Xã hội

Làm rõ việc khai thác khoáng sản ở rừng đặc dụng Thần Sa

Đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ làm rõ việc mở đường đi xuyên giữa rừng đặc dụng Thần Sa (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) và việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản đang gây ồn ào dư luận tại đây.

Rừng đặc dụng Thần Sa bị xâm hại bởi hoạt động khai thác vàng sa khoáng (Ảnh: V.H).

Theo nguồn tin của PV Dân trí, đoàn thanh tra của Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Tổng cục Địa chất- Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) sẽ làm rõ việc mở đường đi xuyên giữa rừng đặc dụng Thần Sa thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên).

Ngoài ra, đoàn công tác cũng sẽ làm rõ hiện trạng quy hoạch các loại rừng trong khu bảo tồn và việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản tại đây.

Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng sở hữu khoảng 20.000 ha rừng đặc dụng với hình thái rừng núi đá vôi độc đáo, có tính đa dạng sinh học phong phú với nhiều nguồn gen. Đây cũng là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm và nhiều hệ sinh thái chuẩn của vùng núi đá.

Tuy nhiên thời gian qua hệ sinh thái rừng này đã và đang có dấu hiệu bị xâm hại khi bỗng nhiên xuất hiện một con đường bằng bê tông rộng 6 m, dài 1,3 km từ cửa rừng đâm thẳng vào nơi khai thác vàng của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long.

Được biết, từ đầu năm 2018 đến nay, đường dân sinh đi vào các thôn, bản trong vùng lõi rừng đặc dụng Thần Sa vốn là lối mòn men theo vách núi đã được nắn lại và thay thế bằng một con đường bê tông rộng 6 m, dài 1,3 km chạy thẳng từ cửa rừng đến nơi khai thác vàng của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long (trụ sở tại tỉnh Thái Nguyên).

Trao đổi với báo chí, đại diện UBND xã Thần Sa và UBND huyện Võ Nhai cho biết, việc mở đường giữa rừng đặc dụng là thực hiện “chủ trương xây dựng đường nông thôn mới”, với sự tài trợ của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long (?!).

Mới đây đoàn liên ngành tỉnh Thái Nguyên do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì vừa đưa ra những kết luận bước đầu. Cụ thể, Công ty Thăng Long đã xây dựng khu vực văn phòng trên diện tích 1,67 ha, đồng thời xây dựng một khu tâm linh gồm đình, đền, chùa Bản Ná với diện tích khoảng 0,12 ha. Công ty đã tự ý mua bán, chuyển nhượng nhà đất của 4 hộ dân, hiện tại cũng chưa có hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác.

Đặc biệt, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên phát hiện trong quá trình khai thác Công ty Thăng Long đã đổ thải (phế liệu từ hoạt động khai thác vàng) ra ngoài phạm vi cấp phép khai thác mỏ lên diện tích rừng khoảng 5,78ha, trong đó có 5,30 ha là rừng đặc dụng, còn lại là quy hoạch các loại rừng khác.

Báo cáo mới nhất của đoàn liên ngành tỉnh Thái Nguyên thể hiện diện tích bị xâm hại tổng cộng khoảng 12,25 ha, trong đó có hơn 11 ha rừng đặc dụng.

Khu văn phòng, đình, chùa được xây dựng trên 1,7ha đất rừng đặc dụng Thần Sa-Phượng Hoàng đang gây bức xúc dư luận thời gian qua (Ảnh: V.H).

Ưu ái” cấp phép?

Đáng chú ý, hồ sơ vụ việc cho thấy tỉnh Thái Nguyên đã có động thái “ưu ái” trong việc cấp phép khai thác mỏ vàng sa khoáng tại đây. Cụ thể, giấy phép khai thác mỏ vàng Bản Ná được cấp cho Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long với tổng diện tích 37,25ha tại Quyết định số 3068/GP-UBND ngày 5/12/2008 với thời hạn khai thác 7 năm, trong đó 1 năm xây dựng cơ bản mỏ, 5 năm khai thác và 1 năm hoàn thổ, phục hồi môi trường. Như vậy việc thực hiện khai thác vàng sa khoáng của chủ mỏ này sẽ phải chấm dứt vào năm 2014.

Ngày 30/3/2015, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị 03 về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản, trong đó nhấn mạnh “không cấp phép mới thăm dò, khai thác vàng sa khoáng”; hạn chế và đi đến chấm dứt cấp phép khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ (?!). Thế nhưng khi giấy phép của Công ty Thăng Long chỉ còn thời gian ít ngày là hết hạn thì ngày 29/5/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên bất ngờ ký quyết định gia hạn khai thác cho doanh nghiệp này với tổng khối lượng lên tới 170.254m3 cát quặng; công suất khai thác 25.000 m3 cát quặng/năm.

Chưa kể toàn bộ phần diện tích khai thác mỏ vàng sa khoáng rộng hàng chục ha trùm hoàn toàn lên cánh đồng Khắc Kiệm vẫn chưa có bất kỳ hoạt động khai thác nào cho đến thời điểm hiện tại.

Thông tin mới nhất từ UBND huyện Võ Nhai cho biết, mỏ vàng Khắc Kiệm nếu được triển khai sẽ phải thu hồi hoàn toàn 25ha đất trồng lúa của người dân nơi đây. Hiện nay, người dân địa phương đang gửi nhiều kiến nghị tới các cơ quan chức năng xung quanh giá đền bù, chính sách hỗ trợ việc làm, hỗ trợ lương thực sau khi ruộng đất bị thu hồi vì khi doanh nghiệp tiến hành khai thác, người dân sẽ mất hoàn toàn đất nông nghiệp.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP