hàng hoá. Bưởi đường Phúc Trạch là loại cây đỏng đảnh lắm, trên cùng một cây nhưng quả ở gần ngọn thì ngon hơn quả gần gốc, cây có tuổi cao, cây chiết từ cành thì quả ngon, cây mọc từ hạt thì chủ yếu mọc thành bưởi chua, bưởi đường trồng ở Phúc Trạch thì ngon nhưng đưa trồng cách vài ba cây số trở lên là chất lượng đã giảm hẳn. Trong thời buổi kinh tế thị trường sự gian lận thương mại khá phổ biến, nên ai muốn ăn bưởi đường Phúc Trạch ngon, đúng thương hiệu phải hái bưởi tận gốc. Mỗi độ thu về là mùa bưởi chín, du khách đến Hương Khê và người Hương Khê đi chơi nơi khác ít ai quên mua một ít bưởi làm quà, quý lắm. Nhiều năm do mất mùa bưởi hiếm giá một quả bưởi lên tới 60,70 ngàn đồng, bằng cả chục chai bia, một yến gạo… Bưởi đường Phúc Trạch cũng biết chịu thương, chịu khó như người Phúc Trạch vậy. Gia đình có con đi xa không quên hái một ít bưởi, hái nhẹ không xây xát vỏ, bôi vôi lên cuống cất cao, dành phần con cháu về tết, lúc này vỏ quả bưởi đã co khô, ruột bưởi mềm, ngọt lịm ăn bưởi lúc này cảm thấy khoan khoái vô cùng .Dó trầm cũng là loại cây nổi tiếng ở Hương Khê. Cách đây 40 năm về trước cây này tuy đã biết là loại cây quý nhưng chưa biết khai thác nên Dó trầm coi như cây gỗ bình thường mọc hoang dại trong vườn, dân Phúc Trạch chỉ sử dụng làm vật liệu phụ trong nhà cửa như kèo nhà, ván thưng (vì gỗ mềm, thấm nước là hỏng). Nhưng sau năm 1980 nhiều người ở Huế, Đà Nẵng đã đến PhúcTrạch khai thác Dó Trầm. Dó Trầm cũng lên ngôi từ đó. Có người tháo bộ kèo nhà đem bán, số tiền thu được mua bộ kèo gỗ lim vẫn còn thừa. Từ đó phong trào trồng dó trầm rầm rộ không chỉ ở Hương Khê mà cả nhiều huyện khác trong tỉnh. Nhưng có điều lạ, điều hay là dó trầm ở Phúc Trạch vẫn có giá trị cao hơn, trầm nhiều hơn, chất lượng trầm tốt hơn.
Cây Dó trầm – Ảnh Minh ChiếnVườn Phúc Trạch rất nhiều cau. Ngày xưa dân buôn cau Phú Long lên mua khá nhiều, cau trở thành một nguồn thu nhập cao, nhưng sau này việc mua cau ít dần. Tuy vậy người Phúc Trạch vẫn thích trồng cau. Bởi lẽ cau với trầu là hai loại cây ẩn chứa chuyện tình hiếu nghĩa sâu sắc, vừa là lễ vật thờ cúng không thể thiếu.. cau thuỷ chung với người góp thân mình vào ngôi nhà cho người về cõi vĩnh hằng.Người làng Phúc Trạch nổi tiếng yêu nước, có truyền thống cách mạng . Vào những năm cuối thế kỷ XIX khi kinh thành Huế thất thủ (đêm 23/5 Ất Dậu – 1885), vua Hàm Nghi đến Hương Khê hạ Chiếu Cần Vương tại Sơn Phòng – Phú Gia. Hưởng ứng Chiếu Cần Vương và Phan Đình Phùng thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Hương Khê, người Phúc Trạch cũng như nhiều người dân trong cả nước hăng hái tham gia cuộc kháng chiến. Ông Phạm Biếng người thôn Thanh Liên làng Phúc Trạch vốn là người sức khoẻ nổi tiếng, giỏi võ vật đã đứng ra tụ nghĩa hàng chục thanh niên của làng Phúc Trạch, làng Can Hợi lập thành tổ Sơn Tràng, hàng ngày vào các khu rừng tập luyện võ nghệ. Đội quân của ông Phạm Biếng đã góp phần đánh lui các trận tấn công của Pháp từ tỉnh lỵ Hà Tĩnh lên Hương Khê qua đường Truông Sẻ (tuyến đường từ Cẩm Xuyên qua Trà Sơn lên Hương Khê).Cụ đã hy sinh trong phong trào Cần Vương, hiện phần mộ cụ Phạm Biếng còn ở xứ Trạng Bằng (phía đông làng Phúc Trạch). Khi Thực dân Pháp phát hiện được đại bản doanh Vụ Quang, chúng tăng cường quân tấn công vùng hạ Hương Khê. Vì vậy, cụ Phan đã chuyển đại bản doanh lên Rú Quạt thuộc huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình, cách làng Phúc Trạch nửa ngày đường bộ, lúc này vùng thượng Hương Khê trở thành tâm điểm của cuộc chiến. Sau khi Cụ Phan Đình Phùng mất, cuộc khởi nghĩa Hương Khê thất bại, giặc Pháp đàn áp nhân dân Hương Khê hết sức dã man. Chuyện lưu truyền rằng các tuyến đường từ Rú Quạt đến Hương Khê chúng chôn nhiều cọc tre, gỗ, hễ phát hiện hoặc tình nghi người đã tham gia cuộc khởi nghĩa Hương Khê là chúng bắt trói vào cột, chặt đầu. Theo nhiều người kể lại có một cuộc thảm sát cực kỳ dã man, chúng bắt 12 người về động Cột đèn, rồi sai 6 người vào rừng chặt dây, còn 6 người ở lại đào hố dài sâu ngang ngực, sau đó chôn cọc, trói 12 người vào cọc, dùng cây tre chẻ đôi nẹp ngang cổ. Chúng sai tên đao phủ là Khoái Liễu (người làng Bàu Si, thuộc làng Phúc Hội) dùng mác chém ngang cổ, đem đầu bêu ở chợ, 3 ngày sau chúng bắt dân làng ra chôn, 12 thân chôn 1 hố, 12 đầu chôn 1 hố. Cuộc thảm sát xảy ra đã hơn 120 năm, bao nhiêu điều có thể đã quên nhưng ngôi mộ đất đó vẫn được nhân dân Phúc Trạch giữ gìn vẹn nguyên. Ngôi mộ hiện nằm cách đường 15A khoảng 20m, trở thành di tích minh chúng cho tội ác của thực dân Pháp, minh chứng tấm lòng tri ân những người yêu nước, lòng căm thù giặc của người dân Phúc Trạch.Dưới con mắt của người Pháp, chúng coi thượng Hương Khê là vùng “tặc loạn”, do đó chúng đã lập Đồn Phúc Trạch, một trong ba đồn được lập sớm nhất ở Hương Khê (gồm Tri Bản, Chu Lễ, Phúc Trạch). Đồn Phúc Trạch đặt ở phía đông làng Phúc Trạch cạnh sông Ngàn Sâu. Đồn được xây dựng khá kiên cố, có bốt gác, điểm canh, có nhà đặt máy phát điện… đồn trưởng là người Pháp. Trước đồn Phúc Trạch là Chợ Đồn. Trước năm 1945 Chợ Đồn họp 1 tháng 6 phiên, vào các ngày mồng 5, mồng 10, 15, 20, 25, 30 âm lịch. Dân buôn thuyền từ Vinh, Đức Thọ theo dòng Ngàn Sâu đưa về đây các hàng hóa thuỷ hải sản, vải vóc, nồi đất… và mua về lâm thổ sản như củ nâu, mây, song, dược liệu, cau…Buôn bán ở chợ đồn khá tấp nập, vì vậy đã trở nên một dãy phố sầm uất nhiều nghề như quán phở, cắt tóc, rèn, hàn, có sân bóng đá, có bãi chiếu phim. Đến 1945 đồn Phúc Trạch bị xóa sổ, khi hoà bình lập lại (1955) đồn Phúc Trạch được sử dụng làm cửa hàng bách hóa tổng hợp. Đến 1965 do Đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt trên tuyến đường 15A, nên cửa hàng bách hoá, chợ Phúc Trạch và cả khu dân cư sầm uất ở đây cũng phải sơ tán vào làng, ngày nay đồn Phúc Trạch chỉ còn trong trí nhớ của con người.Để phục vụ cho việc khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã mở tuyến đường sắt Bắc – Nam, đoạn qua địa phận Hương Khê được khởi công năm 1922. Tại Phúc trạch được chọn một điểm dừng goòng là ga Phúc Trạch, ga Phúc Trạch là ga lớn, vì muốn đi vào Quảng Bình phải qua đèo Khe Nét vừa cao lại vừa dài, phải dừng ở Phúc Trạch để lấy nước (goòng lúc này còn chạy bằng động cơ hơi nước). Người Pháp đã làm một đường ống dẫn nước bằng gang 200, lấy nước từ trong khe đưa về một tháp nước cao 5m, khi goòng dừng lại thì cho nước chảy vào bể chứa trong đầu máy. Nguồn nước này khá dồi dào, vừa đủ cung cấp cho goòng vừa phục vụ dân sinh, nước nguồn rất trong sạch, chiều chiều dân làng đến đây gánh nước, tắm rửa vui lắm. Đến khoảng 1960 khi có động cơ Dieden goòng không cần lấy nước, hệ thống đường ống hư hỏng dần, nay không còn nữa.Chuyện kể về những người tham gia kháng chiến, tham gia cách mạng của người Phúc Trạch thì nhiều lắm. Xin kể về một người mà câu chuyện vừa có trong sử sách vừa có phần truyền miệng. Đó là chuyện về một người trong thời kỳ cải cách ruộng đất, theo lệnh của đội cải cách ruộng đất triệu tập ông về. Một chiếc xe Comangca đã đưa ông về làng, khi chiếc xe vào đến đầu làng thì đã thấy dân quân đứng đợi ở đó, một người trên xe bước xuống hô to “nếu ai đụng vào Thủ trưởng của tôi, tôi sẽ bắn”, biết việc chẳng lành, chiếc xe quay ngoắt 3600 rồi đi thẳng. “Thủ trưởng” đó chính là ông Dương Đức Cơ người đã cùng ông Thể thực hiện sự chỉ đạo của Uỷ ban khởi nghĩa Hà Tĩnh, đi một chiếc xe thùng chạy thẳng vào sân huyện đường Chu Lễ vào lúc 3h chiều ngày 19/8/1945, cùng với tiếng reo hò của hàng ngàn người biểu tình chờ sẵn, buộc đồn Chu Lễ không dám chống đối gì, huyện trưởng Nguyễn Xuân Lâm khép nép mang sổ sách, con dấu… giao nộp cho Uỷ ban khởi nghĩa Hương Khê; sau đó 2 ngày, đúng 8giờ 21/8/1945 với dáng người cao to, đẹp trai ông cưỡi con ngựa bạch đeo kiếm dài dẫn đầu đoàn diễu hành trong cuộc mít tinh trọng thể tại sân vận động Chu Lễ ra mắt Ủy ban Cách mạng lâm thời Hương khê. Ông Dương Đức Cơ đã từng là Huyện đội trưởng đầu tiên, sau đó làm phó Bí thư Huyện uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện Hương Khê nhiệm kỳ 1949 – 1951. Trước Cách mạng tháng 8, Phúc Trạch cũng như hầu hết làng xã Hương Khê là đất nghèo, đói chữ. Nhưng sau 1945, làng Phúc Trạch dần dần nổi tiếng là đất học. Một tấm gương tiêu biểu về hiếu học đó là Cụ Đinh Văn Hòa. Năm 1930 cụ Đinh Văn Hoà đã tự bỏ tiền, của làm trường Sơ học, với tên gọi École Dinh Van Hoa. Đây là trương Sơ học tư thục đầu tiên ở Hương Khê. Sau nạn đói gieo cái chết đến mọi nhà vào năm 1945, vậy mà năm 1946 cụ Hoà đã giữ trường, mở lớp có nhà học 2 gian, có nhà làm việc cho giáo viên, có bàn ghế đầy đủ cho học sinh. Dân làng kính nể về tấm lòng hảo tâm và hiếu học của cụ. Trường Sơ học Đinh Văn Hoà đã trở thành cái nôi đào tạo nhiều thế hệ học sinh trưởng thành, riêng con của cụ có 7 người thì 7 người đều tốt nghiệp đại học. Cụ là tấm gương tiêu biểu bồi dưỡng lòng hiếu học của Phúc Trạch. Cụ còn là một trong 9 người tham gia sáng lập trường Trung học Hương Khê đầu tiên ( Đinh Văn Hòa,Nguyễn Văn Sáng, Phạm Đình Ái,Trần Xuân Đào, Lưu Văn Xân, Lê Hưu Nhiệm, Lê đình Thanh, Lưu Văn Chu, Trần Xuân Ngô). Cụ đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập.Lại kể thêm một người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, đó là cụ Phan Ngọc Bá. Cụ Bá là cán bộ chỉ đạo phong trào Bình dân học vụ của xã Hương Lĩnh (thời kỳ 1957 – 1959), người mảnh mai, thường hay mang chiếc xắc cốt đi bộ tuần 1 lần khắp 13 xóm trong xã. Xin nhớ rằng xã Hương Lĩnh thời đó rộng lắm gồm Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Hương Lâm, Hương Liên bây giờ, việc đi bộ để chỉ đạo phong trào sâu sát, như cụ là việc làm không phải dễ. Tuy tuổi chưa cao nhưng cụ thường chống gậy tre làm bạn trên con đường Thiên lý nhiều khi hàng chục cây số không có một bóng người. Tôi nhớ có lần cụ vào nhà tôi, mới vào đến ngõ, cụ đã hái một đọan tàu chuối rồi vào bếp hơ hơ cho mềm, bảo mẹ tôi “chị cho mấy cái óc mít, tôi còn lên La Khê, é vào nhiều nơi nữa, chắc tối lắm mới về đến nhà ” (cụ nói đớt “ é ” nghĩa là ghé). Với những thành tích xuất sắc trong phong trào Bình dân học vụ Cụ vinh dự được phong danh hiệu Chiến sỹ diệt dốt toàn quốc, được thưởng huy hiệu Bác Hồ.Phúc Trạch cũng là cái nôi của phong trào văn nghệ quần chúng. Trước khi Đế quốc Mĩ đánh phá miền Bắc, làng Phúc Trạch có đội văn nghệ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mạnh lắm. Các vở diễn Tống Trân – Cúc Hoa, Lưu Bình – Dương Lễ, trò Kiều…Đội văn nghệ Phúc Trạch nhiều khi được mời đi diễn tận các làng Phúc Hội, Đô Khê, mà bổng lộc thì cũng chỉ có được chiêu đãi một bữa cháo gà sau đêm diễn. Thế mà chương trình lưu diễn mừng xuân từ mồng 2 tết kéo dài mãi đến ngoài rằm tháng giêng. Phúc Trạch còn nổi tiếng là đất múa hát sắc bùa. Đây là một lối hát dân gian khá hấp dẫn. Một tổ sắc bùa thường có 6 đến 10 người với bộ nhạc cụ gồm 01 trống con, 04 trống dài gọi là trống tùm vinh,1- 2 nhị, 1- 2 sinh tiền. Đội Sắc bùa thường đi hát, chúc tụng nhau vào dịp đầu xuân, nhà nào có sắc bùa vào chúc đêm giao thừa là coi như điềm lành của một năm mới sắp đến. Điều rất hấp dẫn của múa hát sắc bùa, là lời hát không có sẵn, người lĩnh xướng “tuỳ cơ ứng biến”, nói dân giã là hát “bắt xắp”. Vì vậy lời hát phải hợp với hoàn cảnh cụ thể mới hay. Mỗi khi có đọan hát xăp hay, thế là tổ hát nhận được tràng vỗ tay reo hò, có khi còn được thưởng tiền nữa. Một điều hấp dẫn nữa là khán giả cũng có thể trở thành diễn viên, nhiều khán giả say mê quá thế là cùng vào mang trống múa hát, họ thay nhau như vậy cho nên hát sắc bùa có khi diễn ra đến 11, 12 giờ đêm chưa nghỉ. Cái khó là người lĩnh xướng có khả năng “Xuất khẩu thành thơ”, làm cho lời hát vừa đúng giai điệu, nhịp múa, vừa phù hợp với đối tượng mà mình đưa ra. Nổi tiếng ở vùng Phúc Trạch là cố Toan, đêm nào cố Toan cầm chịch là người xem đến chật nhà.Người Phúc Trạch có giọng nói trầm, nhưng lại có chút rè, rất khác biệt với người làng khác. Chuyện : “Hai người đi giữa phố đông/ người ăn hạt gạo/ người trồng/ lạ nhau” là chuyện phổ biến. Song với những người Phúc Trạch khi ở nơi xa xứ chỉ qua vài lời chào hỏi là họ đã nhận ra đồng hương vậy. Âu đó cũng là tình người Phúc Trạch để gắn kết với nhau nơi quê người đất khách .Ăn cơm mới nói chuyện cũ, làm sao cho hết, đặc biệt lại nói về một làng quê nổi tiếng, Ai đã đặt cho làng cái tên “Phúc Trạch” ; các “lão nông tri điền” thì nghĩ rằng chữ “Trạch” là vườn, các nhà Nho thì lại cho rằng “Trạch” là “Ban” (Ân Trạch). Hiểu thế nào thì cũng có cái nghĩa thực tế của nó, xét tổng thể thì “Trạch” là “Ban” có đúng nghĩa hơn, vì Phúc Trạch được thiên phú nhiều Ân Trạch, đã và đang phát triển, ẩn chứa tiềm năng hưng thịnh trong tương lai ./.
Nguồn Tạp chí VĂN HÓA HÀ TĨNH số 152 – tháng 3/2011

Tác giả bài viết: Bùi Ngọc Bích

  Từ khóa: Bưởi Phúc Trạch

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP