Tin Hà Tĩnh

Lần chần mỏ sắt Thạch Khê: TKV có hơn Nhật Bản?

Lo ngại rủi ro về môi trường là nguyên nhân lớn nhất khiến tỉnh Hà Tĩnh kiên quyết muốn dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Trong công văn gửi gửi Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KHĐT) về nhiều đánh giá liên quan đến dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng đã đến lúc "cần phải có quan điểm và quyết định rõ ràng, dứt điểm về dự án", kể từ khi dự án được Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề nghị tái khởi động sau gần 10 năm buộc phải tạm dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở cân nhắc nhiều mặt, UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh việc dừng dự án sẽ tránh tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong suốt vòng đời dự án.

Cuối năm 2016, Hà Tĩnh cũng đề nghị chưa tái khởi động dự án do còn nhiều bất cập.

Về phía Bộ KHĐT vào năm ngoái cũng đã trình văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị cho phép Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) dừng khai thác, chế biến mỏ sắt Thạch Khê và dừng cả dự án sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn/năm tại đây.

Tuy nhiên, TKV và Bộ Công thương cho rằng đề xuất dừng là chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. Với khoản vốn đầu tư đã bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng, việc dừng dự án có nguy cơ làm mất vốn của doanh nghiệp, trong đó đa số là vốn Nhà nước.

Trao đổi với Đất Việt, các chuyên gia đều đánh giá cao việc Hà Tĩnh kiên quyết nói không với dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê và cho rằng, sự kiên quyết này xuất phát từ nỗi lo ngại về những rủi ro có thể xảy ra, trong đó chủ yếu là vấn đề môi trường, nếu dự án này tiếp tục.

Cân nhắc thiệt hơn

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, mỏ Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất của Việt Nam tuy nhiên nó rất khó khai thác vì ở độ sâu lớn (âm 550m so với mặt nước biển). Hơn nữa, dù mỏ này giàu sắt nhưng tỷ lệ kẽm trong quặng quá cao (0,07%), gấp 10 lần quặng thương phẩm vẫn bán trên thị trường, do đó khi tuyển quặng sẽ rất khó khăn.

Mỏ Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn.

"Mỏ Thạch Khê ở độ sâu lớn, nước rất nhiều, lại gần biển nên khai thác rất khó. Nhưng có lẽ Bộ Công thương và TKV tự tin vào công nghệ mới, cho rằng nó có thể giải quyết được những lo ngại trên và khẳng định vẫn có thể khai thác được mỏ sắt Thạch Khê, tuyển được tinh quặng, phục vụ cho ngành luyện kim", PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển nói.

Dù vậy, tại sao tỉnh Hà Tĩnh vẫn kiên quyết dừng dự án? Theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, nguyên nhân chính xuất phát từ lo ngại về rủi ro môi trường.

"Hà Tĩnh muốn dừng dự án là vì chủ đầu tư không thuyết minh được việc giải quyết vấn đề môi trường khi dự án được tái khởi động. Còn nếu dự án tái khởi động, đương nhiên là tỉnh có lợi vì có thêm GDP từ việc thu thuế khai thác tài nguyên.

Nhưng cái được thì ít mà cái mất lại lớn lao hơn nhiều, bởi việc khai thác sẽ phá vỡ toàn bộ cơ sở hạ tầng sẵn có của Hà Tĩnh, cuộc sống của người dân trong khu vực bị đảo lộn, đặc biệt môi trường sinh thái bị xâm hại, suy thoái nghiêm trọng.

Do đó, tôi nghĩ vấn đề ở đây chủ yếu là nỗi lo về môi trường. Nếu Bộ Công thương và doanh nghiệp khẳng định được sẽ giải quyết được vấn đề môi trường cũng như tính khả thi trong việc thực hiện các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thì không có lý do gì Hà Tĩnh từ chối", vị chuyên gia chỉ rõ.

Ông nhấn mạnh, nhiều đối tác nước ngoài, trong đó có cả tập đoàn của Nhật Bản từng vào Hà Tĩnh khảo sát mỏ sắt Thạch Khê, phân tích và làm luận chứng kinh tế kỹ thuật kỹ càng nhưng sau phải rút lui vì thấy không hiệu quả và khó khả thi. Vậy tại sao TKV vẫn cứ muốn làm?

Không tin rằng TKV có thể làm giỏi hơn các đối tác nước ngoài, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển đặt câu hỏi: Phải chăng ở đây đang tồn tại tư duy hễ chạy dự án là có tiền, còn lỗ Nhà nước chịu?

"Phải kiểm tra, kiểm soát, nắn chỉnh ngay từ đầu, kể cả trong quá trình triển khai dự án, không thể để rơi vào "sự đã rồi", ông nhấn mạnh.

Một điểm khác mà vị chuyên gia cho rằng là căn cứ quan trọng để thấy rằng dự án khó khả thi, đó là thị trường tiêu thụ. Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, dự án này khác với Formosa ở chỗ: Formosa có nhà máy luyện thép, còn đây chỉ thuần túy khai thác khoáng sản từ lòng đất lên, còn thị trường tiêu thụ thế nào, đưa quặng đi đâu thì đến nay chưa biết.

Trước đó, theo báo cáo của Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC), hiện có một số doanh nghiệp trong nước như Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng ký thỏa thuận nguyên tắc mua bán quặng sắt Thạch Khê với tổng nhu cầu 5,7 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, cũng chỉ có Tập đoàn Hòa Phát ký thỏa thuận nguyên tắc mua bán quặng sắt Thạch Khê dài hạn với khối lượng 3 triệu tấn/năm cho giai đoạn năm 2017-2021. Còn sau đó chưa có cam kết cụ thể.

Còn với Công ty Gang thép Formosa, dù tổng nhu cầu quặng sắt của doanh nghiệp này từ 7-14 triệu tấn/năm nhưng họ vẫn chưa có ý định mua quặng sắt Thạch Khê.

Công ty Gang thép Formosa Việt Nam từng có văn bản cho hay: “Hàm lượng kẽm trong quặng sắt này cao hơn 10 lần so với quặng sắt thông thường, đồng thời cao hơn 4,5 lần so với tiêu chuẩn của Công ty; nguyên tố kẽm trong quặng sắt dễ ngưng tụ lại trên vách trong lò cao gây ảnh hưởng đến việc vận hành, hư hỏng vật liệu chịu lửa và làm giảm tuổi thọ của lò cao, nghiêm trọng hơn nữa sẽ dẫn đến việc rò rỉ gang lỏng gây ra sự cố. Công ty luôn luôn hy vọng có thể sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài nguyên của địa phương, tuy nhiên với công nghệ của Công ty hiện tại thì không thể sử dụng loại quặng sắt này”.

"Bộ Công thương và doanh nghiệp muốn triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê thì phải khẳng định và thuyết minh cho được vấn đề đảm bảo môi trường, cơ sở hạ tầng và đời sống người dân. Chừng nào chưa thuyết phục được Hà Tĩnh những điểm này thì đương nhiên tỉnh sẽ không đồng ý bởi nguyên tắc là không đánh đổi môi trường bằng mọi giá vì phát triển kinh tế", ông nói.

Nếu sự cố thì...

Chia sẻ quan điểm này với PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, năm 2017, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tiến hành đánh giá dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê. Ông cũng đã cùng các cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học thuộc VUSTA về Hà Tĩnh khảo sát thực địa và làm việc với các đơn vị liên quan.

Trên cơ sở đưa ra các phương án giả định với phân tích được-mất, VUSTA nhận định, hiệu quả kinh tế của dự án được đánh giá là rất thấp khi phải đầu tư nhiều để bảo vệ môi trường, phòng chống sạt lở, bơm thoát nước... Hiệu quả sử dụng tài nguyên không cao, đồng thời chưa có phương án tiêu thụ sản phẩm khả thi, nhất là trong trung và dài hạn.

Ngoài nguy cơ thua lỗ tài chính nặng nề nếu các giải pháp về công nghệ khai thác không khả thi khi gặp phải thiên tai hoặc do địa chất phức tạp gây ra, dẫn đến sụt lở đất đá, nước tràn vào mỏ. Dự án còn không tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là đối với dân cư phải chuyển đổi chỗ ở khi thực hiện dự án. Ngược lại, những cư dân nơi đây thì sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ của dự án mang lại.

Những phân tích, đánh giá nghiêm túc, kỹ lưỡng của VUSTA và các nhà khoa học là cơ sở quan trọng để UBND tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho dừng khai thác Dự án sắt Thạch Khê.

"Với dự án này lợi đâu chưa biết nhưng rõ ràng về mặt môi trường là vô cùng nguy hiểm. Nếu xảy ra sự cố thì không phải chỉ 7 xã của huyện Thạch Hà mà cả TP Hà Tĩnh-trung tâm đầu não của tỉnh cũng bị ảnh hưởng môi trường, vùi dập.

Công nghệ khai thác khoáng sản hiện nay chủ yếu vẫn là khai thác hở hoặc đào hầm lò kiểu như mỏ than. Nhưng mỏ sắt Thạch Khê đào hở thì không được vì nếu đào hở với diện tích lớn sẽ thành hồ nước đem lại tai họa.

Mỹ có ưu thế về công nghệ khai thác ngầm nhưng họ không vào. Quan trọng nhất là vì mỏ này nằm trên đồi cát, lại sát bờ biển, mỏ ở độ sâu âm hơn 500m thì không có bức tường nào chắn được khi nước biển ập vào", GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích.

GS Hồng khẳng định quan điểm, nên kết thúc dự án mỏ sắt Thạch Khê. Dù đây là mỏ tài nguyên lớn nhưng bây giờ, môi trường là cuộc sống, nếu khai thác sẽ ảnh hưởng đến cả một vùng, một tỉnh và nếu xảy ra rủi ro thì không thể cứu được.

"Tôi cho rằng đây chỉ là bài toán phá sản của TIC. Họ tính toán đời dự án kéo dài khoảng 50 năm, nhưng tiền nào chịu được lãi vay dài như thế? Giờ họ muốn tái khởi động dự án, dự án chạy sẽ có tiền và nuôi được TIC, bù lại cho họ số tiền đã bỏ ra. Nhưng ai nghiên cứu tiếp? Tiền thì không có, họ chỉ đòi đào", vị chuyên gia nhận định.

Tác giả: Thành Luân

Nguồn tin: Báo Đất Việt

  Từ khóa: mỏ sắt thạch khê

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP