Giáo dục

Lạm phát học sinh giỏi và nghịch lý: Lỗ hổng của giáo dục toàn diện

Trường học nếu chỉ chú trọng một cách phiến diện học sinh giỏi sẽ để lại một lỗ hổng lớn trong quan điểm giáo dục, trong chiến lược phát triển con người toàn diện cả về năng lực và phẩm chất

Trong khi nền giáo dục ở các nước phát triển trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore luôn coi trọng nhân cách hơn kết quả học tập của người học thì ở Việt Nam, danh hiệu "học sinh (HS) giỏi" lại trở thành cơn sốt "khoe thành tích học tập" mỗi kỳ tổng kết. HS chúng ta đã thật sự giỏi đến thế chăng?

Áp lực từ cha mẹ

Có lần một nữ HS - là người sau cùng buồn bã rời khỏi lớp học sau khi nhận kết quả điểm thi cuối kỳ rất tệ - nhìn tôi với đôi mắt ướt đẫm: "Em ước gì chiều nay mẹ có thể ôm em vào lòng và an ủi em: Điểm thấp ư? Không sao, con có thể làm những việc khác tốt hơn". Tôi xót xa nhận ra ước mong tha thiết của cô học trò bé bỏng chỉ là thái độ chia sẻ, cảm thông của cha mẹ chứ có gì lớn lao đâu nhưng sao với em, nó khó khăn và xa vời đến thế!

Hầu hết các bậc phụ huynh đặt ra mục tiêu con đến trường thì phải học giỏi, thậm chí bất chấp cuộc hành trình quá sức đã khiến con họ cạn kiệt về sức lực và trí tuệ. Học tập không còn là mục đích tự thân của trẻ nữa. Các em bị buộc "phải học" và "phải giỏi" như mong muốn của cha mẹ. Các em không được cha mẹ tìm hiểu, quan tâm rằng con đang là một đứa trẻ hạnh phúc hay bất hạnh. Cha mẹ chỉ đặc biệt quan tâm đến sổ liên lạc, phiếu báo điểm và thông báo kết quả học tập của con trong các kỳ họp phụ huynh.

Khi giáo dục gia đình bị xem nhẹ thì thành tích học tập của con ở trường trở thành mục tiêu tối ưu cuốn hút sự quan tâm của cha mẹ. Vô tình, đứa trẻ trở thành mục tiêu và phương tiện thỏa mãn nhu cầu, mong muốn "khoe con" của cha mẹ. Vì thế, nhiều phụ huynh không chấp nhận sự yếu kém hay tình trạng sa sút trong học tập của con. Rất ít phụ huynh thực sự quan tâm đến khả năng sẵn có, cảm xúc, tâm lý và nhu cầu tự nhiên của con mình. Dẫn đến trường hợp một số HS bị trầm cảm, tự tử vì áp lực học tập căng thẳng hoặc kết quả học tập không được như kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô.

Thành tích trong học tập không phải là toàn bộ thành phẩm của quá trình giáo dục con người. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Tấn Thạnh

Áp lực từ thầy cô và nhà trường

Hào quang của thành tích đã đẩy thầy cô giáo về phía quan điểm giáo dục thực dụng, chú trọng điểm số, tỉ lệ điểm thi của HS cao hay thấp, có nhiều HS giỏi hay không, bảng xếp hạng thi đua ở vị thứ nào... Từ đó, giáo viên (GV) buộc phải áp dụng các phương pháp dạy học thiếu tích cực như truyền thụ, thuyết giảng một chiều, dạy học áp đặt, nhồi nhét.

Người học lại tiếp tục trở thành phương tiện để GV khẳng định danh hiệu "GV giỏi". Vì vậy, không ít GV chọn giải pháp tiêu cực như "nhá" đề thi, bắt HS thuộc lòng, học bài mẫu, bài "tủ"... Cách dạy học này biến HS thành người phục tùng, thụ động, lười suy nghĩ, ỷ lại, chẳng khác gì những cái "máy chép", "máy đọc". Những hệ lụy về phẩm chất mà đứa trẻ phải mang theo trong suốt cuộc đời là không thể phủ nhận.

Thành - bại không phải do điểm số

Trong một xã hội thịnh vượng, nhân phẩm mới là thước đo cao nhất. Thành tích trong học tập không phải là toàn bộ thành phẩm của quá trình giáo dục con người. Bởi giáo dục là đào tạo ra sản phẩm con người với đầy đủ năng lực và phẩm chất; là hoạt động đánh thức, bồi dưỡng nhân cách, trí tuệ, cảm xúc của con người. Thành - bại của một người hoàn toàn không phải do bảng thành tích, điểm số quyết định.

Nhà trường là môi trường giáo dục có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đời con người. Ở đó, HS được hình thành, phát triển các năng lực cùng các kỹ năng mềm; được rèn giũa, uốn nắn từng hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ trong giao tiếp, ứng xử; được phát huy thế mạnh, được tôn trọng về năng khiếu, sở trường và những cá tính khác biệt; được đánh giá cao từ những hành vi, phẩm chất đạo đức đẹp đẽ.

Ở đó, HS sẵn sàng đương đầu và biết xử lý mọi khó khăn, tình huống phức tạp của cuộc sống, biết giải quyết mâu thuẫn, xung đột và cân bằng trạng thái tâm lý, cảm xúc; được phát hiện và bồi dưỡng tiềm năng, năng khiếu bẩm sinh, không cảm thấy bị lạc lõng và cô độc giữa tập thể khi không được đánh giá là HS giỏi. Mọi nỗ lực cố gắng, kết quả thành hay bại, không dựa vào tiêu chí đạt được danh hiệu này hay thành tích kia.

Trường học nếu chỉ chú trọng một cách phiến diện HS giỏi sẽ để lại một lỗ hổng lớn trong quan điểm giáo dục, trong chiến lược phát triển con người toàn diện cả về năng lực và phẩm chất. Giáo dục không thể nói là thành công khi trường học không phải là không gian lý tưởng để mỗi ngày đứa trẻ thực sự chủ động và hứng thú khi đến trường.

Sự quá tải của chương trình học cùng với sự “kỳ vọng” của gia đình và nhà trường làm cho HS phải gánh chịu nhiều áp lực.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền (Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ; quận 4, TP HCM)

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP